Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 11:28 GMT+7

Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 49)

Biên phòng - Ghi nhận và biểu dương những chiến công oanh liệt đó, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Ma Lù Thàng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; liệt sĩ, Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 29 đồng chí được tặng thưởng huân chương các loại.

Bài 49: Giữ đất nơi vùng biên viễn Lai Châu

Với tinh thần sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979, đã có tới 22 anh hùng liệt sĩ của Đồn CANDVT Ma Lù Thàng (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, BĐBP Lai Châu) vĩnh viễn nằm lại nơi vùng biên viễn Phong Thổ. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã góp phần tô thắm thêm truyền thống quyết chiến, quyết thắng của CANDVT anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng.

Tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ Đồn CANDVT Ma Lù Thàng. Ảnh: Đăng Bảy

Mưu trí, dũng cảm đánh bại nhiều đợt tấn công của đối phương

Ngày 18/11/2023, trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới viếng, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ. Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động ghi: "Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân"...

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Ma Li Pho được xây dựng khang trang, bề thế, cách Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng khoảng 1km (trên đường ra biên giới). Trên tấm bia đá ghi rõ danh tính 32 anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biên giới quốc gia. Trong đó, có 22 liệt sĩ của Đồn CANDVT Ma Lù Thàng; 9 liệt sĩ thuộc các đơn vị CANDVT Lai Châu tăng cường cho đơn vị và 1 liệt sĩ là dân quân xã Ma Li Pho. Tên tuổi, quê quán người anh hùng của đơn vị, được ghi ở dòng thứ nhất với đầy đủ thông tin: Liệt sĩ, Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1951, quê xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhập ngũ ngày 26/12/1969. Hy sinh ngày 17/2/1979...

Đồn CANDVT Ma Lù Thàng đứng chân trên địa bàn xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là địa bàn vùng cao, địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông suối, đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra gió lốc, mưa đá, lũ quét. Ông Lê Văn Năm, cựu Đồn trưởng Đồn CANDVT Ma Lù Thàng (giai đoạn 1978-1980) nhớ lại: “Lúc đó, trước cửa Đồn CANDVT Ma Lù Thàng có 2 bãi bồi kéo dài ra tận con suối Pa Nậm Cúm. Trước diễn biến phức tạp trên biên giới, ta đã cho gài mìn để phòng thủ. Tuy nhiên, địch thường xuyên lùa chó, trâu, bò sang để kiểm tra. Phát hiện chỗ này trâu bò bị chết vì vướng mìn, chúng lại thăm dò chỗ khác”.

Mờ sáng ngày 17/2/1979, địch cho pháo bắn trùm lên Đồn CANDVT Ma Lù Thàng và bãi bồi phía trước, rồi sử dụng tới 3 trung đoàn tràn sang đánh chiếm đồn. Tuy địch đông hơn ta gấp nhiều lần, lại được sự hỗ trợ của pháo và hỏa lực, nhưng dưới sự chỉ huy mưu trí, dũng cảm của Trung úy, Đồn trưởng Lê Văn Năm (quê ở Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) và Thượng úy, Chính trị viên Phạm Trục (quê ở Yên Bái), cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Ma Lù Thàng đã đánh bại nhiều đợt tấn công của chúng. “Chờ cho địch tới gần, 2 tiểu đội do 2 đồng chí Lương Thế Hào và Lê Văn Sơn phụ trách mới đồng loạt nổ súng. Cùng lúc đó, mìn định hướng và đạn B40 của tổ đồng chí Trần, đồng chí Phú bắt đầu phát huy tác dụng, tiêu diệt địch” – Cựu Đồn trưởng Lê Văn Năm nhớ lại. Ở hướng bên phải, một tiểu đoàn địch vượt suối Nậm Cúm, theo đường 12, xông vào cổng đồn. Lúc này, 2 khẩu đại liên của ta ở chiến hào 3 trên sườn đồi bắn xuống, chi viện cho các chiến sĩ ở chiến hào 1. Phát hiện địch co cụm lại sau nhà khách và nhà trực ban, Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền và đồng chí Vũ Hồng Ca nhanh chóng tiếp cận, ném lựu đạn chùm, tiêu diệt hàng chục tên.

Sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Năm nay 65 tuổi, cựu chiến binh Lê Đình Thế (hiện sống ở xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) - người từng tham gia chiến đấu bảo vệ Đồn CANDVT Ma Lù Thàng thời điểm tháng 2/1979 nhớ lại: "Gần trưa, địch điều thêm khoảng một tiểu đoàn, ỷ đông, dàn hàng ngang, tiếp tục tấn công vào đồn nhưng đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của ta. 3 tiểu đội do các đồng chí Lương Thế Hào, Lê Văn Sơn và Bùi Mạnh Hoài phụ trách, mưu trí đánh trả địch. Đồng chí Ca điểm hỏa 2 quả mìn định hướng, quét ngã hàng chục tên. Những tên ở phía sau buộc phải lùi lại, ẩn nấp dưới ta luy đường 12”.

Ông Phạm Trục, Chính trị viên Đồn CANDVT Ma Lù Thàng - người chỉ huy đơn vị luôn được anh em tin yêu, mến phục. Ảnh: Đăng Bảy

Từng tham gia chiến đấu bảo vệ Đồn CANDVT Ma Lù Thàng trong những ngày ác liệt nhất, Thượng tá Vũ Xuân Thạch (hiện là Chánh văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên) nhớ lại: "Lúc 15 giờ, ngày 17/2/1979, địch cho một phân đội gồm 3 chiếc xe tăng vượt qua cầu, hướng thẳng về phía cổng đồn. Nhưng cả 3 chiếc đều bị đồng chí Quân và đồng chí Phú - xạ thủ B40 bắn hạ". Đã 45 năm trôi qua, nhưng Thượng tá Vũ Xuân Thạch vẫn nhớ rõ từng gương mặt, tính cách của đồng đội cũ đã cùng ông công tác, chiến đấu tại Đồn CANDVT Ma Lù Thàng. Ông trân trọng, tự hào khi nhắc đến Đồn trưởng Lê Văn Năm và Chính trị viên Phạm Trục: "Bác Trục năm nay đã 94 tuổi, vẫn khỏe mạnh, nhà ở cây số 7, Yên Bái. Bác Năm, sau chiến đấu được tiếp tục đi học, được đi đào tạo bên Liên Xô nhưng do bệnh tật nên nghỉ hưu sớm, mang quân hàm Trung tá, gia đình hiện đang ở Phú Thọ” - ông Thạch cho biết.

Sau một ngày anh dũng chiến đấu, quân số, vũ khí khí tài bị tiêu hao, đến cuối ngày 17/2/1979, Đồn CANDVT Ma Lù Thàng bị địch bao vây. Lúc này, Đồn trưởng Lê Văn Năm và Chính trị viên Phạm Trục quyết định cho đơn vị làm công tác thương binh, tử sĩ rồi rút về phía sau bảo toàn lực lượng.

Trong ngày đầu chiến đấu bảo vệ biên giới, gần 70 cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Ma Lù Thàng đã chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi 12 đợt tấn công của địch; tiêu diệt 750 tên, bắn cháy 3 xe tăng. Để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, ngay trong ngày 17/2/1979, Đồn CANDVT Ma Lù Thàng đã có 22 đồng chí vĩnh viễn nằm lại nơi vùng biên viễn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và có 9 đồng chí bị thương. Qua trận chiến đấu này, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Điển hình như Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền, bị thương đến lần thứ 3, gãy cả hai chân, vẫn không chịu rời chiến hào. Anh đã dũng cảm xả thân để chặn bước tiến của địch.

Ghi nhận và biểu dương những chiến công oanh liệt đó, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Ma Lù Thàng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; liệt sĩ, Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 29 đồng chí được tặng thưởng huân chương các loại.

Bài 50: Sì Lờ Lầu - Đơn vị của những anh hùng

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO