Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 05:35 GMT+7

Nước mắt ngày trở về của cô gái Pa Cô bị lừa bán sang xứ người

Biên phòng - Sau 5 năm bị bán sang xứ người, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng chức năng nước sở tại, Tổ chức Rồng Xanh và BĐBP Việt Nam, Hồ Thị Thanh (dân tộc Pa Cô, trú tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã trở về với người thân của mình. Suốt thời gian sống trong “địa ngục trần gian”, gần như đêm nào, Thanh cũng khóc vì cuộc sống đầy tủi nhục. Ngày hôm nay, Thanh cũng khóc, nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc được đoàn tụ cùng gia đình.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Trúc Hà

Chuyện xảy ra 5 năm trước, vì mong muốn có cuộc sống tốt hơn nên Hồ Thị Thanh đã để lại con nhỏ cho chồng để vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu và trình độ dân trí thấp nên chỉ sau 20 ngày, Thanh đã phải bỏ việc. Đang trong lúc không biết làm gì để duy trì cuộc sống khi số tiền mang theo đã cạn, thì “một người anh tốt bụng” làm cùng công ty nói sẽ giới thiệu cho Thanh đi làm việc cho nhà chị gái, lương 6 triệu đồng, được bao ăn, bao ở.

Sau cuộc điện thoại, “chị gái” gửi cho Thanh 1,3 triệu đồng để bắt xe khách đi ra Bắc. Cho đến lúc được đón, đưa lên Lạng Sơn, Thanh vẫn tin rằng mình đang cùng mọi người đi lấy hàng cho công ty ở Trung Quốc. Sự thân mật trong những câu chuyện với “người dẫn đường” càng khiến Thanh tin rằng mọi thứ tốt đẹp đang đến với mình.

Khi qua biên giới, vô tình người đàn ông dẫn đường hỏi: “Ở Việt Nam, chúng nó đưa cho bố em bao nhiêu tiền?”, Thanh mới nhận ra mình đã bị bán sang Trung Quốc. Thanh lấy điện thoại gọi cho chị chồng cầu cứu, nhưng chưa kịp nói hết câu “Chị ơi, em bị lừa bán rồi”, thì bị thu máy. Hi vọng cuối cùng bị dập tắt, Thanh chỉ còn cách đi theo vì liên tục bị dọa nạt.

Sau khi đi bộ qua biên giới, Thanh được đưa lên xe ô tô rồi chuyển sang đi tàu hỏa. Không biết đi đâu, nhưng đếm được 3 lần mặt trời lặn thì Thanh được đưa vào một phòng kín. Cho đến lúc về tới Việt Nam, Thanh vẫn cho rằng, “những người ở đó đối xử rất tốt với em” vì không đánh đập, cho ăn uống đầy đủ và mặc quần áo đẹp. Khi chúng tôi hỏi, có biết vì sao họ lại tốt như thế không, Thanh lắc đầu: “Không ạ”. “Vì họ muốn em xinh đẹp nhất sẽ bán được giá cao nhất”. Đến lúc này, cô gái Pa Cô mới như sực nhớ ra: “Đúng rồi! Họ chụp ảnh và sau đó có rất nhiều người đến xem mặt em”.

Ban đầu, khi thấy gia đình mua mình có ô tô, nhà cửa khang trang, Thanh cũng được an ủi phần nào vì nghĩ rằng, đến ở nơi này cũng không đến nỗi tệ. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, Thanh đã nhận ra mình rơi vào “địa ngục trần gian”. Thanh bị nhốt trong nhà, không có điện thoại, không có tiền. Hàng ngày, cứ 4 giờ sáng, Thanh phải thức dậy để nấu ăn, khi mọi người ăn xong, còn thừa thì Thanh mới được ăn, không thì nhịn đói. Nhà làm nông nên Thanh phải đi làm ngoài ruộng và luôn có người canh chừng.

Khổ cực là thế, nhưng Thanh luôn bị những người trong nhà mắng nhiếc, chửi rủa. Mặc dù không hiểu tiếng, nhưng qua khuôn mặt, thái độ, cử chỉ cũng đủ thấy mọi người trong nhà chỉ coi Thanh như nô lệ được mua về. Gần như đêm nào, Thanh cũng khóc. Khóc vì nhớ nhà, khóc vì tủi nhục cho thân phận của mình. Thanh bảo rằng, mình không biết ngày tháng, chỉ biết đêm, ngày và khi gia đình ăn Tết thì biết rằng một năm đã trôi qua.

Hồ Thị Thanh đã từng bỏ trốn, nhưng lần ấy vừa tới trước cổng cơ quan Công an nước sở tại thì bị người nhà kia tìm thấy, liền bắt về. Những người trong nhà thay phiên nhau đe dọa: “Chỉ cần trốn một lần nữa sẽ không bao giờ có cơ hội sống”. Mặc dù rất lo sợ, nhưng trong thâm tâm, Thanh vẫn luôn tìm cơ hội để thoát khỏi “địa ngục trần gian” này để trở về với bố mẹ. Vận may đã tới, tối hôm ấy, cả nhà ăn bữa tiệc, ai cũng ngà ngà say nên đưa cho Thanh chùm chìa khóa bảo khóa cổng. Thanh biết rằng, cơ hội đã tới nên mặc dù rất hồi hộp, nhưng vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh, cầm chùm chìa khóa đi ra cổng khóa (kỳ thực là không khóa), xong tiếp tục dọn dẹp nhà rồi tắt điện.

1 giờ sáng, đoán tất cả mọi người đã ngủ say, Thanh trở dậy, nhẹ nhàng mở cửa, không mang theo bất cứ một thứ gì rồi cứ thế mà chạy. Vì sợ bị truy bắt, nên Thanh cứ đường mòn mà chạy. Nhiều lần bị vấp ngã, xây xước chân tay, mặt mày, nhưng Thanh lại đứng dậy chạy tiếp. Đến trấn (nơi đông dân cư), thấy Thanh như vậy, vài người hỏi, Thanh nói: “Cháu là người Việt Nam, bị lừa bán sang đây, xin các ông, các bà chỉ đường tới chỗ công an”. Thật may, những người Thanh gặp đều là người tốt bụng, nên đã bắt xe rồi dặn lái xe đưa Thanh đến đồn công an. Và Thanh đã trở về quê hương như một kỳ tích.

Ông Hồ Văn Núi, bố của Hồ Thị Thanh chia sẻ rằng: “Khi không thể liên lạc với con, tôi đã đi tìm. Cứ nghe ở đâu có bạn của con là tôi tìm đến hỏi, thế nhưng không ai biết. Được khoảng một tháng thì chồng nó tới nói: “Con không còn yêu cái Thanh, con “trả” lại cho bố", thế nhưng tôi không “nhận”, vì lúc tôi gả là có người nhưng giờ trả lại không có người. Sau đó, chồng cái Thanh lấy vợ khác và có 2 đứa con. Gia đình tôi cũng không trách, vì con gái tôi mất tích 5 năm, cho đến khi được các anh Biên phòng đưa về thì không ai nghĩ nó còn sống. Thêm nữa, điều quan trọng là con gái tôi đã trở về lành lặn, mạnh khỏe”.

Nghe bố nói thế, Thanh bật khóc: “Em dại quá, chị ạ, vì tin người để khổ cả mình, khổ bố mẹ và khổ cả người khác. Các anh chị ở Tổ chức Rồng Xanh nói rằng sẽ giới thiệu việc làm cho em. Em rất muốn, nhưng việc đầu tiên bây giờ là em muốn được làm căn cước công dân. Các anh ở đồn Biên phòng đã hỏi và bảo em lên xã để được hướng dẫn. Việc thứ hai là em muốn được học chữ. Cũng chính vì mù chữ mà em mới dễ dàng bị lừa như vậy, đi đâu cũng không biết. Em rất sợ mọi người biết câu chuyện của mình, nhưng em sẵn sàng kể để người khác, nhất là các cô gái đồng bào dân tộc thiểu số như em biết để không bị sập bẫy của những kẻ buôn người”.

*Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO