Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 09:04 GMT+7

Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 22)

Biên phòng - 45 năm đã đi qua, nhưng trận chiến đấu quyết tử của Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Hoa Lư, Sông Bé (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, BĐBP Bình Phước) vẫn còn in đậm trong những trang sử vàng chói lọi về tinh thần yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong trận chiến đấu này, 33 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) của đơn vị đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 22: Bất khuất Hoa Lư

Những chiến binh dũng cảm

Không chỉ là khu cửa khẩu quốc tế, nơi giao thương hàng hóa sầm uất, Hoa Lư bây giờ còn là cầu nối, là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 quốc gia Việt Nam và Campuchia. Dọc 2 bên quốc lộ 13 chạy ra khu vực cửa khẩu, dân cư sinh sống, buôn bán đông đúc, trù phú. Phía bên tay phải, cách biên giới tầm 2km là Đền tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư được xây dựng to, đẹp, khang trang.

Tuổi trẻ Đồn CANDVT Hoa Lư trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh: Tư liệu

Trên tấm bia đá khắc tên 35 liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, có 33 người hy sinh cùng ngày 28/2/1978. Đó là những chiến binh dũng cảm, gan dạ, dám xả thân trong trận đánh không cân sức với kẻ thù. Nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách 35 liệt sĩ là Thượng úy Nguyễn Văn Vải, Đồn trưởng Đồn CANDVT Hoa Lư. Ông sinh năm 1933, quê ở Quang Hòa, Ứng Hòa, Hà Tây, nhập ngũ năm 1959, hy sinh ngày 28/2/1978 trong lúc chỉ huy đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới...

Đại tá Đoàn Văn Thái, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Sông Bé cho biết: "Hoa Lư là đồn trọng điểm của CANDVT Sông Bé, nằm ở điểm cuối quốc lộ 13 nối với Campuchia. Năm 1975, khi mới thành lập, đơn vị quản lý đoạn biên giới dài 33km, chiều sâu 10km. Cùng với việc tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, CB, CS Đồn CANDVT Hoa Lư tiến hành củng cố hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, công sự chiến đấu một cách liên hoàn. Phía ngoài đơn vị, có hàng rào dây thép gai, lưới B40 bao quanh. Ở một số vị trí xung yếu, ta còn bố trí một số bãi mìn, ngăn chặn địch".

Đầu năm 1978, khi Pol Pot tăng cường các hoạt động lấn chiếm, dân cư dọc biên giới được lệnh sơ tán về phía sau. Cùng với đó, dân quân du kích, bộ đội địa phương cũng lui về cách đồn 10km. Do vậy, Pol Pot đã gia tăng các hoạt động như thọc sâu vào đất ta từ 3 đến 5km đánh phá, kết hợp với pháo kích bằng các loại pháo 105 ly, cối 82.

Từ giữa tháng 1/1978, tại khu vực Đồn CANDVT Hoa Lư quản lý, quân Pol Pot nhiều lần cho lính vượt biên giới luồn sâu vào trinh sát khu vực đường 13, làng 7, làng 9, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Chúng cũng liên tục tổ chức nhiều đợt tập kích vào Đồn CANDVT Hoa Lư. Điển hình như rạng sáng 28/1, một tiểu đội lính Pol Pot mang mặc giống bộ đội ta, ngang nhiên tiến vào cổng đồn. Nhờ cảnh giác cao độ nên tổ gác của đơn vị phát hiện, kịp thời bắn trả.

Địch vừa chống cự, vừa vội vã tháo lui, để lại 4 xác chết, 1 súng AK và 1 mìn chống tăng. Từ đầu tháng 2/1978, nhận định có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá Hoa Lư, Ban Chỉ huy CANDVT Sông Bé đã tăng cường lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm để đơn vị đủ khả năng chiến đấu đánh địch trong nhiều ngày. Lực lượng chiến đấu tại Đồn CANDVT Hoa Lư đến ngày 27/2 có 68 CB, CS, trong đó, có 15 tân binh mới về đơn vị được 5 ngày.

Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc

Trung tá Nguyễn Quang Uyên (là 1 trong 15 tân binh lúc đó) nhớ lại: "Từ chiều tối ngày 27/2/1978, địch tập trung xung lực, hỏa lực, bao vây trạm kiểm soát và Đồn CANDVT Hoa Lư. Rạng sáng ngày 28/2, Thượng úy, Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải lệnh các bộ phận đồng loạt nổ súng, đánh vỗ mặt địch. Bị tổn thất nặng nề, quân Pol Pot bắn trả quyết liệt bằng các loại súng từ ĐKZ, cối 82mm, cối 120mm và pháo 105mm. Liền ngay sau đó, quân Pol Pot ồ ạt tấn công vào đồn...".

