Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 11:38 GMT+7

Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 16)

Biên phòng - Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh An Giang - mảnh đất nơi đầu nguồn sông Hậu đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Để bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân, giữ yên bờ cõi Tổ quốc, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) An Giang đã anh dũng chiến đấu hàng trăm trận. Có tới 130 cán bộ, chiến sĩ CANDVT An Giang đã vĩnh viễn nằm lại trên biên giới khi tuổi đời còn rất trẻ...

Bài 16: Anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới An Giang

Đánh 637 trận, diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch

Ở Sở chỉ huy BĐBP An Giang có một phòng thờ các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Tính đến giữa năm 2023, BĐBP An Giang là tỉnh đầu tiên, duy nhất trong các tỉnh, thành Biên phòng phía Nam lập bàn thờ chung cho liệt sĩ toàn đơn vị. Bên cạnh tấm bia khắc tên tuổi, quê quán 130 anh hùng, liệt sĩ là những hình ảnh chân thực, sinh động về những trận chiến đấu bảo vệ đồn, đơn vị, bảo vệ biên giới của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) thuộc CANDVT - nay là BĐBP An Giang.

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ BĐBP An Giang. Ảnh: Đăng Bảy

Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang chia sẻ: "Sự hy sinh anh dũng của lớp cha anh đi trước là vô giá. Không có những tấm gương “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đó, chúng ta đã không có được sự bình yên, hạnh phúc như hôm nay. Mỗi lần dâng hương bàn thờ các anh hùng, liệt sĩ là mỗi lần CB, CS BĐBP An Giang chúng tôi lại tự nhắc nhở mình phải học tập, noi gương các thế hệ cha ông di trước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ yên non sông, bờ cõi... Lần theo những tấm ảnh tư liệu, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của CANDVT An Giang những năm 1977-1979 như được tái hiện"...

Trong suốt chiều dài lịch sử chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng đơn vị, BĐBP An Giang có 3 tập thể và 1 cá nhân vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị 3 lần được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa; được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công; 825 Huân chương Chiến công các loại; 8 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 207 Huân chương Quân kỳ Quyết thắng.

Tháng 2/1976, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở sáp nhập một số huyện, thị của hai tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và huyện Chợ Mới của tỉnh Sa Đéc. Trước yêu cầu của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, đến tháng 6/1976, lực lượng CANDVT An Giang được thành lập. Không lâu sau đó, CANDVT An Giang đã phải đương đầu với một thử thách vô cùng khó khăn, đó là chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Đêm 30/4/1977, Pol Pot huy động toàn bộ quân chủ lực, quân địa phương các tỉnh, huyện đóng ở dọc biên giới phía đối diện tấn công sang biên giới An Giang, mở đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới phía Tây Nam. Tại An Giang, địch tổ chức thành từng đại đội, tiểu đoàn, chia làm nhiều mũi bao vây, tấn công 11 điểm đồn, trạm CANDVT và các chốt của dân quân du kích dọc biên giới.

Dưới sự lãnh đạo, giúp đỡ tận tình của các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, lực lượng CANDVT An Giang đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng. Trải qua gần 2 năm bám trụ, chiến đấu trên tuyến đầu biên giới, CANDVT An Giang đã đánh 637 trận lớn, nhỏ. Tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch; bắt và gọi hàng hàng trăm tên tàn quân, phản động, thám báo..., thu trên 400 khẩu súng, hàng chục tấn đạn các loại. Ngoài ra, CANDVT An Giang còn phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực, dân quân du kích đánh hàng trăm trận, diệt và làm bị thương nhiều tên địch.

Viết nên những trang sử vẻ vang của đơn vị

Bị thua đau ngay từ đợt đầu, bọn Pol Pot càng cay cú. Chúng huy động mọi lực lượng, vũ khí, phương tiện liên tục đánh phá trên dọc tuyến biên giới An Giang. Mục tiêu tấn công đầu tiên của chúng là các đồn, trạm CANDVT. Theo lịch sử BĐBP, chỉ từ ngày 15/5 đến ngày 10/9/1977, Pol Pot đã 635 lần đánh phá dọc biên giới An Giang. Trong đó, 5 trạm, chốt CANDVT là: Lộ 2, Mương Hội Đồng, Vạc Lài, chùa Thầy Bảy, Vĩnh Hội Đông đã bị chúng đánh phá 303 lần. Hay như chỉ từ ngày 21 đến ngày 24/12/2077, Pol Pot đã 24 lần đánh vào khu vực biên giới do Đồn CANDVT Long Bình phụ trách.

BĐBP An Giang tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Tuy mới được thành lập, quân số, vũ khí, trang bị còn thiếu, địa bàn hoạt động là vùng mới giải phóng còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng CANDVT An Giang đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, bám trụ trên tuyến đầu biên giới, viết nên những trang sử vẻ vang, góp phần cùng quân dân trong tỉnh đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của Pol Pot, giải phóng biên giới.

Trong trận chiến đấu không cân sức này, nhiều đơn vị CANDVT An Giang đã lập công xuất sắc, đẩy lùi hàng trăm đợt tấn công của địch, giành giật từng công sự, chiến hào, chặn đứng bước tiến của chúng để giữ vững đồn, trạm. Ở chốt Mương Hội Đồng (Đồn CANDVT Long Bình), 7 chiến sĩ thà chết không để địch bắt, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ở chốt chùa Thầy Bảy (Đồn CANDVT Đồng Đức), CB, CS đơn vị đã kiên cường chặn đứng hàng đại đội địch. Ở chốt Lộ 2 ( Đồn CANDVT Tịnh Biên), CB, CS ta đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công từ 3 mặt, nhiều tên địch đã bị diệt ngay trên mái nhà doanh trại. Ở Đồn CANDVT Bắc Đai, địch chiếm địa thế có lợi, chuẩn bị đánh ta, nhưng đơn vị đã chủ động vượt sông, tấn công bất ngờ buộc chúng phải rút lui, ta chiếm công sự, phòng ngự từ xa.

Các đồn CANDVT như: Long Bình, Vĩnh Xương, Vĩnh Lạc, Tịnh Biên, Vĩnh Nguơn và các đơn vị như Đại đội 2; Tiểu đoàn 2 và 3, CANDVT An Giang đã anh dũng đánh trả địch, sẵn sàng hy sinh để giữ vững đồn, chốt. Nhiều CB, CS nêu cao tinh thần cách mạng tấn công, bị thương nhiều lần vẫn không rời trận địa, bám trụ chiến đấu đến cùng như: Trần Văn Đẹp, Nguyễn Ngọc Đảm, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Hồng Thanh...

Điển hình là Phân đội 2 cơ động thuộc Đồn CANDVT Long Bình, gồm 12 CB, CS, đóng chốt ở khu vực gần sông Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú. Trong suốt cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Phân đội 2 đã chiến đấu hơn 40 trận lớn nhỏ, diệt gần 100 tên địch, thu 11 súng các loại, hàng vạn viên đạn.

Hay như Binh nhất Hoàng Kim Long, Đồn CANDVT Vĩnh Xương. Là xạ thủ bắn hỏa lực (súng ĐKZ), từ tháng 7/1977 đến tháng 4/1978, anh đã tham gia 35 trận chiến đấu, một mình diệt 9 hỏa điểm của địch, góp phần cùng đơn vị diệt 50 tên Pol Pot. Là người con của quê lúa Tiền Hải, Thái Bình, anh đã hóa thân vào đất mẹ An Giang khi vừa bước sang tuổi 19.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới, ngày 20/12/1979, Phân đội 2, Đồn CANDVT Long Bình vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và liệt sĩ Hoàng Kim Long được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài 17: Bảo vệ biên giới nơi cửa ngõ Sông Tiền

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO