Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 09:18 GMT+7

Phát huy tình hữu nghị truyền thống, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới

Biên phòng - Kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay, với phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện.

Bước vào thời đại mới, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt là sau chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (tháng 10/2022) và chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân tới Việt Nam (tháng 12/2023), đã thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới, mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

BĐBP Điện Biên (Việt Nam) tuần tra song phương với Đồn Công an Biên cảnh Khúc Thủy, Đại đội quản lý biên giới Giang Thành (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN

Hiệu quả quan hệ hợp tác

Về quan hệ chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết. Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Từ năm 2008 đến nay, ngoài các chuyến thăm chính thức, hình thức tiếp xúc giữa lãnh đạo cao cấp hai nước đã được làm phong phú hơn, linh hoạt hơn. Lãnh đạo cao cấp hai nước có các hình thức tiếp xúc trao đổi gồm các chuyến thăm lẫn nhau, cử đặc phái viên, thiết lập đường dây nóng, gặp gỡ đại diện hai Bộ Chính trị, trao đổi thư điện, gặp gỡ thường niên và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương. Các cơ chế này đã phát huy tác dụng quan trọng khi cần thiết hoặc trong điều kiện đặc biệt.

Đặc biệt, thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, hai bên đã đưa ra phương hướng, trọng điểm thúc đẩy nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của quan hệ hợp tác, giải quyết vướng mắc trong các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến vấn đề biên giới, lãnh thổ. Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.

Hai nước đã hình thành nhiều cơ chế hợp tác liên quan đến hợp tác quốc phòng - an ninh cả trên đất liền và trên biển, như Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thiết lập cơ chế phối hợp biên phòng 3 cấp (Trung ương, quân khu, cấp tỉnh). Biên giới trên đất liền Việt-Trung duy trì hòa bình, ổn định. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền. Hai bên đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương biên giới hai bên. Hai bên cũng nỗ lực duy trì đàm phán, tăng cường hợp tác, nhằm cùng các bên liên quan kiểm soát bất đồng, quản lý khác biệt phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Trong bối cảnh tình hình thế giới trải qua những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ, hợp tác để cùng đối mặt và vượt qua thách thức chính là cơ hội để hai nước Việt Nam và Trung Quốc tăng cường sự tin cậy chiến lược, tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Định vị mới quan hệ song phương

Trong Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược (được hai bên đưa ra nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân), hai bên nhấn mạnh, kiên định ủng hộ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước kiên trì tự chủ chiến lược, tự chủ lựa chọn con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước mình; kiên trì xử lý thỏa đáng và tích cực giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Hai bên đồng ý kiên trì định hướng chính trị của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, tuân theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt", lấy dịp 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện làm thời cơ, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Tuyên bố chung đã xác lập định vị mới của quan hệ Việt - Trung và 6 phương hướng hợp tác (tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn), mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới.

Qua những chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, có thể thấy, quan hệ hai nước trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao đang phát triển tốt đẹp. Cùng với đó, hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch cũng rất sôi động, đặc biệt từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp hiện nay, Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đã tạo thêm động lực làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, tạo cơ sở để các cấp, các ngành hai bên tích cực đi sâu và mở rộng quan hệ hợp tác, đem lại lợi ích thiết thực cho hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Thu Minh

Bình luận

ZALO