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tri ân các liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Dựa trên hệ thống hầm hào được củng cố khá vững chắc, đơn vị đã nổ súng phản công, tiêu diệt nhiều tên địch. Sau hơn 10 lần hô xung phong đều bị đánh bật ngược ra, quân Pol Pot tạm dừng để củng cố đội hình. Từ 8 giờ đến chiều tối ngày 28/2, chúng tập trung hỏa lực liên tục đánh vào đồn. Nhưng chúng đã bị ta đánh trả quyết liệt, hàng chục tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Khó khăn lớn nhất của đơn vị lúc đó là thiếu đạn, thiếu nước uống (vì bồn đựng nước bị đạn pháo của địch bắn vỡ). Đã thế, Đại đội 1 và Đại đội 3, CANDVT Sông Bé và Tiểu đoàn 1 Phú Lợi cơ động đến chi viện cũng bị địch chặn đánh khi cách đồn khoảng 1km. Trên cơ sở diễn biến trận đánh và căn cứ vào tình hình thực tế, đến 16 giờ, ngày 28/2, đơn vị nhân được lệnh mở đường máu, rút về vị trí dự phòng, cách đó hơn 1km, đợi chi viện của tuyến sau, củng cố lực lượng, chờ cơ hội đánh trả quân địch...

Sau khi chôn cất liệt sĩ, hủy các tài liệu, đơn vị tổ chức thành 2 bộ phận di chuyển sang vị trí mới. Bộ phận mở đường do Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải và Đồn phó Ngô Văn Hát chỉ huy. Bộ phận thứ hai do Chính trị viên Hoàng Yển và Chính trị viên phó Lò Văn Phúc phụ trách. Nhưng khi bộ phận đi đầu ra cách đơn vị hơn 400m, thì đụng địch phục kích. Trời tối dần, địch vẫn vây quanh lực lượng của ta, Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải và một số CB, CS hy sinh, số còn lại chia nhau từng tốp 2-3 người, bám gốc cây, ụ mối chiến đấu kiên cường.

Trong trận đánh không cân sức này xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, ngoan cường. Khi súng cối 82mm hết đạn, xạ thủ, hạ sĩ Bùi Minh Tiến (quê ở Xuân Thủy, Hà Nam) dùng súng bắn tỉa để đánh trả quân địch. Anh đã hy sinh trong tư thế chiến đấu ngay trên chiến hào khi vừa bước qua tuổi 24. Trung sĩ Phạm Nhật Lệ dũng cảm bắn đến 17 quả B40. Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đức (quê ở Yên Châu, tỉnh Sơn La) bị thương nặng, biết mình không qua khỏi vẫn không quên dặn đồng đội, nếu về đến đơn vị, hãy báo cấp trên rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, quyết không để bị giặc bắt...

Sau hai ngày chiến đấu với kẻ thù đông gấp 10 lần, có pháo binh hỗ trợ, CB, CS Đồn CANDVT Hoa Lư đã kiên cường bám trận địa, đánh lui hàng chục đợt tấn công của quân Pol Pot. Theo báo cáo số 188/BC-TM ngày 29/4/1979, lưu tại Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Phước, trong trận đánh ngày 27 và 28/2/1978, Đồn CANDVT Hoa Lư đã loại khỏi vòng chiến đấu 107 tên Pol Pot. Chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, với tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, trong trận chiến đấu bi hùng này, đã có 33 CB, CS Đồn CANDVT Hoa Lư hy sinh và 13 người bị thương. Đến ngày 1/9/1978, lực lượng chi viện gồm Đại đội 1; Đại đội 3, CANDVT Sông Bé và Tiểu đoàn 1 Phú Lợi đã cùng với số CB, CS còn lại của Đồn CANDVT Hoa Lư tổ chức phản công, đánh đuổi địch, buộc chúng phải tháo chạy về phía biên giới.

Những tấm gương hy sinh anh dũng của CB, CS Đồn CANDVT Hoa Lư là sự kiện gây xúc động sâu sắc, là hình ảnh không bao giờ phai nhòa trong lòng đồng chí, đồng đội và đồng bào, chính quyền, nhân dân nơi vùng biên giới Lộc Ninh nói riêng và Bình Phước ngày nay nói chung.

Bài 23: Anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới Đắk Nông

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO