Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Nỗ lực xóa bỏ tà đạo trên vùng biên Điện Biên (bài 4)

Biên phòng - Nhiều người dân sau khi được BĐBP và các lực lượng chức năng, chính quyền tuyên truyền, phân tích, chỉ ra những điều phi lý, sai trái trong giáo lý của các tà đạo đã tỉnh ngộ, tự nguyện từ bỏ tà đạo. Họ quay trở về với phong tục truyền thống của dân tộc mình, thực hiện sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, lựa chọn hệ phái tôn giáo chính thống phù hợp để tin theo.

Bài 4: Thức tỉnh, tự nguyện từ bỏ tà đạo

Mưa dầm thấm lâu

Chúng tôi tới Đồn Biên phòng (BP) Mường Mươn đúng ngày trời mưa tầm tã. Những người lính BP đội mưa dẫn chúng tôi xuống địa bàn, tới thăm những hộ dân đã tỉnh ngộ từ bỏ tà đạo Bà cô Dợ.

Ông Cháng A Tùng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với cán bộ BĐBP. Ảnh: Bích Nguyên

Trên đường đi, Thiếu tá Vàng A Chua, Chính trị viên phó Đồn BP Mường Mươn giới thiệu sơ bộ tình hình địa bàn 3 xã Na Sang, Ma Thì Hồ và Mường Mươn thuộc huyện Mường Chà do đơn vị phụ trách. Theo đó, 3 xã có 919 hộ/hơn 5.700 tín đồ theo đạo gồm 5 hệ phái: Tin lành Việt Nam miền Bắc, Phúc âm ngũ tuần, Nước hằng sóng, Liên đoàn truyền giáo phúc âm, Cơ đốc Phục lâm.

Điều đáng nói, từ năm 2018, trên địa bàn xuất hiện tà đạo Bà cô Dợ với một số nội dung tuyên truyền sai trái, lôi kéo, kích động đồng bào Mông không đi tiêm vaccine phòng, chống Covid-19, xuyên tạc về các vụ thiên tai, hỏa hoạn trên trên giới..., gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết các thôn, bản.

Toàn địa bàn chỉ có 3 hộ/16 khẩu ở 2 xã Na Sang và Ma Thì Hồ tin theo tà đạo Bà cô Dợ nhưng đã khiến cán bộ BP cũng như chính quyền huyện, xã lao tâm khổ tứ rất nhiều. Ngoài 2 đồng chí chỉ huy đơn vị trực tiếp phụ trách công tác xóa bỏ tà đạo, Đồn BP Mường Mươn còn cử 2 cán bộ là Thiếu tá Chua và Trung tá Trịnh Ngọc Khoa tham gia tổ công tác của Ban Chỉ đạo 160 huyện Mường Chà tuyên truyền, vận động, đấu tranh, phòng chống tà đạo Bà cô Dợ. “Ngày nào chúng tôi cũng tới các hộ theo tà đạo vận động. Ban đầu, họ rất khó chịu, lì lợm, không hợp tác, thậm chí lấy nhiều lý do không cho chúng tôi vào nhà. Có những hôm trời mưa, đêm tối, đường trơn phải rất vất vả mới tới được nhà nhưng không gặp được vì họ cố ý tránh mặt, chúng tôi phải tới tận nương rẫy để tìm họ. Khi gặp được thì họ dùng nhiều lời lẽ khó nghe, chửi rủa, xúc phạm. Vất vả không thể kể hết được” - Trung tá Khoa kể.

Vượt qua tất cả, bằng sự kiên trì, cộng với sự giúp đỡ của người có uy tín, chức sắc, chức việc, Đồn BP Mường Mươn phối hợp với các lực lượng thực hiện hàng chục cuộc tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ bản chất phản động của tà đạo Bà cô Dợ và các loại tà đạo khác, làm thay đổi nhận thức của những người bị dụ dỗ, lôi kéo tự nguyện từ bỏ tà đạo. Kết quả đáng mừng là từ tháng 7/2023, địa bàn Đồn BP Mường Mươn đã không còn hoạt động của tà đạo Bà cô Dợ. “Những người theo tà đạo Bà cô Dợ từng xúc phạm chúng tôi đã mời chúng tôi tới nhà ăn cơm, nói xin lỗi và cam kết từ bỏ tà đạo Bà cô Dợ” - anh Khoa phấn khởi cho biết.

Tập trung sản xuất để giảm nghèo

Vui vẻ mời chúng tôi vào nhà, ông Cháng A Tùng, bản Co Đứa, xã Na Sang, người đã từ bỏ tà đạo Bà cô Dợ từ tháng 7/2023 cho hay: “Tôi đã nhận ra cái sai của mình và không theo tà đạo Bà cô Dợ nữa. Tôi rất buồn vì đã làm ảnh hưởng đến bà con. Từ giờ, tôi sẽ chấp hành các quy định của Nhà nước về sinh hoạt tôn giáo, tập trung làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”.

Gia đình ông di cư từ huyện Tủa Chùa tới đây từ nhiều năm trước. Được Nhà nước hỗ trợ, ông đã xây dựng được nhà cửa, thoát khỏi diện hộ nghèo. Hiện tại, gia đình ông đang làm ruộng nước, nuôi thêm trâu và lợn nên đủ ăn, đủ mặc. Ông chia sẻ, nếu có đất rộng sẽ làm trang trại để chăn nuôi gà, lợn, phát triển kinh tế gia đình bởi có làm mới có ăn chứ không phải cứ ngồi không nghe Kinh thánh sẽ có ăn như tà đạo tuyên truyền.

Chúng tôi ngược con đường dốc nhỏ hẹp, gần như dựng đứng tới nhà anh Cháng A Sùng, người Mông khi gia đình anh vừa dùng xong bữa cơm tối. Trước đây, thông qua mạng xã hội, vợ chồng anh biết đến tổ chức Bà cô Dợ ở Mỹ. Anh Sùng được tuyên truyền những thông tin xuyên tạc lịch sử như Vua Mông của người Mông sẽ tái lâm và thành lập nhà nước; đi theo đạo Bà cô Dợ sẽ được Chúa che chở, không sợ đói khổ... Do nhận thức chưa đầy đủ, vợ chồng anh đã có niềm tin sâu sắc và quyết tâm theo tổ chức này mà không nhận ra âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của các đối tượng cầm đầu tà đạo Bà cô Dợ.

Cán bộ Đồn BP Mường Mươn phải mất rất nhiều công sức, thời gian vận động, giải thích, anh Sùng mới nhận ra “bộ mặt thật” của Bà cô Dợ và từ bỏ tà đạo này. Anh chia sẻ: “Tôi cam kết từ bỏ tà đạo Bà cô Dợ vì đã nhận ra những điều bà Dợ nói là không đúng. Việc theo một loại đạo mà chưa được Nhà nước cho phép là bất hợp pháp. Tôi sẽ cẩn thận hơn khi lựa chọn đức tin của mình”.

Anh Sùng khẳng định: “Chế độ, chính sách của Nhà nước Việt Nam dành cho người Mông rất tốt. Nhà nước đã hỗ trợ cho người dân làm nhà, xây dựng bể chứa nước sạch, trẻ em được đến trường học đầy đủ. Nhà nước cũng hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm cho chúng tôi được khám chữa bệnh miễn phí... Tôi sẽ tu chí làm ăn để cuộc sống được tốt hơn”.

Anh Páo vui vẻ chia sẻ với cán bộ Đồn BP Nậm Kè những dự định trong tương lai. Ảnh: Bích Nguyên

Quay đầu là bờ

Một người khác đã từ bỏ tà đạo mà chúng tôi gặp trong những ngày công tác ở Điện Biên là anh Giàng A Páo ở bản Huổi Khon I, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Trước đây, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, anh Páo tham gia tà đạo Bà cô Dợ. Anh Páo kể: “Người ta bảo đạo đó tốt nên tôi đi theo. Họ cho tôi 18 triệu đồng để mua điện thoại vào phòng zoom nghe giảng đạo. Họ hứa hẹn cho tôi đi học để làm mục sư và cho nhiều thứ nhưng sau đó, không thấy nó cho mình cái gì nữa”.

Khi được BĐBP, cán bộ chính quyền địa phương và trưởng bản giảng giải các quy định của pháp luật, giải thích nguồn gốc, mục đích sai trái của tổ chức Bà cô Dợ, anh Páo mới nhận thức được việc đi theo đạo chưa được Nhà nước công nhận là sai. Anh Páo đã từ bỏ sinh hoạt tà đạo Bà cô Dợ, quay lại với đạo Tin lành. Anh Páo chia sẻ: “Từ giờ, tôi sẽ sinh hoạt theo đạo chính thống, chấp hành nghiêm quy định pháp luật của Nhà nước, tập trung làm ăn để thoát khỏi đói nghèo”.

Cũng như nhiều hộ dân khác trong bản, anh Páo trồng lúa, trồng chít và hái măng để có thu nhập. “Năm nay, gia đình tôi làm được 1 tấn măng khô, bán 170.000 đồng/kg. Măng được giá nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn” - anh Páo phấn khởi nói. Chia sẻ về sự hỗ trợ của Nhà nước, anh Páo cho hay, đã được hỗ trợ vay vốn 60 triệu đồng với lãi suất thấp để làm ăn. Ngoài ra, anh và bà con trong bản được hỗ trợ cây quế giống, lợn giống để phát triển sản xuất.

Khi biết anh quay trở lại sinh hoạt theo đạo chính thống, bà con trong bản rất vui. “Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ để anh Páo bày tỏ lòng kính Chúa, yêu nước, sinh hoạt tôn giáo theo quy định, đóng góp cho việc xây dựng khối đoàn kết trong bản”- ông Sùng A Kỷ, Trưởng ban công tác mặt trận bản Huổi Khon cho hay.

Bài 5: Kiên trì vận động người dân lựa chọn đức tin đúng đắn

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO