Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 12:51 GMT+7

Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 43)

Biên phòng - Với chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới và làm tan rã tổ chức phỉ ở Mỏ Phàng, Đồn CANDVT Săm Pun vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Bài 43: Giữ “cổng trời” Xín Cái

Khi chiến đấu, cùng chung chiến hào, sống chết có nhau. Sau khi đã hóa thân vào đất mẹ, các anh hùng liệt sĩ, dù là Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), quân sự hay du kích xã... lại một lần nữa được vinh danh chung ở Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của địa phương. Ở hai xã Xín Cái và Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có hai Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ như thế...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Đăng Bảy

Dũng cảm chiến đấu bảo vệ biên giới

Đồn CANDVT Săm Pun (nay là Đồn Biên phòng Xín Cái) quản lý hai xã Thượng Phùng và Xín Cái (huyện Mèo Vạc). Và ở nơi được coi là “thâm sơn cùng cốc” này có hai Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng rộng rãi, khang trang. Theo danh sách được ghi trên nhà bia, xã Xín Cái có 62 liệt sĩ và xã Thượng Phùng có 53 liệt sĩ; trong đó có gần 1/3 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Săm Pun. So với tuyến biên giới Hà Giang thì đây là đơn vị có cán bộ là chỉ huy đồn hy sinh nhiều nhất với 2 Đồn trưởng và 3 Đồn phó. Điều đó đã phần nào phản ánh được sự khốc liệt của cuộc chiến nơi vùng biên giới Mèo Vạc này cũng như sự gan dạ, dũng cảm, không tiếc xương máu của CANDVT trong sự nghiệp bảo vệ biên giới.

Theo ông Hoàng Văn Tựt, nguyên Chính trị viên Đồn CANDVT Săm Pun, rạng sáng ngày 2/2/1979, địch huy động một tiểu đoàn tấn công vào khu vực Đồn CANDVT Săm Pun và Lâm trường Thượng Phùng. Do dự báo được tình hình nên đồn đã phối hợp tốt với lực lượng tự vệ của lâm trường triển khai đội hình chiến đấu, đánh trả quyết liệt, tiêu diệt 27 tên, thu 1 súng AK. Tiêu biểu trong trận chiến đấu này có các đồng chí như Hoàng Công Ích, Nguyễn Đức Toàn, An Hồng San...

Đã bước sang tuổi 84, nhưng ông Hoàng Văn Tựt vẫn nhớ: Khu vực do Đồn CANDVT Săm Pun quản lý, việc đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường mòn khúc khuỷu và hiểm trở. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm hun hút. Trước khi chiến tranh xảy ra, đơn vị đã nhiều lần khảo sát thực địa, tính toán kỹ lưỡng để bố trí đội hình chiến đấu.

Theo đó, trên sườn núi phía Tây, đơn vị phân công một tổ gồm 5 đồng chí, có nhiệm vụ ngăn chặn địch từ xa. Ở điểm cao phía Đông, bố trí một phân đội có 24 đồng chí, với hỏa lực mạnh, làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đồn ở vòng ngoài. Trận địa ở trong đồn, vì có hệ thống công sự khá kiên cố nên chỉ có 12 đồng chí. Sáng 17/2/1979, địch cho một Tiểu đoàn bộ binh vượt biên giới, ồ ạt tấn công Đồn CANDVT Săm Pun. Nhưng cả 3 lần tấn công, chúng đều gặp phải sự phản kháng quyết liệt của ta từ trong đồn và trận địa ở hai bên sườn núi. Hàng chục tên bị tiêu diệt, nhiều tên bị thương, số còn lại đã phải tháo chạy về bên kia biên giới.

Ngày 18/2/1979, địch tiếp tục huy động binh lực, hỏa lực đánh phá Đồn CANDVT Săm Pun. Buổi chiều, khi chúng tràn vào đồn, lực lượng ta chỉ còn 4 người, gồm Chính trị viên Hoàng Văn Tựt và 3 chiến sĩ. “Bị địch bao vây và đánh dữ quá, chúng tôi phải rút xuống hầm cố thủ. Chúng đốt chăn màn tống xuống miệng hầm như hun chuột. Mãi không thấy động tĩnh gì, chúng nghĩ những người ẩn nấp trong hầm đã chết ngạt hết nên bỏ đi. Nhờ có lỗ thông hơi và dùng quần áo bịt mũi miệng chống khói nên cả 4 chúng tôi vẫn sống. Đến tối, anh em tôi mở được lối thoát” - ông Hoàng Văn Tựt kể.

Vừa chiến đấu, vừa tiễu phỉ

Cuối tháng 2/1979, địch quyết tâm đánh chiếm “cổng trời” Xín Cái để khống chế hai xã Xín Cái và Thượng Phùng. Đây là vị trí trọng yếu, do vậy, Ban chỉ huy tiền phương yêu cầu Đồn CANDVT Săm Pun phải bảo vệ bằng được "cổng trời" này. Ngày 28/2/1979, Đồn CANDVT Săm Pun phối hợp cùng Tiểu đoàn 1 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang), từ Đồng Văn, cắt núi tiến thẳng vào “cổng trời” Xín Cái, triển khai đội hình chiến đấu. Từ ngày 4 đến ngày 18/3/1979, ở khu vực “cổng trời”, chiến sự liên tục diễn ra hết sức ác liệt ở thế giằng co. Cứ ta chiếm được trận địa thì địch cay cú đánh chiếm cho bằng được và ngược lại.

Tuổi trẻ Đồn Biên phòng Xín Cái chăm sóc bia tưởng niệm liệt sĩ xã Thượng Phùng. Ảnh: Đăng Bảy

Điển hình như ngày 11/3/1979, đối phương sử dụng tới 2 Tiểu đoàn bộ binh có sự hỗ trợ của pháo cối và các loại hỏa lực mạnh tái đánh “cổng trời”. Tuy đã đánh lui 6 đợt tiến công của địch, phá hủy 1 khẩu trung liên, tiêu diệt hàng trăm tên, nhưng ta vẫn phải rút vì lực lượng mỏng, quân số thương vong nhiều. Nhưng đến ngày 18/3/1979, được sự chi viện của Tỉnh đội Hà Giang, Đồn CANDVT Săm Pun đã tái chiếm được "cổng trời"... Để bảo vệ “cổng trời”, nhiều cán bộ, chiến sĩ và dân quân xã đã anh dũng hy sinh. Trong đó có Trung úy, Chính trị viên phó Mương Văn Mỉnh; Thiếu úy, Phó Đồn trưởng Trinh sát Lý Đức Minh và gần 10 chiến sĩ của Đồn CANDVT Săm Pun.

Trong tháng 3 và tháng 7/1979, hai Đồn trưởng Đồn CANDVT Săm Pun là Đại úy Bùi Văn Pha và Thượng úy Hoàng Đình Thúc cũng đã anh dũng hy sinh trong lúc chiến đấu bảo vệ biên giới... Trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta, tại huyện Mèo Vạc, ngày 20/3/1979, địch rút khỏi 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ.

Sau những trận chiến đấu ác liệt, Đồn CANDVT Săm Pun rút về khu vực Hoa Cà, xã Thượng Phùng để xây dựng, củng cố đơn vị. Lúc này, một số dân cư của xóm Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (nơi được coi là sào huyệt của bọn phỉ) vẫn nằm trong vùng khống chế của địch. Địch đã tung những toán gián điệp, biệt kích sang móc nối với bọn phỉ ở đây để gây rối, gây bạo loạn, bắt cóc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Nhiệm vụ của Đồn CANDVT Săm Pun lúc này hết sức nặng nề, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới, vừa tìm cách làm tan rã đại đội phỉ ở Mỏ Phàng do các tên Lý Nhè Lùng, Lý Sè Mua cầm đầu.

Đến năm 1985, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan cấp trên, bằng nhiều biện pháp đấu tranh kết hợp với tuyên truyền, vận động chính trị, thuyết phục, hơn 100 tên phỉ ở Mỏ Phàng đã tan rã hoàn toàn. Trong chiến đấu chống phỉ ở Mỏ Phàng, một số cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Săm Pun đã hy sinh. Điển hình như các đồng chí: Hà Công Tịnh (Chính trị viên phó), Bùi Hữu Thực (Trung đội trưởng), Hà Đức Long, Trần Tiến Dũng bị phỉ phục kích, hy sinh...

Với chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới và làm tan rã tổ chức phỉ ở Mỏ Phàng, Đồn CANDVT Săm Pun vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Bài 44: Vững vàng Bạch Đích

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO