Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 01:50 GMT+7

Nối nghiệp cha bám trụ trên tuyến đầu

Biên phòng - Trên dọc dài 254km đường bờ biển tỉnh Cà Mau có 23 xã, thị trấn thuộc địa bàn biên giới biển. Đi đến đâu, cán bộ và người dân địa phương cũng dành tình cảm trân quý cho BĐBP. Với những mô hình hợp lòng dân, đóng góp tích cực cho cộng đồng, BĐBP Cà Mau đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt của công tác “Dân vận khéo” - yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên dọc dài biên giới của Tổ quốc. Trong những kết quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của mỗi cá nhân tiêu biểu trong đơn vị. Thiếu tá Phạm Nam Sơn, Chính trị viên phó, kiêm Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Rạch Gốc là một điển hình.

Thiếu tá Phạm Nam Sơn (thứ 3, từ phải sang) trao quà cho các cán bộ hưu trí trên địa bàn nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Tuổi thơ gắn với vùng biên

Trên chuyến phà vượt qua cửa sông Rạch Gốc, đến ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển để tìm hiểu về mô hình “Ấp không có tội phạm và tệ nạn xã hội” do Đồn Biên phòng Rạch Gốc triển khai, Thiếu tá Phạm Nam Sơn cởi mở: “Quê em ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cha em là cán bộ của BĐBP Cà Mau nghỉ hưu. Ông cũng đã trải qua nhiều vị trí, địa bàn khác nhau, nên tuổi thơ của em cũng nay đây mai đó, nhưng luôn gắn bó với biên giới”. Thiếu tá Sơn nhớ lại: “3 tuổi, em đã theo cha mẹ về thị trấn Rạch Gốc và ở ngay cạnh đồn Biên phòng. Khi đó, Rạch Gốc không có đường xe chạy, bà con di chuyển chủ yếu bằng đường thủy. Từ lớp 1 đến lớp 3, em theo học ở lớp học tình thương do cán bộ Biên phòng đứng lớp".

Câu chuyện về “hành trình ngày thơ ấu” của Thiếu tá Sơn khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, khi mà từ lớp 4 đến lớp 12, Sơn có tới 7 lần chuyển trường, qua 4 huyện, thành phố ở Cà Mau. Lý do là vì cha chuyển công tác, Sơn đi theo cha; rồi nơi cha ở không có trường học, nên Sơn phải sang địa bàn khác để trọ học. Nhờ thông minh và chịu khó học hỏi, nên dù thay đổi môi trường học tập thường xuyên, phải tự lập từ nhỏ nhưng năm nào, kết quả học tập của Sơn cũng rất tốt.

Có lẽ vì có người cha đã dành trọn thanh xuân cho binh nghiệp; có người mẹ sẵn sàng khăn gói theo chồng đi bất cứ nơi đâu; bản thân thì từ nhỏ đã thức - ngủ theo tiếng kẻng của bộ đội... nên trở thành người chiến sĩ Biên phòng là ước mơ cháy bỏng của cậu bé Sơn từ khi còn nhỏ. “Lớn lên, ước mơ đó cũng chưa một ngày mai một trong em, dù em đã chứng kiến đủ những khó khăn, vất vả của người chiến sĩ Biên phòng nơi biên giới. Học cấp 3, khao khát và quyết tâm được trở thành chiến sĩ Biên phòng trong em càng mạnh mẽ. Con đường mà em chọn cũng chính là con đường cha em đã đi” - Thiếu tá Sơn chia sẻ.

Với rất nhiều nỗ lực, năm 2009, anh thi đậu vào Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), hệ Cao đẳng. Đây không những là hạnh phúc lớn lao, mà còn là cơ hội để chàng thanh niên trẻ theo đuổi những hoài bão, ước mơ mà mình hằng ấp ủ. Năm 2012, hoàn thành chuyên ngành Quản lý, bảo vệ biên giới của Học viện Biên phòng, Thiếu tá Phạm Nam Sơn lần lượt về công tác tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Đại đội Huấn luyện, Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm. Năm 2017, anh tiếp tục đi học hoàn thiện đại học. Năm 2019, anh trở về đơn vị tiếp tục đảm nhiệm Đội phó Vận động quần chúng, hiện nay là Chính viên phó, kiêm Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Rạch Gốc.

Phần “lý lịch trích ngang” mà Thiếu tá Phạm Nam Sơn liệt kê cho tôi xem chỉ gồm vài dòng ngắn gọn, nhưng với những người đồng chí, đồng đội thì ở mỗi cương vị công tác, anh đều cố gắng, nỗ lực rất nhiều...

Được học hành bài bản, làm đúng công việc yêu thích, mọi công việc được giao đều được Thiếu tá Sơn xem là cơ hội để bản thân trau dồi, học hỏi. Trên cương vị là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ 1, từ đoàn kết nội bộ, xây dựng tốt mối quan hệ gắn bó với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đến giúp dân xóa đói giảm nghèo, làm đường giao thông nông thôn, xây cầu và sửa chữa nhà cửa..., trong vai trò nào, anh cũng linh hoạt, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; vừa làm, vừa tham mưu, đóng góp ý kiến cho Ban Chỉ huy đơn vị những vấn đề còn khúc mắc để xử lý một cách hiệu quả nhất.

Vững tin trên con đường đã chọn

Trong chuyến đi địa bàn cùng Thiếu tá Sơn đến thăm mô hình “Ấp điểm không có tội phạm và tệ nạn xã hội’’, hay ghé thăm Tổ tàu thuyền an toàn, đến với các hộ gia đình do đảng viên của Đồn Biên phòng Rạch Gốc phụ trách, giúp đỡ, ở đâu, tôi cũng nhận thấy bà con dành cho BĐBP và cá nhân Thiếu tá Phạm Nam Sơn rất nhiều tình cảm tốt đẹp. Theo Thiếu tá Phạm Nam Sơn, từ năm 2010, Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã chủ động tham mưu cho UBND xã Tân Ân tổ chức mô hình “Ấp không có tội phạm và tệ nạn xã hội”. Kết quả thực hiện hơn 10 năm qua cho thấy, so với các ấp trong xã, an ninh trật tự của ấp Dinh Hạn tốt hơn rất nhiều, tệ nạn xã hội đến nay không còn.

Thiếu tá Phạm Nam Sơn hỗ trợ người dân trên địa bàn đến với "Phiên chợ 0 đồng" do đơn vị tổ chức. Ảnh: Lê Khoa

Đón chúng tôi tại ấp Dinh Hạn, có đủ mặt Trưởng ấp, Bí thư ấp và các công an viên của ấp. Chứng kiến tình cảm, sự cởi mở mà các chú, các anh dành cho Thiếu tá Phạm Nam Sơn, chúng tôi thêm hiểu hơn về sự quan tâm, gần gũi mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã dành cho ấp ven biển này. “Có vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự, ấp cần sự trợ giúp, cán bộ Đồn Biên phòng Rạch Gốc luôn xuất hiện đầu tiên, không nề hà sáng sớm hay đêm khuya. Từ giúp dân tránh bão, dựng nhà đến khuyến cáo người dân không tham gia vào các tệ nạn xã hội. BĐBP như anh em trong nhà vậy....” – Trưởng ấp Mai Thanh Lâm cởi mở.

“Vì bà con tin tưởng BĐBP, nên anh em càng phải cố gắng. Vất vả nhiều đó, nhưng vui lắm, vì xóm ấp đã thay đổi tích cực, ý thức của người dân được nâng lên, tình cảm của nhân dân với BĐBP khăng khít hơn” - Thiếu tá Phạm Nam Sơn chia sẻ.

Nói về Thiếu tá Phạm Nam Sơn, Trung tá Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cà Mau cho biết: “Trải qua nhiều vị trí công tác, Thiếu tá Phạm Nam Sơn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Từ năm 2022 đến nay, Thiếu tá Phạm Nam Sơn đã tham gia cùng đơn vị tuyên truyền được 96 buổi/2.286 lượt người nghe, phát 860 tờ rơi, tham gia củng cố 22 các chi hội của địa phương, 24 Tổ tự quản an ninh trật tự trên địa bàn; vận động xây dựng 8 căn nhà Đại đoàn kết, 2 cây cầu dân sinh, xây dựng 10km đường giao thông, tặng 1.680 suất quà cho gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng; tham gia cùng với địa phương xây dựng các công trình, mô hình về nông thôn mới như: tuyến đường hoa, tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu, thu gom hơn 3 tấn rác thải, vệ sinh hơn 20km đường giao thông, với hơn 160 ngày công.

Cùng với đó, trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thiếu tá Phạm Nam Sơn trực tiếp tham gia các tổ, đội công tác của đơn vị, vận động 240 chủ tàu cá, thuyền trưởng làm cam kết thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU; cấp phát trên 2.000 tờ rơi, gần 1.000 sơ đồ hướng dẫn hoạt động khai thác thủy sản trên biển; 740 sổ tay tuyên truyền các quy định về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và chống khai thác IUU; trao tặng 450 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Phối hợp với địa phương vận động nhân dân cam kết không đánh bắt, khai thác thủy sản bằng các ngành nghề mang tính hủy diệt và tự nguyện giao nộp hàng chục bộ dụng cụ xung kích điện.

Với nỗ lực và thành tích của mình, liên tục 2 năm 2021 - 2022, Thiếu tá Phạm Nam Sơn được Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2023, anh được UBND tỉnh Cà Mau trao Bằng khen; Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau trao Giấy khen và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao 6 Giấy khen về thành tích xuất sắc trên nhiều mặt công tác.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO