Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 04:53 GMT+7

Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 46)

Biên phòng - Không chỉ nêu gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và về tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Pha Long đã để lại trong lòng đồng bào nơi biên cương Mường Khương hùng vĩ những tình cảm mến thương vô hạn và khâm phục sâu sắc...

Bài 46: Vang vọng lời thề trấn giữ biên cương

Hào khí Pha Long

"Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi Nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm. Có rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây". “Lời thề” đó được ghi trên tấm “Văn bia chủ quyền quốc gia” xây trang trọng bên cánh trái của Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai - đơn vị hai lần vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Văn bia chủ quyền biên giới quốc gia trước cửa Đồn Biên phòng Pha Long. Ảnh: Đăng Bảy

Theo Thượng tá Trần Anh Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long, tấm “Văn bia chủ quyền quốc gia” làm bằng khối đá hoa cương được dựng vào tháng 8/2013, nhân dịp đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) tới thăm vùng đất Pha Long. Đối diện với bia trấn ải biên cương, phía bên phải cổng đồn là nơi đặt bia tưởng niệm 41 anh hùng liệt sĩ Đồn Biên phòng Pha Long hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong đó có 27 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu ác liệt năm 1979.

Tính đến thời điểm hiện nay, Đồn Biên phòng Pha Long là đơn vị duy nhất của BĐBP cả nước vừa có “Văn bia chủ quyền quốc gia”, vừa có bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng trang nghiêm phía trước cổng đồn. Đó chính là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và nhắc nhở hậu thế mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi mảnh đất thiêng liêng này. Trong căn phòng truyền thống của đơn vị, ngoài các tư liệu, hiện vật được sắp xếp gọn gàng, theo thứ tự thời gian, còn có "Bức điện mật" được phóng to, ép khuôn và treo trang trọng. Bức điện này do Thượng úy Trần Xuân Ngọc, Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đồn CANDVT Pha Long ký, gửi về Sở chỉ huy vào lúc 11 giờ, ngày 19/2/1979: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí...”. Đại tá Tống Chư (nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Lào Cai giai đoạn 1975-1985) nhớ lại: “Lúc địch tấn công, Đồn CANDVT Pha Long có gần 100 cán bộ, chiến sĩ. Trung úy, Đồn trưởng Mai Khánh Thát đang đi công tác, nên Thượng úy, Chính trị viên Trần Xuân Ngọc nhận nhiệm vụ chỉ huy đơn vị chiến đấu”.

Ngày 17/2/1979, khi tấn công vào Đồn CANDVT Pha Long, địch đã sử dụng tới hai trung đoàn áp đảo từ nhiều phía. Hai tiểu đoàn lính sơn cước của đối phương vượt sông Xanh, tràn qua xã Dìn Chin, đánh chiếm dãy đồi “Ba cây thông” phía Nam đồn, cắt đứt con đường từ Pha Long đi Mường Khương. Cùng lúc đó, chúng cho hai tiểu đoàn bộ binh vượt mốc 16 chiếm lĩnh điểm cao Lao Táo, xã Tả Ngải Chồ ở hướng Tây. Ở hướng Bắc, địch đánh vào Trạm Biên phòng cửa khẩu Lồ Cố Chin cạnh mốc 51, cách đồn khoảng 5km. Trong 4 ngày, từ 17 đến 20/2/1979, địch tổ chức hơn 20 lần với 5 đợt tấn công lớn, với ý đồ đè bẹp sức kháng cự của ta. Tuy bị rơi vào thế cô lập, bị bao vây, nhưng Đồn CANDVT Pha Long đã kiên cường vừa chiến đấu, vừa phòng ngự.

Còn một người cũng chiến đấu

Ông Giàng Cồ Sén (sinh năm 1949), nguyên là Bí thư xã đoàn, phụ trách dân quân, luôn sát cánh với Đồn CANDVT Pha Long chiến đấu (sau này là Bí thư Đảng ủy xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) nhớ lại: “Tuy rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nhất định không chịu đầu hàng. Có ngày, giữa ta và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn giao thông hào”...

Ông Giàng Cồ Sén trò chuyện với cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long. Ảnh: Đăng Bảy

Trong số những thông điệp được chuyển đi từ Đồn CANDVT Pha Long, bức điện gửi trưa ngày 18/2/1979 đã gây rất nhiều xúc động và thể hiện rõ sự anh dũng chiến đấu, dám hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc của một tập thể anh hùng: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Khắc Xuân (sinh năm 1953, quê ở xã Thiệu Vận, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nguyên là chiến sĩ, từng sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Pha Long chiến đấu bảo vệ biên giới trong những ngày ác liệt nhất nhớ lại: “Sáng 19/2/1979, quân địch liên tục tổ chức các đợt tấn công vào trận địa ta. Sau những ngày chiến đấu khốc liệt, quân số hy sinh và bị thương gần hết, hết đạn, hết lương thực, lực lượng chi viện chưa tới kịp, Đồn CANDVT Pha Long đứng trước nguy cơ rơi vào tay giặc”... Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, 11 giờ, ngày 19/2/1979, Thượng úy Trần Xuân Ngọc đã gửi đi bức điện cuối cùng như lời vĩnh biệt: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí...”. Sau khi bức điện được gửi đi, Thượng úy Ngọc lệnh cho đơn vị hủy toàn bộ máy móc và tài liệu. Buổi tối hôm đó, đơn vị quyết định mở “con đường máu”, rút về hậu cứ. Nhớ lại những ký ức hào hùng về trận chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ biên giới, Anh hùng Lê Khắc Xuân vẫn không thể tin nổi điều kỳ diệu đã xảy ra sau khi bức điện cuối cùng được gửi đi: “Không những tôi mà cả Thủ trưởng Ngọc và các đồng đội cũ, mỗi khi gặp nhau đều không thể tin mình vẫn còn sống”.

Trong 4 ngày anh dũng chiến đấu, Đồn CANDVT Pha Long đã tiêu diệt 740 tên dịch, thu 30 khẩu súng, 120 quả lựu đạn cùng 3.023 viên đạn các loại. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm mãi rạng danh, được đời đời khắc ghi. Đó là Thiếu úy Hà Văn Sặn (sinh năm 1945, quê ở xã Sín Lùng Chải, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) trước khi hy sinh đã kiên cường đánh bật nhiều đợt tiến công của địch. Trung úy, Phó Đồn trưởng Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1954, quê ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) cùng đơn vị dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong lúc khó khăn bốn bề địch vây chặt, Thượng sĩ Lê Khắc Xuân đã 4 lần nhận nhiệm vụ băng mình dưới làn đạn dày đặc, chi viện kịp thời cho các hướng, các mũi và tổ chức phục kích, tập kích vào sườn, vào phía sau đội hình địch, gây cho chúng nhiều thương vong.

Với những chiến công hiển hách, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Pha Long và đồng chí Lê Khắc Xuân vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2012, Đồn Biên phòng Pha Long thêm một lần nữa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Bài 47: Na Lốc: Viết tiếp những trang sử truyền thống quật khởi

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO