Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 09:53 GMT+7

Phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc ở Ba Chẽ

Biên phòng - Ba Chẽ là huyện miền núi nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) chiếm 81% dân số toàn huyện. Trải qua những thăng trầm lịch sử, cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ đã tạo dựng nên các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hoá dân tộc Việt Nam.

Câu lạc bộ hát Then ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Ái Vân

Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hoá ngoại lai nhanh chóng du nhập vào đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS, tác động đến văn hoá truyền thống dẫn đến mai một, lai căng nền bản sắc văn hoá dân tộc. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số, huyện Ba Chẽ đã thực hiện Nghị quyết số 11 /2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ba Chẽ đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng đề án, đầu tư thiết chế văn hoá, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, không ngừng chăm lo đời sống văn hoá cho người dân.

Đạp Thanh là xã miền núi của huyện Ba Chẽ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Tày, tháng 8/2022, xã Đạp Thanh thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát then dân tộc Tày với 15 thành viên quy tụ những thành viên yêu ca hát, một lòng muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình.

Lúc mới được thành lập, xã đã mời các nghệ nhân hát then đàn tính ở huyện Bình Liêu về truyền dạy cho các thành viên của CLB. Ban đầu các thành viên đều rất bỡ ngỡ khi được làm quen với cây tính. Sau một thời gian luyện tập, các thành viên dần đam mê. Là một trong những thành viên hát hay, đàn tính giỏi, ông Bùi Văn Hoa ở thôn Bắc Cáp, xã Đạp Thanh tận tình hướng dẫn các thành viên trong CLB trong quá trình tập luyện, giúp các thành viên cách hát then cổ và những bài then ca ngợi quê hương, đất nước, đồng thời dạy mọi người cách đánh đàn tính. Ông Hoa chia sẻ, mới đầu tập ai cũng thấy khó, mình hướng dẫn cho mọi người những gì mình biết thôi, sau một thời gian, chị em nào cũng biết hát, biết đàn cả. Đến nay, nhiều anh chị trong CLB đàn hát rất hay, thường xuyên được đi giao lưu ở các xã khác.

Câu lạc bộ thêu thổ cẩm của người Dao Thanh Y ở xã Nam Sơn. Ảnh: Ái Vân

Bà Dưng Thị Chiến, Chủ tịch UBND xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ cho biết: Để CLB hoạt động hiệu quả, xã đã hỗ trợ trang phục, nhạc cụ biểu diễn, chi phí hoạt động của CLB, đây là động lực để động viên, kích lệ các thành viên trong CLB tiếp tục duy trì và phát triển. Xã thành lập CLB Hát Then đàn tính là để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Tày, đến nay CLB hoạt động rất hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi có chủ trương thành lập thêm CLB hát Sóong Cọ, dự kiến tổ chức “Lễ hội dân tộc Tày” để bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Dân tộc Dao là dân tộc thiểu số có dân số đông nhất trong số các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Chẽ, với gần 10.000 người, chiếm 44,8% dân số toàn huyện. Người Dao ở Ba Chẽ gồm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Dao Lô Gang, họ sinh sống tập trung ở các xã Nam Sơn, Đồn Đạc, Lương Mông... Đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao rất phong phú, thể hiện qua các lễ hội, trang phục truyền thống, phong tục tập quán... Việc bảo tồn văn hóa dân tộc Dao luôn được chính quyền huyện Ba Chẽ quan tâm.

Giữa năm 2023, Uỷ ban MTTQ huyện Ba Chẽ đã thành lập mô hình “Giữ gìn trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y” ở xã Nam Sơn. Mô hình có 26 thành viên, hoạt động tự nguyện, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban MTTQ huyện. Khi tham gia mô hình, các thành viên được tìm hiểu về bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao và nhiều nét văn hóa đặc sắc khác, mong muốn của mọi người được lan toả bản sắc văn hóa dân tộc Dao đến với các với tất cả mọi người, trong đó có trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y và những làn điệu dân ca Dao.

Ông Hoà Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ cho biết, CLB sinh hoạt rất đều, định kỳ một tháng 2 lần. Những hôm trời mưa chị em không đi làm đồng được cũng tập trung tại nhà văn hoá để học thêu, học những bài hát cổ để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.Chị em rất tâm huyết, có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhất là bộ trang phục truyền thống của chị em phụ nữ, rất đặc sắc.

Thực hiện Dự án số 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” (gọi tắt là Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, Ba Chẽ đã xây dựng nhà truyền thống cộng đồng người Dao, đây là một thiết chế văn hoá nằm trong đề án nhằm ngăn chặn sự mai một bản sắc văn hoá dân tộc trước sự tác động của quá trình phát triển. Đến với nhà cộng đồng người Dao mỗi người sẽ có một cảm nhận ấn tượng về không gian văn hoá đậm đà bản sắc, với những gam màu độc đáo tái hiện phong tục tập quán công cụ, dụng cụ trong lao động sản xuất, sinh hoạt của người Dao. Những năm qua, huyện Ba Chẽ đã nỗ lực gìn giữ những nét đẹp đặc trưng của cộng đồng các dân tộc gắn phát triển du lịch với bảo tồn phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số.

Ông Bùi Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Ba Chẽ nói: Trong thời gian tới chúng tôi coi nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hoá trên địa bàn huyện là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là trọng tâm của nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo. Chúng tôi cũng xác định, hàng năm dành nguồn kinh phí để đầu tư về cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng hoạt động các lễ hội; bảo tồn bản sắc văn hoá trên địa bàn huyện, để hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số thêm đặc sắc, phong phú, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, gắn với phát triển kinh tế.

Từ sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực của huyện Ba Chẽ trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, đồng bào các dân tộc thiểu số đã nhận thức rõ hơn về giá trị và ngày càng tự hào hơn bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Từ đó có trách nhiệm giữ gìn, truyền dạy cho con cháu những nét đẹp văn hoá truyền thống, từng bước khôi phục thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

Ái Vân

Bình luận

ZALO