Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 08:46 GMT+7

Nói không với khai thác hải sản bất hợp pháp

Biên phòng - Một trong những yếu tố quyết định tới kết quả của nhiệm vụ ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhận thức của chủ tàu thuyền và ngư dân - những người trực tiếp khai thác hải sản trên biển. Nhận thức rõ điều này, cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản, Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh đã kiên trì tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân.

Cán bộ Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Bích Nguyên

Cơn mưa dông nặng hạt vừa ngớt, chúng tôi lên ca nô của Hải đội Biên phòng 2 đi kiểm tra bất chợt một vài điểm thuộc vùng biển đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý. Bầu trời sầm sì như vẫn muốn mưa tiếp. Phía xa, tàu thuyền của ngư dân nhấp nhô theo từng con sóng. Ở vùng biển này, chủ yếu là tàu thuyền nhỏ, khai thác gần bờ, ngư dân đi về trong ngày nên ngư dân thường trông trời mà quyết định ra khơi hay neo đậu.

Chúng tôi cập mạn đôi tàu đang thả neo bên cạnh một đảo đá. Chủ tàu ngồi trên bong dõi theo mây trời, sóng nước. “Nếu trời tan mây đen, biển êm, chúng tôi sẽ ra khơi, tới khu vực đảo Long Châu (thành phố Hải Phòng) đánh bắt” - anh Dương Văn Việt, thuyền trưởng, chủ tàu nói về dự định của mình, trong lúc mở tủ lấy các loại giấy tờ cho cán bộ Biên phòng kiểm tra. Theo đó, tàu của anh Việt có đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép hành nghề, công cụ hành nghề đúng với đăng ký.

Trò chuyện, chúng tôi được biết, anh Việt, quê ở phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, làm nghề mành chụp (khai thác cá nổi). Tàu của anh có chiều dài dưới 12m, hoạt động chủ yếu ở khu vực biển cách bờ khoảng 7-8 hải lý. Anh Việt thường chạy tàu ra biển buổi chiều, khai thác cả đêm đến sáng hôm sau thì quay về bờ. Mỗi tháng anh đi làm từ 20-25 ngày. Vào mùa nam (từ tháng 3 đến tháng 7), thời tiết không thuận lợi, anh ra biển khai thác khoảng 10 ngày/tháng. “Bình quân mỗi chuyến, tôi đánh bắt được 40-50kg cá, mực. Chuyến nào thuận lợi thì được hơn 1 tạ” - anh Việt kể.

Nói về chuyện cả nước đang nỗ lực phòng, chống khai thác IUU, anh Việt không ngần ngại kể câu chuyện của mình: “Hồi đó, tôi mới sắm tàu, chưa thông thuộc vùng biển cũng như quy định của pháp luật nên đánh bắt gần bờ. Bị lực lượng chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính 12 triệu đồng vì lỗi đánh bắt sai vùng. Tôi nhớ mãi lỗi vi phạm này và từ đó không bao giờ tái phạm”.

Sau “bài học đầu đời”, anh Việt chịu khó tìm hiểu thông tin pháp luật hơn để không tránh mắc các lỗi theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Anh Việt kể: “Bây giờ thông tin trên mạng rất nhiều, tôi thường vào xem các quy định về khai thác IUU. Thỉnh thoảng, các anh Biên phòng lại đi tuyên truyền, nhắc nhở, phát tờ rơi thông tin nên ngư dân chúng tôi đều được cập nhật, không khai thác hải sản trong vùng vịnh, vùng lộng, không dùng kích điện, không đánh bắt các bằng phương pháp tận diệt. Đặc biệt, bà con đều ý thức không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản vì mức phạt rất cao, lại ảnh hưởng đến uy tín của nước mình”.

Tạm biệt anh Việt, chúng tôi tiếp tục hành trình trên biển hướng tới khu vực có các hòn đảo lớn nhỏ đứng cạnh nhau tạo thành một vũng kín gió trên biển. Ở đây có khoảng 20 tàu thuyền đang neo đậu. Những người lính của Hải đội Biên phòng 2 trao tặng cờ Tổ quốc cho từng chủ tàu thuyền. Bộ đội cùng ngư dân phấn khởi treo lá cờ đỏ sao vàng lên mui tàu. Vừa làm, cán bộ Biên phòng vừa nhắc nhở ngư dân những quy định cơ bản trong khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt, không được vi phạm vùng biển nước ngoài. Các chủ tàu chia sẻ về cuộc sống, việc làm ăn và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản. Cuộc trò chuyện của những người lính Biên phòng với ngư dân diễn ra trong không khí vui vẻ, thân tình.

Ngư dân Nguyễn Văn Hiệu, 55 tuổi, ở thành phố Hạ Long, có 20 năm làm nghề đánh lưới cười tươi nói với tôi: “Lâu nay, chúng tôi đã được các anh bộ đội tuyên truyền nên luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, không bao giờ vi phạm vùng biển nước ngoài”.

Kể chuyện nghề biển, chị Nguyễn Thị Thu, ở phường Hà Phong, thành phố Hạ Long cho biết: “Chồng tôi làm nghề vó chụp. Nói chung, nghề biển cực lắm, cá mực bây giờ ít hơn ngày xưa, mỗi ngày chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm ngàn. Dù khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng tôi luôn động viên chồng chăm chỉ làm ăn, chỉ đánh bắt cá ở biển nước mình, đừng ham theo cá mà vượt quá ranh giới vùng biển nước mình. Ở đây ai cũng biết mức phạt đối với hành vi đánh bắt cá trộm ở vùng biển nước ngoài rất nặng nên hết sức tránh”.

Câu chuyện của những người ngư dân mà chúng tôi gặp trong chiều mưa dông trên vịnh Hạ Long cho thấy, phần lớn ngư dân đã nâng cao nhận thức, đồng lòng với những người lính Biên phòng và chính quyền địa phương phòng chống, tiến tới xóa bỏ tình trạng khai thác IUU.

Cán bộ Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh kiểm tra ngư lưới cụ và sản phẩm khai thác của tàu cá do anh Việt làm chủ. Ảnh: Bích Nguyên

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng hơn 5.500 tàu cá từ 6m trở lên. Số tàu cá này hoạt động ở cả vùng khơi, lộng, ven bờ. Ngư trường khai thác thủy sản của ngư dân Quảng Ninh khá rộng, có vùng tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ và vùng đánh cá chung với Trung Quốc. Trong những năm qua, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), BĐBP Quảng Ninh, trong đó có Hải đội Biên phòng 2 đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, vận động chủ tàu thuyền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase theo quy định; ký cam kết an toàn thực phẩm; đồng thời tuân thủ các quy định bắt buộc khác như đăng ký, đăng kiểm, giấy phép hành nghề, sổ thuyền viên, công cụ hành nghề có đúng theo giấy phép được cấp, kích thước tàu cá...

Trung tá Phạm Hồng Tuyến, Chính trị viên Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh cho biết: “Cùng với các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng khai thác IUU, đơn vị đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền trên biển. Chúng tôi tới từng tàu thuyền tuyên truyền pháp luật, vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản trái phép, không vi phạm vùng biển nước ngoài và báo cáo kịp thời cho BĐBP biết tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam để xử lý.

Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tổ chức các kíp tàu tuần tra, kiểm soát trên biển để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm pháp luật, chúng tôi tiến hành bắt giữ, xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật”. Cũng theo Trung tá Phạm Hồng Tuyến, cùng với việc tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác thủy sản bất hợp pháp, các kíp tàu tuần tra của đơn vị cũng thực hiện tuần tra, kiểm soát, xua đuổi, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam khai thác hải sản trái phép.

Với những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh, phần lớn ngư dân đã nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, yên tâm bám biển, cung cấp cho đơn vị nhiều tin tức có giá trị phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Khánh Ly - Bích Nguyên

Bình luận

ZALO