Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:22 GMT+7

Nỗ lực phòng, chống bão số 6 trong bối cảnh dịch Covid-19

Biên phòng - Bão số 6 hình thành ngay trên Biển Đông, trong thời gian ngắn đã chuyển trạng thái từ áp thấp nhiệt đới sang bão. Trước tình hình đó, BĐBP các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Bình Định đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão nhanh chóng, kịp thời. Mặt khác, yêu cầu kết hợp công tác phòng, chống thiên tai với phòng, chống dịch Covid-19 cũng được các đơn vị đặt ra để bảo đảm thiệt hại do thiên tai ở mức thấp nhất và không vì bão mà mất kiểm soát dịch bệnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh, BĐBP Quảng Nam giúp Trường Trung học cơ sở Phan Bá Phiến (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) khắc phục hậu quả bão số 6. Ảnh: Hồng Anh

Bão số 6 có diễn biến phức tạp, theo dự báo, sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh khu vực miền Trung, bởi vậy, BĐBP các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Bình Định đều đặt ra nhiều tình huống, trong đó, cao nhất là bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền để có phương án tối ưu để ứng phó. Theo đó, tổ chức lực lượng hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão và các điểm đã được quy hoạch. Các đài trực canh thông tin của các đồn Biên phòng duy trì 24/24 giờ cho đến khi các phương tiện tìm được nơi tránh trú hoặc đã ra khỏi vùng nguy hiểm. BĐBP Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cũng thông báo lệnh cấm biển đối với các phương tiện cho đến khi có thông báo mới.

Đối với các tàu hàng, thời điểm trước khi bão vào, thành phố Đà Nẵng có 25 tàu dầu, 40 tàu hàng, 23 tàu du lịch neo đậu tại vịnh Đà Nẵng, Mân Quang và trên sông Hàn, sông Cổ Cò. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với lực lượng chức năng di dời 20 tàu dầu ra khỏi âu thuyền Thọ Quang để phòng, tránh việc va đập, cháy nổ; đôn đốc việc chuyển tàu cá và tàu du lịch trên sông Hàn về phía thượng nguồn; các đồn Biên phòng tổ chức lực lượng giúp người dân đưa thuyền thúng lên bờ để phòng, chống bão. Việc triển khai công tác phòng, chống bão số 6 diễn ra khẩn trương, hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu lực lượng Quân đội, Công an tổ chức lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là các gia đình khó khăn, có người đang phải điều trị và cách ly tập trung, đồng thời, sẵn sàng lực lượng di dời người dân khi có yêu cầu. Ông Lê Trung Chinh cũng chỉ đạo Sở Y tế chủ trì xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương việc đảm bảo phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán và xử lý những trường hợp nghi ngờ, dương tính với SARS-CoV-2.

Để phòng, chống bão số 6, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lực lượng BĐBP liên tục thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, đồng thời, thông báo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 10 giờ, ngày 23-9 cho đến khi có thông báo mới.

Ông Bửu cũng yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Lực lượng chức năng hướng dẫn di chuyển, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP thành phố Đà Nẵng giúp dân di chuyển thuyền thúng lên bờ tránh bão số 6. Ảnh: Trúc Hà

Ngay từ sáng ngày 23-9, tỉnh Quảng Ngãi có mưa rất to, gây ngập ở nhiều nơi. Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai ở cấp độ cao nhất, bởi vậy, mọi việc diễn ra hết sức khẩn trương. Theo đó, các đơn vị đã huy động lực lượng, phương tiện sắp xếp bến bãi, hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền vào neo đậu ở khu vực an toàn. BĐBP cũng tích cực hỗ trợ ngư dân chằng, buộc tàu thuyền, tránh va đập khi bão vào hoặc đứt neo khi nước dâng cao.

Tại cảng biển Dung Quất, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất thống kê, kiểm đếm tàu thuyền neo đậu trong vùng nước cảng, gồm tàu nước ngoài, tàu hàng, tàu thi công... Đơn vị cũng phối hợp với Ban quản lý cảng Dung Quất yêu cầu thuyền trưởng, chủ tàu tạm dừng bốc dỡ hàng hóa, thi công công trình, tổ chức chằng buộc các phương tiện, cử người trực canh sẵn sàng xử lý các sự cố.

Đêm ngày 23-9, bão số 6 ở trên vùng biển ven bờ từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 và rạng sáng ngày 24-9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Theo thống kê ban đầu, thiệt hại do bão số 6 gây ra chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, khiến 15 nhà tại Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng. Tối 23-9, tàu cá BĐ 91549TS trên đường vào cảng Đề Ghi (tỉnh Bình Định) tránh bão, khi còn cách bờ 2,7 hải lý thì bị tàu hàng Thái An đâm chìm, trên tàu có 3 ngư dân, đã cứu được 1 ngư dân (hiện đang huy động các lực lượng tìm kiếm 2 ngư dân còn lại). Các địa phương khác cũng đang nhanh chóng bắt tay vào việc khắc phục hậu quả để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Mùa mưa bão năm 2021 bắt đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Trung vẫn đang diễn biến phức tạp, bởi vậy, các đơn vị BĐBP đã và đang chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, tránh xảy ra tình trạng chủ quan, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO