Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 08:32 GMT+7

Nông nghiệp đóng góp quan trọng cho nền kinh tế

Biên phòng - Trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục dù gặp nhiều khó khăn, biến động. Trong đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục báo tin vui với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

Năm 2022, ngành nông nghiệp có 11 ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, hạt điều mang lại kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Ảnh: Bích Nguyên

Tin vui từ ngành nông nghiệp

Xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng số 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD... Một số mặt hàng chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.

Thống kê cho thấy, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành NN&PTNT đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD... Có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD. Riêng ngành thủy sản cũng đã tạo lập nên kỷ lục mới của ngành khi ước xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, những kết quả nói trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như tinh thần vượt khó của toàn thể bà con nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Ngành NN&PTNT đã có nhiều chuyển biến thực tiễn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở.

Đặc biệt, trong năm 2022, ngành NN&PTNT đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực tại các thị trường trọng điểm. Nhiều nông sản, trái cây đã chạm ngõ được các thị trường khó tính. Đặc biệt, trong năm 2022, Việt Nam đã ký được 4 nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang và tổ yến. Cùng với đó là các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cao kỷ lục, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.

“Qua nhiều thăng trầm, chúng ta thấy ngành nông nghiệp càng ngày càng khẳng định là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vào việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Nông nghiệp cũng góp phần mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân ta”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định

Cần phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2023, tình hình thế giới được dự đoán là ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế. Do đó, toàn ngành nông nghiệp cần “nêu cao tinh thần sẵn sàng” với mọi tình huống.

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp trong năm 2023 phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỉ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.

Việt Nam có 8.689 sản phẩm đạt chuẩn thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021. Ảnh: Bích Nguyên

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam. Trong đó, các nhiệm vụ và các giải pháp chính là kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Chỉ đạo giải pháp thực hiện, Thủ tướng cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải triển khai nhanh hơn. Các địa phương phải chủ động phối hợp cùng Bộ NN&PTNT nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, chống lãng phí, tiêu cực, đi đôi với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để tìm thêm những thị trường tiêu thụ mới.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường nông sản, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân kiến nghị hai Bộ tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Nâng cao chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản. Thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Văn Trí

Bình luận

ZALO