Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 10:44 GMT+7

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng

Biên phòng - Chiều ngày 22-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

 860chien.gif
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

Trình bày báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh:  Tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng; tăng thời gian xét tặng đối với các danh hiệu như “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động”... Tuy nhiên, cần phải tiếp tục thể hiện rõ trong dự thảo Luật các vấn đề: quy định cụ thể hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo; giảm bớt hình thức khen thưởng cấp nhà nước; quy định thống nhất các hình thức khen thưởng trong hệ thống chính trị và đối với các tổ chức, cá nhân.

Thảo luận tại Hội trường các đại biểu nhất trí cao với Dự thảo Luật đã bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Huân chương Lao động” các hạng, bằng khen cho các đối tượng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp này tại các Điều 24, 42, 43, 44, 71, 72 và quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến là người lao động (Khoản 4, Điều 83). Đại biểu Trần Ngọc Vinh (tp Hải Phòng) băn khoăn: Tại Khoản 3, Điều 24 dự thảo đã quy định mở rộng đối tượng được tặng danh hiệu lao động tiên tiến là nông dân. Tuy nhiên, về thủ tục hồ sơ đề nghị tại Điều 83 dự thảo luật quy định danh hiệu thi đua được xét và đề nghị từ đơn vị cơ sở thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã. Vậy, đơn vị, cơ sở để thực hiện bình xét đề nghị danh hiệu thi đua đối với nông dân không nằm trong nhóm cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã thì được xác định là những đơn vị nào. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và cụ thể để thuận tiện trong quá trình thực hiện luật.

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) bổ sung: “Tôi cũng rất băn khoăn trong danh hiệu thi đua, chúng ta có khen về gia đình văn hóa, nhưng trong thực tế thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, rất nhiều hộ gia đình có công lao đóng góp rất là lớn như: hiến đất, hiến ngày công, hiến tiền. Thậm chí có những hộ gia đình nông dân ủng hộ hàng trăm triệu để xây dựng đường làng ngõ xóm, hiến vài trăm triệu tiền đất của hộ gia đình nhà mình. Chúng ta cũng cần phải quy định vào trong luật có thể khen những hộ gia đình có công đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 954chien-2.gif
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh phát biểu ý kiến tại hội trường.

Về nguyên tắc khen thưởng, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Khoản 3, Điều 6, ở Điểm b, Khoản 2 theo hướng quy định một cách cụ thể là công tác khen thưởng phải kèm theo mức thưởng tương ứng cho tập thể và cá nhân, tức là hình thức nào, tính chất, mức độ khen thưởng như thế nào thì phải kèm theo mức thưởng như thế. Khen như thế nào thưởng như thế, làm như vậy thì chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng khen tràn lan, không có tác dụng động viên, khuyến khích. Đối với nhiều địa phương, cơ quan do không có kinh phí cứ khen mà không có thưởng hoặc mức thưởng rất thấp, không có tác dụng động viên.

Các đại biểu ghi nhận dự thảo Luật đã nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Điều 31 phân cấp cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định Cờ thi đua cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh đoàn và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Tuy nhiên, Đại biểu Ngô Văn Hùng - Lào Cai góp ý thêm vào Điều 79 của dự thảo luật quy định về thẩm quyền của các cấp trong việc xét thi đua, khen thưởng: “Cơ cấu tổ chức của quân đội có biên chế lực lượng lớn từ Bộ Quốc phòng trở xuống có trên 10 cấp tổ chức, trong đó cơ quan chiến lược cấp Tổng cục, cấp quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, binh đoàn là những đầu mối có quy mô tổ chức lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc tương đương với các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh, trường quân sự các cấp...

Xuất phát từ đặc điểm đó, mỗi cấp đều có chức năng quản lý chỉ huy khác nhau và thẩm quyền thi đua, khen thưởng cũng khác nhau. Tôi đề nghị dự án luật nên quy định riêng thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua và một số hình thức khen thưởng trong quân đội để phù hợp với cơ cấu tổ chức, biên chế, lực lượng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quân đội. Bảo đảm khen thưởng động viên kịp thời các cá nhân, đơn vị trong huấn luyện xây dựng đơn vị sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cũng như phòng chống thiên tai và các nhiệm vụ đột xuất khác”.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) bổ sung thêm: Danh hiệu Huân chương bảo vệ Tổ quốc tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân trong lực lượng quân đội, công an quy định tại các Điều 46, 47 nên có sự mở rộng đối tượng. Bởi lẽ trong điều kiện hiện nay, lực lượng quân đội, công an vẫn giữ vai trò nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc nhưng không phải là hoàn toàn tuyệt đối, phải dựa vào sức mạnh quần chúng nhân dân trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Do đó, cần có quy định xét tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc cho các tổ chức, cá nhân ngoài lực lượng quân đội, công an có đóng góp xuất sắc trong công tác đấu tranh, chiến đấu, hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Qua đó để nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân”.

Về danh hiệu vinh dự nhà nước nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) kiến nghị quy định tại tại Khoản 1, Điều 62 nêu đối tượng được xét danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú là những nhà giáo trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục khác. Tôi hết sức băn khoăn về quy định là những nhà giáo trong nhà trường. Từ "trong" ở đây có nghĩa cụ thể là như thế nào? Có phải những nhà giáo này đang làm việc trong nhà trường đó dưới các hình thức như hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, không thời hạn, biên chế thỉnh giảng hay là đã làm viêc nay đã nghỉ hưu hay đã chuyển đi công tác khác.

Nếu không được quy định cụ thể chi tiết thì sẽ dễ gây hiểu lầm trong khi vận dụng tạo kẽ hở pháp luật ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của pháp luật. Đại biểu Phạm Huy Hùng (Tp. Hà Nội) đề nghị bổ sung quy định một số danh hiệu thi đua cho các doanh nhân tương tự như các danh hiệu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghệ thuật, đồng thời bổ sung các quy định về quản lý nhà nước đối với việc các tổ chức, cá nhân tổ chức trao giải thưởng, danh hiệu cho các doanh nghiệp, doanh nhân, sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp cũng như các danh hiệu khen thưởng khác. Hiện nay việc trao các danh hiệu quá nhiều và gây ra nhiều ý kiến khác nhau, bởi vậy việc quy định các quy trình và tiêu chí cho các hoạt động đó cần được quy định thành luật để chuẩn hóa các danh hiệu này.

Quán triệt tinh thần “giảm bớt các hình thức khen thưởng nhà nước”, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các đề xuất trên trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật.

HL

Bình luận

ZALO