Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:09 GMT+7

Phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cách biên giới Campuchia chừng vài trăm bước chân, những người qua kẻ lại đều nằm trong tầm quan sát của bà con địa phương. Có gì khả nghi, họ đều báo cho BĐBP....

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kiên Giang tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng An

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG) trong tình hình mới” đã khẳng định: BGQG có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ BGQG, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang các cấp, các ngành mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới.

Quán triệt chỉ thị trên, nhiều năm qua, công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG đã trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, nhân dân là chủ thể, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, là lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững BGQG.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” (“Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ”, đăng trên báo Cứu quốc, số 77, ngày 29-10-1945). Nhờ bám, nắm địa bàn, gần gũi với cấp ủy, chính quyền, sâu sát với nhân dân, biết phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tôn giáo, BĐBP đã phát huy được những giá trị đạo đức, ý thức của toàn dân trong bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Đến nay, cả nước có 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, hàng chục ngàn người dân đăng ký tự quản gần 3.500km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới...

Với tâm niệm “một nhà là một pháo đài”, người dân vùng biên giới luôn đồng hành, chung tay góp sức cùng BĐBP thực hiện nhiệm vụ, bằng tất cả khả năng của mình. Ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cách biên giới Campuchia chừng vài trăm bước chân, những người qua kẻ lại đều nằm trong tầm quan sát của bà con địa phương. Có gì khả nghi, họ đều báo cho BĐBP.

Họ yêu quê hương, yêu đất nước bằng từng hành động nhỏ, bằng cách bày tỏ rất chân chất, mộc mạc mà đầy quyết tâm. Ông Lư Văn Phước (59 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi ở đây 4 đời, bám trụ mảnh đất quê hương làm vườn, làm rẫy. Sinh sống ở biên giới, ai cũng phải có trách nhiệm để ý quan sát, không để kẻ lạ mặt xâm nhập. Quê hương xứ sở của mình, mình không gìn giữ thì ai giữ hộ bây giờ?”.

Tuy nhiên, đời sống của nhân dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, vất vả. Từ chỗ thấu hiểu những khó khăn, vất vả ấy, bằng lương tâm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính mang quân hàm xanh đã có nhiều mô hình hay, cách làm đa dạng để giúp nhân dân các xã biên giới từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên...

Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân các xã biên giới từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn Biên phòng”; “Bò giống giúp người nghèo biên giới”.. đã từng bước giúp nhân dân trên biên giới nâng cao dân trí, phát triển dân sinh.

Trong thực hiện phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới đã góp phần đưa 101 xã từ yếu, kém lên trung bình, 192 xã từ trung bình lên khá về kinh tế, xã hội. Và đến thời điểm hiện tại, đã có gần 100 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” BĐBP nhận đỡ đầu hàng nghìn lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhận nuôi 355 cháu tại các đồn Biên phòng...

Nghĩa tình quân dân trên biên giới Điện Biên. Ảnh: Đăng An

Thời gian tới, thế và lực của Việt Nam ngày càng được củng cố, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới ngày càng toàn diện, nặng nề, đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP.

Trong bối cảnh đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, BĐBP cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế có liên quan đến BGQG; nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn chống phá, hoạt động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc ở khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thật sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ở khu vực biên giới.

Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới theo Kết luận 68 của Ban Bí thư; cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp; các hoạt động tuyên truyền về Ngày Biên phòng toàn dân; các hoạt động hướng về biên giới, hải đảo; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG trong tình hình mới.

Đăng An

Bình luận

ZALO