Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 10:13 GMT+7

Nữ đảng viên người Mông đầu tiên ở Pa Búa

Biên phòng - "Cái lưng chị giờ không chỉ để gùi bắp, gùi sắn, mà còn "gùi" cả con chữ. Cái chủ trương, đường lối của Đảng đã về với bà con dân bản rồi. Giờ trẻ con được đi học. Cái thóc trong nhà không rủ nhau đi khỏi bản nữa" - Thào Thị Sênh, người nữ đảng viên dân tộc Mông đầu tiên của bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã nói với chúng tôi như vậy.

340x470_4a-1.JPG
Thào Thị Sênh trong trang phục truyền thống.
Pa Búa là bản người Mông xa nhất, cách trung tâm xã Trung Lý 18km. "Pa" đọc chệch từ "Pá" nghĩa là rừng, "Búa" nghĩa là đồi. Pa Búa gồm 3 khu, nằm rải rác ở độ cao khác nhau. Con đường vào bản có đoạn một bên là sông Mã cuồn cuộn sóng, bên kia là bức tường đá lổn nhổn tựa bàn chông. Có đoạn men theo lưng chừng núi, đá to hơn chiếc bình đựng vôi choãi ra, mới trông có vẻ vững chãi nhưng có thể sụt lở bất cứ lúc nào.

Pa Búa xưa kia âm u tịch mịch, quanh năm chỉ thấy mây trắng, rừng sâu, vực thẳm. Phụ nữ Mông xưa kia như con trâu, con ngựa quanh năm lầm lũi lên nương làm rẫy, rồi lại quanh quẩn bên xó bếp, góc nhà. Thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn đã một bên chồng, một nách con, nói gì đến việc tới trường, học cái chữ, tham gia xây dựng bản làng.

Năm 1996, người Mông di cư ồ ạt từ Sơn La về đây, mang theo tệ nạn ma túy. Làn khói nàng tiên nâu bủa vây, quấn chặt lấy từng ngõ nhỏ, nhà nhà quanh năm đói rách. Nhưng giữa núi rừng Trung Lý u mịch ấy, xuất hiện một tấm gương sáng "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Câu chuyện của chị gắn liền với Tổ công tác liên ngành, Đồn BP Trung Lý.

Sinh ra tại Sơn La, 18 tuổi, Thào Thị Sênh theo gia đình di cư đến Mường Lát, Thanh Hóa, kết hôn với Giàng A Lâu (sinh năm 1982). Người Mông xưa có những tập tục và nguyên tắc riêng đối với đàn bà, con gái. Sênh không được ngồi ăn cùng anh và em trai chồng, thầy mo làm vía, những lúc cúng lễ phải lánh mặt. Nhà A Lâu nghèo, bố mẹ đều nghiện thuốc phiện. Cuộc đời phụ nữ chốn này năm xưa, sáng đi rẫy, tối về nằm co. Đôi chân quen bám đất chưa bước ra khỏi bản, khỏi nương rẫy. Cái lưng luôn có gùi, cái mặt cúi rạp xuống đất. Tưởng rằng, cứ sống vậy đến lúc về với đất, nhưng từ ngày Tổ công tác liên ngành tới bản Pa Búa, cuộc sống của chị Sênh như bước sang một trang mới. Thế là, hoạt động nào chị cũng tham gia và là tuyên truyền viên tích cực, là cầu nối giữa BĐBP và đồng bào Mông.

Tôi gặp Thào Thị Sênh giữa trưa nắng gắt. Hôm ấy, chị nghỉ đi nương, ở nhà cùng tập văn nghệ với thanh niên bản, để ngày hôm sau tham gia hội thao của xã Trung Lý. Sênh nói chuyện với tôi bằng tiếng Kinh về sự thay đổi gia đình: "Giờ có việc gì vợ chồng bàn bạc, ăn cơm quây quần, 4 cháu đều đã đi học, cháu lớn lớp 9, cháu bé lớp 2. Quanh đây gia đình nào bây giờ cũng thế. Tối đến, chị em có thể gặp nhau chia sẻ tâm tư, nắm bắt và cập nhật các chính sách mới".

Thào Thị Sênh là nữ đảng viên đầu tiên của người Mông. Phó Bí thư tăng cường xã Phạm Văn Tôn cầm tay chỉ việc, cử người kèm cặp Sênh làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Pa Búa, hướng dẫn chị cách giao tiếp, phát biểu, lấy ý kiến quần chúng... Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Quý trong Tổ công tác liên ngành tới tận nhà, vận động anh Giàng A Lâu tạo điều kiện cho chị tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ xã Trung Lý. Do Thào Thị Sênh mới học hết lớp 5 nên theo quy định, chưa đủ tiêu chí vào Đảng. Từ đó, Thường vụ Đảng ủy BĐBP Thanh Hóa đã tham mưu cho Tỉnh ủy Thanh Hóa hạ tiêu chí vào Đảng đối với người dân tộc Mông nói chung và phụ nữ nói riêng. Đồng chí Tôn sang Chiềng Ngân, Sơn La thẩm tra lý lịch. Và Thào Thị Sênh là phụ nữ Pa Búa đầu tiên được kết nạp vào Đảng.

Nhấp một ngụm trà, ánh mắt Thào Thị Sênh trôi về quá khứ: Ngày đó, Pa Búa còn đói lắm, gần như cả bản, nhà nào cũng có người nghiện hút, trộm cắp vặt liên miên. Chính nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Pa Búa mới được như ngày hôm nay". Chị chia sẻ về ngày mới nhận nhiệm vụ: Làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Pa Búa không phải là việc dễ, có lúc khó khăn muốn buông xuôi, nhưng anh Lâu, chồng chị đã kịp thời động viên, giúp đỡ. Khi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, gặp không ít trở ngại, chị phải tới nhà bà con nhiều lần. Thuyết phục người vợ đã khó, người chồng càng khó hơn. Chị em đi làm rẫy vất vả, đặt vòng hay đau bụng, hiệu quả kém, nên đôi khi việc vận động lại phản tác dụng.

"BĐBP đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào Pa Búa, nên bản ta mới biết trồng cây lúa, cây sắn, đuổi được ma túy. Phụ nữ, trẻ con mới biết được cái chữ" - Trưởng bản Pa Búa Giàng A Cheo nói. Pa Búa giờ lúa, ngô, sắn đầy nhà, 100% trẻ em đến độ tuổi đều được đến trường, có 2 em đỗ Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa là Giàng A Dinh và Thào A Pua. Cả bản có 66 đảng viên. Diện tích trồng sắn lên tới 60ha, ngô 40ha, diện tích lúa tăng, chăn nuôi được đẩy mạnh... Và Thào Thị Sênh đã trở thành tấm gương sáng của phụ nữ vùng biên. Đây là "quả ngọt" từ công tác vận động quần chúng của BĐBP Thanh Hóa.

Vũ Trang

Bình luận

ZALO