Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 07:25 GMT+7

Nói lý, hát lý của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang

Biên phòng - Nói lý, hát lý là một trong những hình thức tự sự dân gian đặc sắc và độc đáo, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Cơ Tu. Nó gắn liền với lời ăn tiếng nói của đồng bào, thể hiện lối giao tiếp, ứng xử, biểu lộ tâm tư, tình cảm của mỗi người và cả cộng đồng.

Ngồi trong Gươl truyền thống của thôn Voòng, già làng Cơlâu Bh'lao(77 tuổi), dân tộc Cơ Tu, hiện sinh sống tại thôn Voòng, xã Tr'Hy (Tây Giang) cho chúng tôi biết: Hát lý, nói lý là hình thức dùng để giãi bày tâm tư tình cảm với nhau. Tiếng Cơ Tu là: P'rá pr'ma, têng bh'noóch, tr'a. Trong cuộc sống khi gặp khó khăn thì mọi người phải biết thông cảm cho nhau. Người lớn trong gia đình phải có nhiệm vụ nói lý, hát lý cho con cái hiểu.

Hay trong trường hợp hai vợ chồng trẻ mới cưới muốn bỏ nhau, người Cơ Tu sẽ nói lý, hát lý với nội dung đề cập đến chuyện bố mẹ già không làm được việc, nếu họ bỏ nhau, nương rẫy sẽ không ai chăm nom. Nếu vẫn không hiểu, vấn đề chưa được giải quyết, họ sẽ đi sang làng khác nhờ nghệ nhân, già làng giỏi về nói lý, hát lý là chuyện đổ vỡ trong gia đình được hóa giải ổn thỏa.

537x363_8a-1.JPG
Người Cơ Tu thôn Bh'Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, trong một đêm nói lý, hát lý. Ảnh: Sơn Gia Phúc
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái hay nhất của nói lý, hát lý chính là dùng một hình tượng để chỉ một sự việc, nhằm giải quyết mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc hay vấn đề nào đó khó dùng lời để nói thì người Cơ Tu nói lý, hát lý để thấu hiểu nhau hơn. Khởi đầu nói lý, hát lý, thường là những câu nói về đạo lý, về truyền thống của người Cơ Tu với những hình ảnh ví von độc đáo.

Đồng thời, người nói lý, hát lý giỏi phải am hiểu bản chất vấn đề mình nêu ra và cả phong tục tập quán để có khả năng đối đáp nhanh. Nói lý, hát lý là loại hình ứng khẩu của người Cơ Tu. Khi nói lý, hát lý, người Cơ Tu bao giờ cũng dùng những hình tượng ẩn dụ, nhân cách hóa giúp người nghe hiểu sâu vấn đề một cách cặn kẽ, chí tình, đạt ý. Khi khen người con gái đẹp, họ thường nhắc đến hoa, nói đến con trâu mộng sẽ nói về hình ảnh cây cổ thụ to lớn... Với người Cơ Tu, ở họ luôn có cách hình dung để mô tả về sự vật, hiện tượng nào đó theo cách của mình mà không theo bài có sẵn.

Thông thường, nói lý, hát lý được thể hiện qua lễ ăn mừng lúa mới hay lễ kết nghĩa anh em, vào những dịp có khách quý tới thăm khi làng đang có lễ hội hoặc đám cưới hay trong lễ hỏi cưới vợ cho con... Ngoài ra, nói lý, hát lý còn được đồng bào Cơ Tu dùng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc mà có khi dùng lời lẽ, thậm chí pháp luật khó có thể hóa giải được.   

Từ năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã hoàn thành hồ sơ nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2013, nhằm khôi phục và bảo tồn nói lý, hát lý, Câu lạc bộ (CLB) nói lý, hát lý ở thôn Bh'Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang được thành lập. Các xã Tà Lu, Zơngây, Mà Cooih, Za Hung thuộc huyện Đông Giang, Atiêng, Bh'ha Lê, A Nông, Lăng... thuộc huyện Tây Giang bước đầu có CLB nói lý, hát lý. Việc thành lập các CLB này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nói lý, hát lý và những làn điệu dân ca của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn.

Được biết, đến nay, hình thức truyền dạy nói lý, hát lý của người Cơ Tu vẫn mang tính truyền miệng do gia đình giáo dục là chủ yếu. Trước nguy cơ mai một và thất truyền các điệu nói lý, hát lý của đồng bào dân tộc Cơ Tu, nhiều già làng ở trong xã Tr'Hy, Ch'Om (Tây Giang), đã bỏ công sưu tầm, gìn giữ rồi mở lớp truyền dạy các điệu hát cổ cho thế hệ trẻ.

Một tin vui với cộng đồng tộc người Cơ Tu Quảng Nam, ngày 13-10-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.

Cũng như hầu hết các nghệ thuật truyền thống khác, nói lý, hát lý ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại, trong xã hội bùng nổ thông tin, trong cơn bão truyền hình và công nghệ số đã tràn về tới tận các làng bản, tràn vào mỗi gia đình. Vì thế, việc bảo tồn nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Thiết nghĩ, để loại hình nghệ thuật này bảo tồn và phát triển, ngành chức năng ở 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang cần kết hợp hài hòa giữa dân gian và yếu tố chuyên nghiệp. Việc tổ chức các liên hoan nói lý, hát lý là một mô hình hay. Qua những giai điệu nói lý, hát lý, dân ca, thế hệ trẻ của dân tộc Cơ Tu hiểu được truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc mình và học cách ứng xử văn hóa lan tỏa tình làng, tình người ấm áp.

Bên cạnh đó, cần thông qua lớp truyền dạy nói lý, hát lý nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân về bảo tồn, giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, bản sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lưu truyền và kế thừa để các thế hệ người dân tộc Cơ Tu biết sử dụng, phát huy giá trị của hát lý, nói lý trong đời sống.

Theo ông Alăng Arấy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Tây Giang, việc mở lớp truyền và giảng dạy hát lý, nói lý cho đồng bào Cơ Tu được xem là một biện pháp hữu hiệu để truyền dạy vốn cổ của dân tộc, cần phải được đưa vào áp dụng sớm nhằm góp phần gìn giữ các làn điệu hát cổ của đồng bào Cơ Tu có từ xa xưa đang dần bị thất truyền theo năm tháng.

Để bảo tồn sinh hoạt văn hóa nói lý, hát lý truyền thống cần chú ý tới sự hiện diện và phát triển nói lý, hát lý. Mặc khác, phải có chế độ chính sách thỏa đáng chăm lo cho nghệ nhân, người thực hành và cả thế hệ trẻ đang ngày đêm giữ lửa, cũng như kế thừa nghệ thuật truyền thống nói lý, hát lý; khuyến khích những gia đình có truyền thống nói lý, hát lý truyền dạy, tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Sơn Gia Phúc

Bình luận

ZALO