Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 09:03 GMT+7

Nối dài những ước mơ miền biên viễn

Biên phòng - Được bao bọc xung quanh là những ngọn núi bốn mùa mây phủ, Đồn BP Mường Lạn, BĐBP Sơn La với vòm cổng cao, nổi bật giữa trung tâm xã Mường Lạn. Không chỉ giúp dân ổn định cuộc sống, những người lính Biên phòng ở đây còn quan tâm, chăm lo đến thế hệ tương lai với việc nhận nuôi dưỡng và "đỡ đầu" 3 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đơn vị quản lý đang ở độ tuổi đến trường. Nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Mường Lạn như tiếp thêm sức mạnh trên con đường chinh phục ước mơ của các em học sinh dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.

zcym_10
Lãnh đạo Phòng Chính trị BĐBP Sơn La và chỉ huy Đồn BP Mường Lạn chia sẻ niềm vui với 3 em Giàng Động Tủa, Thào Cha Pó, Giàng A Hờ trong ngày bàn giao “Mái ấm nâng bước em đến trường”. Ảnh: Thanh Thuận

Tôi đến Đồn BP Mường Lạn vào ngày mưa, lạnh. Tuyến đường từ thành phố Sơn La vào đến Sốp Cộp khoảng 120km nhưng phải đi mất gần 5 giờ. Trận mưa to từ đêm hôm trước khiến cho con đường nhiều đoạn bị sạt lở, đất đá từ trên cao đổ xuống, khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Những ngày ở Đồn BP Mường Lạn, tôi được chứng kiến nhiều việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ ở đây và càng thấm thía hơn khẩu hiệu nằm lòng: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt".

Thực hiện Chương trình "Nâng bước em đến trường" do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, từ đầu năm 2015 đến nay, Đồn BP Mường Lạn đã nhận đỡ đầu 3 em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và 1 học sinh nước bạn Lào ở cụm biên giới đối diện với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng đến khi học xong chương trình Phổ thông trung học. 3 em được đồn giúp đỡ, nuôi dưỡng là Giàng Động Tủa (15 tuổi), Thào Cha Pó (12 tuổi), Giàng A Hờ (16 tuổi) đều là người dân tộc Mông ở xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Trong đó, Giàng Động Tủa và Giàng A Hờ học lớp 9,  Thào Cha Pó học lớp 7, trường Trung học cơ sở Mường Lạn. Hoàn cảnh gia đình của Tủa, Pó và A Hờ rất khó khăn. Cả 3 em đều được Đồn BP Mường Lạn đưa về đơn vị nuôi dưỡng. Điều đặc biệt, các em đều được đơn vị đặt cho những cái tên hết sức ý nghĩa như: Biên Cương, Quốc Khánh, Nhi Thành.

Ở Đồn BP Mường Lạn, 3 em được gọi là các "chiến sĩ nhí". Các em sinh hoạt theo quy định của đơn vị, ăn học và vui chơi, nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Buổi sáng, các em thức dậy lúc 5 giờ khi tiếng kẻng báo thức của đồn vang lên, cùng tập thể dục với các chú bộ đội, ăn sáng xong, đến trường cách đơn vị 200m để học, chiều về ôn bài và tham gia chăm sóc vườn rau xanh, sinh hoạt thể thao, tối đến học và làm bài tập về nhà.

Dẫn tôi vào một phòng ở gọn gàng với 3 chiếc giường cá nhân, ở giữa là bàn học ngay ngắn, Thượng tá Hờ A Cho, Chính trị viên Đồn BP Mường Lạn cho biết, nơi đây trước là phòng ngủ của cán bộ đơn vị, khi đón các cháu về, anh em nhường phòng cho các cháu có không gian riêng học tập. Các cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Mường Lạn đều coi các cháu như người ruột thịt của mình, dạy bảo, thương yêu, động viên các cháu cố gắng học tập, có kiến thức để sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Giàng Động Tủa, ở bản Co Muông, là con trai con út trong gia đình. Trên Tủa là 3 anh và một chị. Gia đình em sống chủ yếu bằng nghề làm nương và chăn nuôi. Bố bị bệnh nặng, nhà nghèo, nên mấy anh, chị, em của Tủa đều bỏ học, phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Tủa được cán bộ Đồn BP Mường Lạn đưa về nuôi tại đồn từ cuối năm 2015 với tên gọi Biên Cương. Trong 3 anh em được nuôi tại đồn, Tủa bạo dạn và ra dáng "người lớn" nhất.

Trước khi về đơn vị, Tủa ở bán trú với các bạn trong trường, phải tự túc tất cả mọi thứ, từ việc nấu cơm, tắm giặt, học hành. Thành thói quen, cứ đến trưa thứ 7, sau khi học xong các môn học, Tủa lại cặm cụi đi bộ về nhà. Chiều chủ nhật, em lại từ nhà lên trường mang theo 6 bát gạo để nấu ăn cho cả tuần. Nhà Tủa cách trường 10km nên phải đi bộ khoảng 3 giờ. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì đường trơn trượt, nhão nhoét bùn đất, đến xe máy cũng không thể đi nổi trên đường ấy, chỉ còn nước xắn quần lội bộ. Tủa nói: "Về đồn BP ở, em được ăn uống sướng hơn ở nhà, đi học cũng gần hơn. Các chú Biên phòng tốt lắm, lo cho em tất cả nên bố mẹ rất yên tâm". 

Em Thào Cha Pó (tên đơn vị đặt cho là Nhi Thành) ở bản Nậm Lạn, cách trung tâm xã 17km. Đây là bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Mường Lạn. Nhà Pó lại ở cheo leo trên núi cao nên thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Cha Pó đang phải chấp hành án phạt 18 năm tù do phạm tội về ma túy, chỉ còn mẹ tần tảo nuôi ông nội 96 tuổi và 4 anh em Pó nên cuộc sống hết sức khó khăn. Mẹ Pó quanh năm, suốt tháng làm quần quật trên nương, trên núi, không biết mặt chữ. Pó là con thứ hai. Anh cả nghỉ học ở nhà giúp mẹ, dưới Pó là một em gái học lớp 5 và em trai út học lớp 1. Pó gầy gò, nhỏ thó. Mới nhìn, không ai nghĩ em đã là học sinh lớp 7.

Có dịp gặp mẹ Pó - chị Giàng Thị Pạ Dê tại đồn BP, tôi ngỏ ý muốn được trò chuyện với chị cũng phải nhờ đến Pó làm phiên dịch tiếng Mông ra tiếng Kinh. Chị Pạ Dê cho biết, từ nhỏ, cơm dù bữa đói bữa no, nhưng Pó chưa bao giờ cảm thấy tự ti, buồn phiền, thay vào đó, em luôn cố gắng học tốt để không thua kém bạn bè. Mấy năm học liền, Pó đều đạt học sinh giỏi. Ngày trước, khi chưa được vào đồn BP ở, hằng tuần, Pó phải đi bộ từ nhà đến trường mất gần 5 giờ, leo đồi, lội qua mấy con suối mới đến nơi. Pó rụt rè nói: " Em ở đồn BP có quần áo mới để mặc, ăn uống đầy đủ, đến trường đi học cũng gần hơn. Mẹ em rất vui khi em được các chú BĐBP chăm sóc như con". Tuy đường xa, đi lại khó khăn nhưng thỉnh thoảng Pó vẫn về nhà thăm mẹ và các anh, em.

Được nhận vào đơn vị đúng ngày 2-9 nên Giàng A Hờ (bản Pá Kạch) được các chú BĐBP đặt cho tên gọi là Quốc Khánh. So với hai bạn thì Giàng A Hờ thiệt thòi hơn do mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha mất do rắn độc cắn, lúc Giàng A Hờ mới được 7 tháng tuổi. Chỉ sau đó 1 tháng, người mẹ không chịu nổi nỗi đau mất chồng đã ăn lá ngón tự tử. Giàng A Hờ phải ở với bà nội và chú ruột. Gia cảnh nhà chú cũng rất khó khăn. Khi tôi gợi lại chuyện cũ, khuôn mặt em đượm buồn, rơm rớm nước mắt. Thật may mắn, em được sống trong tình yêu thương của những người thân. Điều đó phần nào khiến nỗi đau mồ côi của em nguôi ngoai. Khi về ở đồn BP, được sự động viên an ủi của các chú BĐBP, Giàng A Hờ đã vui hơn nhiều, không còn cảm giác cô đơn như trước.

Bước vào đầu năm học mới 2016-2017, với mong muốn các em học sinh đỡ đầu được ở trong một không gian rộng rãi, yên tĩnh hơn để có điều kiện học tập tốt, Đồn BP Mường Lạn đã hoàn thành ngôi nhà mang tên "Mái ấm nâng bước em đến trường", kinh phí do các nhà hảo tâm và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị giúp đỡ. 3 em học sinh được chuyển vào ở trong ngôi nhà mới rộng rãi hơn. Đơn vị đã bố trí cán bộ cùng ở trông nom, bảo ban các em học tập.

Thiếu tá Phạm Thái Hòa, Đồn trưởng Đồn BP Mường Lạn cho biết: "Khi thực hiện chương trình, chúng tôi băn khoăn rất nhiều, bởi nếu đưa tiền cho bố mẹ các em thì sợ số tiền đó không được dùng đúng mục đích. Còn ngược lại, nếu đón các cháu về đồn, các cháu bị ốm, đau hoặc lỡ có chuyện gì thì biết ăn nói với bố mẹ và người thân của các cháu ra sao? Cuối cùng, chỉ huy đơn vị thảo luận thống nhất đón các cháu về nuôi dưỡng tại đồn và soạn thảo một bản cam kết giữa đơn vị và gia đình, trong đó, quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên. Nếu các cháu vi phạm những quy định trong Bản cam kết, các cháu và gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhà trường và đơn vị. Khi đã làm xong các thủ tục, giấy tờ cần thiết, các cán bộ của đơn vị vào tận nhà đón từng cháu về đồn".

Thượng tá Hờ A Cho cho biết: "Những việc làm tình nghĩa của đơn vị hy vọng giúp cho các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn thể nhân dân trong xã nhận thức đầy đủ và tích cực thực hiện tốt hơn bổn phận, trách nhiệm của mình, cùng nhau chăm lo, động viên, hỗ trợ các em cả tinh thần lẫn vật chất để "nâng bước em đến trường"; qua đó giúp các em tiếp tục phấn đấu vươn lên để trở thành những công dân có ích cho xã hội".

Chia tay các chiến sĩ Đồn BP Mường Lạn, tôi nghĩ tới nụ cười hồn nhiên, lời nói của các em: "Em mơ ước được trở thành chiến sĩ Biên phòng để làm nhiều việc tốt cho dân bản", lòng tôi thấy ấm áp và tôi như cảm thấy quãng đường dài mấy trăm cây số từ miền đất xa xôi này về Hà Nội không còn xa nữa...

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO