Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Nước mắm Tam Thanh với nỗi lo mai một

Biên phòng - Là một trong những thương hiệu nước mắm nổi tiếng, làng nước mắm Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã trải qua nhiều thăng trầm theo thời gian. Có giai đoạn người dân giàu lên nhờ nước mắm, song, hiện tại, nghề truyền thống sản xuất nước mắm đang đứng trước nguy cơ mai một...

 6985a.gif
Bà Kiều Thị Ngọc Loan đang kiểm tra quá trình chắt lọc nước mắm.
Thương hiệu “nước mắm Tam Thanh”

Nghề làm nước mắm truyền thống ở xã Tam Thanh có từ khi nào cũng chẳng ai trong làng nhớ rõ và cũng không ai nhớ nghề làm nước mắm truyền thống bắt đầu từ đâu, trải qua bao nhiêu thăng trầm và tồn tại. Người già trong làng nói rằng, khi sinh ra đã ngửi thấy cái mùi thơm nồng mằn mặn của nước mắm.

Chúng tôi đến Tam Thanh vào buổi trưa hè nắng gắt, gặp bà Trần Thị Cách, ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh đang lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt khắc khổ. Trên vai bà Cách đang gánh chừng 10 lít nước mắm tự sản xuất đi đến các thôn, làng phụ cận để bán dạo. Bà Cách là một trong số ít những người phụ nữ ở Tam Thanh hàng ngày vẫn phải gánh nước mắm bán dạo mưu sinh, bất kể ngày nắng hay mưa. Gần 40 năm gắn bó với nghề cũng là chừng ấy năm bà có mặt trên khắp các con đường liên thôn, liên xã...

Bà Cách cho biết: “Cũng vì mưu sinh cả thôi. Do hoàn cảnh khó khăn nên ngoài tôi ra vẫn có một số người khác cũng phải làm công việc này. Nay, sức khỏe đã không còn như xưa, tôi chỉ cố gắng duy trì chừng vài chục cân muối cá để đắp đổi qua ngày. Cứ vài ngày tôi lại gánh hàng đi bán một lần, mỗi lần chừng chục lít, thu nhập mỗi tháng không quá 600 ngàn đồng”.

Trong câu chuyện vui buồn, bà kể cho chúng tôi nghe về việc gắn bó với nghề, về những vất vả thường nhật: “Hầu hết những người đi bán nước mắm dạo đều giống như tôi, bàn chân thường vùi trong cát nóng và nước biển, qua những năm tháng dài đằng đẵng bị tổn hại là chuyện bình thường. Nghề làm nước mắm rất vất vả, bất kể sản xuất lớn hay nhỏ. Mọi công đoạn làm nước mắm đòi hỏi nhiều công phu mà tìm người mua cũng không dễ, nếu không làm ăn thật quy mô, bài bản thì nước mắm Tam Thanh cũng chỉ được bán quanh quẩn trong vùng.

Những trăn trở…

Bà Kiều Thị Ngọc Loan, thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh là một trong số rất ít người làm mắm giỏi nghề, khấm khá từ nghề. Theo bà Loan, những năm trước, gia đình bà muối được khoảng từ 30 đến 50 tấn cá để làm nước mắm. Nhiều hộ khác chỉ muối được khoảng 10 đến 20 tấn cá/năm. Nước mắm Tam Thanh từ lâu đã được nhiều người biết đến bởi dư vị rất riêng, nên người làm mắm vẫn sống được bằng nghề. Thời gian gần đây, nghề làm mắm ở Tam Thanh đang gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất, không tìm được thị trường, không còn điều kiện thuận lợi để tiếp tục làm nghề... “Năm nay dù cố gắng nhưng gia đình tôi cũng chỉ muối được hơn 1 tấn cá để lấy mắm, lý do là biển khan hiếm nguồn cá, vả lại, do gia đình không còn vốn để đầu tư, mà có đầu tư thì cũng không có nơi tiêu thụ. Hơn hai chục cái chum, bể muối cá của gia đình cũng bỏ trống” -  Bà Loan cho biết.

Nỗi lo lớn nhất của bà Loan cũng như nhiều người làm mắm khác của xã Tam Thanh là trong một ngày không xa nữa, nghề làm nước mắm truyền thống khó có điều kiện để phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh: Làng nghề chế biến nước mắm truyền thống ở địa phương chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của nhân dân. Hiện nay, làng nghề nước mắm Tam Thanh có gần 50 hộ chuyên sản xuất kinh doanh  với quy mô nhỏ lẻ nên bị hạn chế đầu ra. Đây là nỗ lực lớn của những người còn tâm huyết muốn lưu giữ lại một làng nghề truyền thống nổi tiếng hơn 100 năm.

Bên cạnh đó, làng nghề đang đối mặt với những thách thức không nhỏ khác do tác động của kinh tế thị trường, sản phẩm làng nghề truyền thống không cạnh tranh được với các sản phẩm thay thế có nguồn gốc nhập khẩu hoặc sản phẩm công nghệ hiện đại. Đội ngũ lao động lành nghề chưa cao, quy mô sản xuất của làng nghề còn nhỏ, việc huy động vốn, áp dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất ngày càng khó khăn.

Những trăn trở của người làm nghề ở đây không phải không có cơ sở. Để nước mắm Tam Thanh vươn ra khỏi thị trường nội địa đã khó, để cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm khác trong thị trường nội địa lại càng khó hơn. Cần nhất vẫn là sự đầu tư, xây dựng thương hiệu và đổi mới tư duy trong sản xuất mới có thể đưa nước mắm Tam Thanh vươn xa ra thị trường toàn quốc.

Đồng Lê

Bình luận

ZALO