Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 08:28 GMT+7

Nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh nghèo nơi biên giới

Biên phòng - Có một câu nói “Học để thay đổi số phận”. Tuy nhiên, không phải đối với tất cả chúng ta, con đường này đều bằng phẳng, dễ dàng, nhất là đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi dọc dài biên giới. Thế nhưng, thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay, hàng nghìn em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới đã được "nâng bước" tới trường với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp đang chờ đón ở phía trước.

Thầy giáo Trần Bình Phục đưa đón các em đến lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Lê Khoa

Lớp học trên “ngọn sóng”

Đảo Hòn Chuối thuộc khóm 1 (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nằm cách cửa biển Sông Đốc khoảng 18 hải lý về hướng Tây Nam, có diện tích tự nhiên khoảng 70ha. Trên đảo hiện có 70 hộ dân với 231 nhân khẩu. Cư dân đảo sống chủ yếu dưới gành đá ven chân đảo bằng nghề buôn bán nhỏ và nuôi cá lồng bè. Do vị trí địa lý và thời tiết, nên mỗi năm, cư dân phải di dời nơi ở và tài sản 2 lần để tránh sóng, tránh gió, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.

Trung tá Lê Quốc Cường, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau cho biết, ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối còn là chỗ dựa vững chắc cho cư dân trên đảo. Bên cạnh đó, việc học hành của con em trên đảo đều do đồn Biên phòng đảm nhận. Hơn 20 năm trước, một lớp học tạm bợ dựng bằng cây lá được hình thành, đến nay đã được xây dựng khang trang, nhưng ở đảo xa này, việc dạy và học của thầy trò vẫn gặp vô vàn khó khăn.

Hiện tại, thầy giáo đứng lớp là Thiếu tá Trần Bình Phục, cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Năm học 2023 - 2024, lớp học này có 18 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 7. Trong đó, có nhiều em là con em của đồng bào Khmer. Trong lớp học có 3 chiếc bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng lại chia thành 2 - 3 phần, mỗi phần có một nội dung học khác nhau. Học trò nhóm ngồi xuôi, nhóm ngồi ngược, nhóm ngồi ngang. Thầy Phục đi vòng tròn để giảng giải cho học trò theo từng nhóm lớp.

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà cây lá tạm dựng bên vách đá, anh Nguyễn Phát Huy chia sẻ: Gia đình anh thuộc hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc vào nghề câu cá quanh đảo, nhưng khi biển động thì ở không. Anh có 2 đứa con đã được thầy Phục dạy học, khi lên cấp 2 thì gửi vào bờ đi học tiếp. Hiện tại, anh chị đang nuôi đứa cháu (con của chị gái) là Nguyễn Hoàng Hạo, học lớp 3. Cha mẹ Hạo ly hôn, rồi đều bỏ đảo đi tìm cuộc sống mới, Hạo ở lại với ông bà ngoại, nhưng bà ngoại mất vào năm 2022, ông ngoại có vợ mới, nên Hạo thêm một lần bơ vơ và được anh đem về nuôi.

Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình nên đơn vị đã nhận hỗ trợ bé Hạo và một bé khác trên đảo mỗi tháng 500 ngàn đồng theo Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng". Nhờ đó, các em có điều kiện hơn để thực hiện ước mơ của mình.

Trái ngọt được gieo từ “ngọn sóng”

Thầy giáo Trần Bình Phục chia sẻ, từ lớp học này, gia đình nào có điều kiện thì tiếp tục cho con em vào bờ theo học chương trình cao hơn. Những em khác không có điều kiện thì ở lại đảo xây dựng gia đình, bám đảo, bám biển phát triển kinh tế, xây dựng đảo. Nhờ sự động viên của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và quyết tâm của các em học sinh mà đến nay, trên đảo đã có 5 em học xong chương trình đại học.

Em Nguyễn Văn Khánh trưởng thành từ lớp học tình thương trên đảo. Ảnh: Lê Khoa

Cuối tháng 11 vừa qua, trong chuyến công tác tại đảo Hòn Chuối, tôi gặp lại người đồng đội cũ Nguyễn Văn Kha. Anh Kha nhập ngũ năm 2001, sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, anh được điều ra nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Hoàn thành nghĩa vụ năm 2003, anh Kha không quay về đất liền mà ở lại đảo lập nghiệp, cưới vợ, sinh con và gắn bó với hòn đảo nhỏ đến tận bây giờ.

Kha cho biết, vợ chồng anh có 3 đứa con và cả 3 đều học ở lớp học tình thương của đồn Biên phòng, sau đó anh gửi con vào đất liền ở nhờ nhà anh em để đi học tiếp. Con gái đầu của anh đã học hết lớp 12, con trai út học hết cấp 2 rồi quay ra đảo, còn cậu con trai thứ 2 - Nguyễn Văn Khánh đang là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Cần Thơ.

Hiện nay, vợ và con gái lớn của anh Kha đang làm công nhân ở Bình Dương. Anh và con trai út ở lại đảo nuôi cá bớp trong lồng bè. Điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng cả nhà ráng lo cho Khánh học xong đại học để sau này có cuộc sống tốt hơn.

Tôi gặp Khánh tại Cần Thơ, tranh thủ trước giờ vào lớp, Khánh bộc bạch: "Nhờ có lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Hòn Chuối, em mới có được ngày hôm nay. Ở đảo xa đó, có mấy gia đình có điều kiện cho con em vào đất liền để đi học; nếu không có các chú BĐBP thì bao em nhỏ trên đảo sẽ không biết chữ, nói gì đến học đại học. Ngày đó, để đi lên được lớp học thì mỗi ngày, chúng em phải băng qua nhiều mỏm đá, biết bao đoạn đường trơn trượt khó đi, các chú phải xuống tận nhà đón lên lớp. Em không bao giờ quên công ơn của các chú, các bác ở đồn Biên phòng".

Là cư dân sinh sống lâu năm trên đảo, bà Nguyễn Thu Lan cho biết, các chú ở Đồn Biên phòng Hòn Chuối không chỉ dạy cho con em trên đảo biết đọc, biết viết, mà các chú còn kiêm luôn cả việc làm cha, làm anh bọn trẻ. Từ lớp học tình thương của đồn Biên phòng, 2 đứa con của bà Lan đã vào bờ tiếp tục theo học cấp 2, cấp 3. Hiện nay, con trai lớn của bà Lan đã tốt nghiệp Trường Đại học Bình Dương phân hiệu tại Cà Mau và đứa nhỏ cũng đang học tại đây. Vì vậy, sự thấu hiểu, cảm thông của việc dạy và học của thầy trò trên đảo như thế nào, bà Lan là người hiểu nhất, ngày nào, bé nào vắng, bé nào ốm là bà Lan đều biết.

"Chúng tôi dạy các em bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lính, nên thời gian cứ trôi qua và tình thầy trò gắn bó với nhau mà không có sự toan tính. Mỗi ngày lên lớp, cả thầy và trò phải leo qua hàng trăm mét thềm dốc đứng xuyên qua cánh rừng, mùa nắng thì mồ hôi nhễ nhại, mùa mưa thì trơn trượt, quần áo lấm lem, nhưng không vì thế mà các em vắng lớp" - thầy giáo Phục chia sẻ.

Con đường phía trước của các em còn dài, nhưng chắc chắn trên con đường ấy đã bớt khó khăn hơn vì đã có sự sẻ chia, quan tâm, hỗ trợ của những người lính Biên phòng trong hành trình đi tìm "con chữ" của các em. Sự sẻ chia ấy đang lan tỏa trong xã hội, để ngày càng có nhiều ước mơ trở thành hiện thực.

Thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, từ năm 2016 đến nay, BĐBP Cà Mau đã nhận giúp đỡ trên 400 lượt em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường nuôi dưỡng ước mơ. Riêng năm học 2023 - 2024, BĐBP Cà Mau hỗ trợ 38 em đang theo học ở các cấp và duy trì lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO