Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 03:28 GMT+7

Phẩm chất cao đẹp của người lính Biên phòng sáng ngời trong mưa lũ

Biên phòng - Dưới cơn mưa tầm tã, những người lính Biên phòng tay bế cụ già, lưng cõng em nhỏ, đẩy thuyền đi qua những ngõ ngách trong nước ngập mênh mông. Người ta chợt nhận ra, dù thời chiến hay thời bình thì hình tượng người lính Cụ Hồ vẫn vô cùng đẹp đẽ, cao cả, luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại tá Đỗ Văn Đông thăm hỏi người dân khu vực Khe Cạn di dời đến tránh trú tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Ảnh: Trúc Hà

Mệnh lệnh từ trái tim

Đối với người dân thành phố Đà Nẵng, ngày 14/10/2022 là ngày không thể quên khi thành phố ngập chìm trong biển nước. Thật không ngờ, 1 năm sau, một lần nữa, thành phố Đà Nẵng lại đón nhận những trận mưa xối xả. Mặc dù đã có sự chuẩn bị, thế nhưng, vì lượng mưa quá lớn nên nhiều khu vực trong thành phố vẫn bị ngập sâu.

Từ ngày 13/10, lực lượng chức năng đã phải tới những khu vực trũng, thấp để giúp dân kê cao đồ đạc. Tuy nhiên, đến rạng sáng ngày 14/10, nước dâng cao, lực lượng Công an, Quân sự, BĐBP đã phải dùng xuồng cao su để sơ tán người dân.

Lần nào cũng vậy, mỗi khi thời tiết biển diễn biến xấu, Hải đội 2 (BĐBP thành phố Đà Nẵng) trực 100% quân số để sẵn sàng cho những tình huống đột xuất. Cuối giờ chiều ngày 13/10, Thiếu tá Phạm Trung Hiếu nhận được tin có tàu cá bị nạn. Tàu TH 90929 TS của anh Lê Văn Dũng trên đường vào bờ đã bị phá nước. Mạng sống của 11 thuyền viên trên tàu ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Không một phút chậm chễ, tàu BP 08-09-01 nhanh chóng rời cảng, cứ thế vượt sóng, vượt mưa gió hướng về vị trí tàu bị nạn.

Ngay cả khi đã bàn giao tàu TH 90929 TS cho tàu SAR 412 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, tàu BP 80-98-01 vẫn kiên trì hộ tống tàu cá cho đến khi vượt qua mũi Nghê để cập cảng Đà Nẵng MRCC. Khi mọi người đều tập trung hướng về tàu cá bị nạn thì Hải đội 2 tiếp nhận được tin báo có 3 du khách nước ngoài bị kẹt xe trên đường lên núi Sơn Trà.

Trời mưa, nguy cơ sạt lở rất lớn, Thượng tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Hải đội 2 đã nhanh chóng cùng cán bộ, chiến sĩ cơ động ra hiện trường để hỗ trợ đưa các du khách về nơi lưu trú an toàn.

Khe Cạn là vùng trũng nhất của phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), bởi vậy, cả đêm ngày 13 và ngày 14/10, tất cả cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc tập trung giúp dân. Đồng thời, để chia sẻ với những người dân có nhà bị ngập, những người dân phải sơ tán đến Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Đồn Biên phòng Phú Lộc và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây tổ chức nấu cháo để mang tới hỗ trợ cho bà con.

Lương khô, nước lọc cũng được gom lại để bà con không ai bị đói, như lời Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã quán triệt: “Không để cho người dân phải chịu cảnh đói, rét và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ” khi ngày càng nhiều người dân phải di dời khỏi nơi ở hoặc nhà bị ngập.

Trong đợt lũ lịch sử tháng 10/2022, địa bàn Đồn Biên phòng Hải Vân bị ảnh hưởng nặng nề, hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi vậy, năm nay, ngay khi có thông tin thời tiết sẽ có mưa to, đơn vị đã thành lập các tổ phối hợp với chính quyền địa phương khai thông các đoạn đường bị ngập nặng.

Chiều ngày 14/10, đường đèo Hải Vân bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã có mặt giúp cho các phương tiện lưu thông được thuận lợi, an toàn. Các tổ, đội công tác địa bàn tiếp tục xuống các khu dân cư, các địa điểm di dời người dân đến tránh lũ để hỗ trợ bà con đồ ăn, nước uống và chăm sóc sức khỏe khi cần thiết.

Ngay cả khi tình hình mưa lũ đã giảm, các đơn vị vẫn tiếp tục duy trì nghiêm các kíp trực, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện xử trí các tình huống thiên tai, sự cố, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, không để bị động, bất ngờ, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Mưa lũ qua đi, tình người ở lại

Đêm 14/10, khi nhận được tin khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) bị ngập sâu, cùng với việc chỉ đạo các lực lượng tại chỗ phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng di dời người dân đến nơi an toàn, Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp đến Trường Tiểu học Lê Văn Tám để động viên bà con, cũng là để khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc nỗ lực khắc phục khó khăn hỗ trợ nhiều nhất cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Ba xúc động cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, các chú bộ đội cũng là người phục vụ ở khu cách li, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân. Năm 2022 cũng mưa lũ thế này, các chú không quản mưa gió đi cứu dân. Nhận túi cháo, cái bánh, phong lương khô của các chú Biên phòng, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng”.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân giúp người già ở khu vực bị ngập đến nơi an toàn. Ảnh: Trúc Hà

Trong các câu chuyện được chia sẻ, ông Dương Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy phường Thọ Quang luôn nhắc đến cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP thành phố Đà Nẵng. Chiều tối ngày 13/10, ông Hà và cán bộ phải túc trực khảo sát tình hình để có phương án di dời, giúp dân kê cao đồ đạc đề phòng mưa lớn gây ngập. Khi công việc còn đang bộn bề, ông Hà nhận được tin báo có 1 ô tô chở 3 du khách người nước ngoài bị hỏng xe ở chân núi Sơn Trà thuộc địa phận phường Thọ Quang.

Ngay lúc ấy, ông đã nghĩ đến Hải đội 2 nên nhanh chóng điện thoại. “Khi ấy, Hải đội 2 đang triển khai kíp tàu đi cứu hộ, cứu nạn trên biển nên rất bận rộn. Thế nhưng, các anh đã nhanh chóng triển khai lực lượng hỗ trợ cho du khách nước ngoài. Địa phương rất cảm ơn sự phối hợp kịp thời của đơn vị, nhất là trong hoàn cảnh mưa gió, cần cơ động nhanh”.

Cô gái trẻ Yến Linh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) thấy mình thật may mắn. Ngày 16/10, Yến Linh để quên chiếc điện thoại của mình tại Nhà văn hóa Bàu Làng (phường Thanh Khê Đông). Yến Linh rất buồn vì chiếc điện thoại không chỉ giá trị, mà còn lưu giữ rất nhiều tư liệu quan trọng. Cứ ngỡ là đã mất thì Yến Linh được một người bạn nói có chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Phú Lộc trong quá trình giúp dân tổng dọn vệ sinh sau lũ đã nhặt được chiếc điện thoại. Nhận lại tài sản của mình từ tay Thượng úy Nguyễn Xuân Tiến, Yến Linh vô cùng xúc động. Giờ thì cô gái trẻ càng hiểu hơn vì sao hình ảnh chú bộ đội vẫn luôn đẹp đẽ trong mắt mọi người.

Còn đối với cậu bé Bùi Khắc Đạt (tổ 32, phường Mân Thái, quận Sơn) và Trần Văn Phụng (tổ 6 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) thì bấy lâu nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà đã trở thành người thân. Đạt và Phụng được đồn Biên phòng nhận đỡ đầu theo Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng" từ năm 2019. Sự quan tâm của các chú, các cha nuôi Biên phòng không chỉ là số tiền hỗ trợ mỗi tháng, mà còn là việc thường xuyên ghé thăm động viên hai cậu bé học tập tốt.

Đợt mưa lũ vừa rồi, các chú, cha nuôi đã tới kiểm tra, giúp gia đình kê cao đồ đạc, gia cố mái nhà để không bị dột. Sự quan tâm, giúp đỡ lúc khó khăn chính là sợi dây tình cảm của Đạt và Phụng đối với các cha nuôi ở Đồn Biên phòng Sơn Trà.

Nguyễn Hòa Bình

Bình luận

ZALO