Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 12:53 GMT+7

Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 20)

Biên phòng - Luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, toàn bộ 30 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Phú Mỹ đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu và hóa thân vào lòng đất Mẹ trong cùng một thời khắc lịch sử. Đây cũng là đơn vị duy nhất của lực lượng CANDVT cả nước đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ đơn vị, bảo vệ nhân dân và bảo vệ biên giới.

Bài 20: Đội Cảm tử quân Phú Mỹ

Vừa xây dựng đơn vị, vừa sẵn sàng chiến đấu

Dọc theo chiều dài 55km đường biên giới đất liền của Kiên Giang, có rất nhiều sông, kênh, rạch chảy qua. Và ở những vùng sông nước đó, gần như lúc nào cũng thấy nên thơ bởi sắc màu của hoa sen, hoa súng. Nhưng đẹp và ấn tượng nhất là những đóa hoa sen ngát hương trải dài ngút ngàn dọc theo kênh Hà Giang ngay trước cổng Đồn Biên phòng Phú Mỹ.

CB, CS Đồn Biên phòng Phú Mỹ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ chia sẻ: "Khu vực này rất nhiều ao sen, nhưng không hiểu sao, ở xung quanh đơn vị, tuy là mọc tự nhiên, không ai chăm sóc nhưng sen cứ nở quanh năm và rất đẹp. Bà con địa phương thường nói với nhau, sen đẹp vậy là để mãi ghi nhớ gương hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Vào các dịp mùng 1 hay ngày rằm, ngày lễ, bà con cô bác thường dâng những bông sen tươi thắm lên tượng đài các anh hùng, liệt sĩ của đơn vị"...

Sau ngày giải phóng năm 1975, xã biên giới Phú Mỹ hầu hết là rừng tràm, rừng dừa nước, sình lầy và một ít đồng ruộng nằm bên sông Giang Thành. Dân cư lúc đó phần lớn là người Việt gốc Khmer, sống chủ yếu dựa vào môi trường tự nhiên, đánh bắt tôm cá. Là địa bàn tương đối phức tạp về an ninh chính trị nên ở khu vực biên giới này được Bộ Tư lệnh CANDVT quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Ngày 26/11/1976, gần 40 CB, CS CANDVT đã có mặt tại Phú Mỹ để triển khai xây dựng đồn. Phần lớn CB, CS lúc đó đều được tăng cường từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào. Trong số đó, có rất nhiều chiến sĩ mới, chưa từng trải qua chiến đấu.

Ngay sau khi hành quân đến địa điểm đóng quân, do chưa có nhà cửa nên từ cán bộ đến chiến sĩ đều ở tạm nhà dân. Giai đoạn này, đơn vị vừa làm quen với bà con, chính quyền địa phương, vừa huấn luyện và tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới và tích cực xúc tiến việc xây dựng doanh trại. Lúc bấy giờ, tình hình biên giới ngày càng trở nên phức tạp, căng thẳng, đơn vị phải tập trung lực lượng cho nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới. Nhưng được sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, chỉ một thời gian ngắn, đơn vị đã có 600 cây tràm, 5.500 tấm lá dừa nước đủ để làm được 340m2 doanh trại Đồn CANDVT Phú Mỹ.

Trong lúc đơn vị đang cùng nhân dân và chính quyền khắc phục hậu quả của chiến tranh, truy quét bọn tàn quân và các phần tử phản động sót lại sau năm 1975, thì bọn Pol Pot gây ra cuộc chiến trên biên giới Tây Nam. Phú Mỹ cũng như các đồn CANDVT khác của Kiên Giang trở thành mục tiêu tấn công của kẻ thù. Đây cũng là thời điểm bắt đầu diễn ra những cuộc chiến đấu ngoan cường, đầy trí lực của CANDVT Kiên Giang đánh trả cuộc chiến tranh xâm lược của quân Pol Pot. Từ tháng 5 đến cuối tháng 12/1977, kẻ thù đã nhiều lần tổ chức lực lượng tấn công vào các mục tiêu ở khu vực xã Phú Mỹ. Nhưng chúng đã bị Đồn CANDVT Phú Mỹ, các đơn vị quân đội và du kích xã Phú Mỹ chặn đánh cho tơi bời, buộc phải rút lui.

Sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Khuya ngày 18/1/1978, địch dùng hỏa lực (cối 82mm và súng 12,8mm), từ bên kia biên giới bắn kiềm chế rồi đưa một tiểu đoàn tấn công vào Đồn CANDVT Phú Mỹ và trụ sở UBND xã Phú Mỹ. Ý đồ của địch là chiếm khu vực này làm bàn đạp tiến sâu vào nội địa ta. Nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của ta, nhiều tên bị tiêu diệt, nhiều tên bị trọng thương. Tuy lực lượng ít, vũ khí hạn chế, nhưng CB, CS Đồn CANDVT Phú Mỹ và du kích xã Phú Mỹ đã dũng cảm chiến đấu, giành giật với địch từng thửa ruộng, bờ đê, cụm cây. Trận đánh này kéo dài suốt 6 ngày đêm, ta diệt được nhiều tên địch, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của chúng...

CB, CS Đồn Biên phòng Phú Mỹ vận động các nhà sư chùa Giồng Kè hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Ảnh: Đăng Bảy

Sau nhiều lần tổ chức tấn công bị thất bại, liên tục các ngày từ 15 đến 17/5/1978, địch đã huy động lực lượng đánh vào Đồn CANDVT Phú Mỹ và các chốt, các đơn vị ở khu vực này. Điển hình là lúc đêm 16, rạng sáng 17/5/1978, địch huy động 3 tiểu đoàn pháo binh ở bên kia biên giới, có cả nhiều loại hỏa lực mạnh yểm trợ, chia làm 3 mũi tấn công vào địa bàn xã Phú Mỹ. Với quân số đông và hỏa lực rất mạnh, ngay từ đầu, địch đã đánh bật một số chốt của các đơn vị đóng phía ngoài. Đồn CANDVT Phú Mỹ lúc đó chỉ có 34 CB, CS, nhưng đã chiến đấu rất dũng cảm, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, diệt và làm bị thương nhiều tên, trong đó có 15 tên bỏ xác tại chỗ.

Sau khi tạm lui vào rừng tràm củng cố lực lượng, đến 5 giờ sáng ngày 17/5/1978, địch huy động khoảng 4 tiểu đoàn, tiếp tục tấn công vào Đồn CANDVT Phú Mỹ. Sau gần 2 giờ chiến đấu, ta đã có 2 chiến sĩ bị thương, do vậy, đơn vị phải cử 2 đồng chí mở đường đưa thương binh ra khỏi vòng vây. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, địch đông hơn ta gấp nhiều lần và hỏa lực mạnh ở thế áp đảo. Ta và địch giành giật nhau từng ụ đất, từng mét chiến hào, công sự. Nhưng toàn bộ CB, CS của ta rất bình tĩnh và hiệp đồng ăn khớp, chờ địch đến thật gần mới bất ngờ nổ súng tiêu diệt địch. Do quân số, vũ khí quá mỏng, lại liên tục chiến đấu trong trạng thái căng thẳng, nên lực lượng ta càng lúc càng tiêu hao. Diễn biến trận chiến đấu ngày càng phức tạp.

Để phát huy và tập trung sức mạnh của toàn đơn vị, cấp ủy, chỉ huy Đồn CANDVT Phú Mỹ đã quyết định thành lập Đội Cảm tử quân. Và với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu quật khởi, cả 30 CB, CS đều xung phong vào Đội Cảm tử quân, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, CB, CS của đơn vị vẫn dũng cảm giương lê đánh giáp lá cà chứ quyết không hạ súng đầu hàng, không để kẻ địch bắt sống. Đến 12 giờ 15 phút, ngày 17/5/1978, toàn bộ 30 CB, CS của Đồn Phú Mỹ đã anh dũng hy sinh... Đúng như tên gọi, Đội Cảm tử quân đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hóa thân vào vùng biên giới Phú Mỹ...

Trận đánh này của CB, CS Đồn CANDVT Phú Mỹ đã nêu tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và với nhân dân. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 20/12/1979, Đồn CANDVT Phú Mỹ và Thượng úy Hồ Đăng Khầm, Phó Đồn trưởng Đồn CANDVT Phú Mỹ - người con của quê biển Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, Nghệ An được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài 21: Sông Bé oai hùng

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO