Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 04:36 GMT+7

Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, tiếp tục xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Biên phòng - Bộ đội Biên phòng (BĐBP), tiền thân là Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), được thành lập ngày 03/3/1959. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; chủ trì, phối hợp với các lực lượng duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao là một đòi hỏi mang tính tất yếu khách quan.

Trung tướng Lê Đức Thái.

Ngày 28/3/1959, tại Hà Nội, Lễ thành lập lực lượng CANDVT được tổ chức trọng thể. Cán bộ, chiến sĩ CANDVT đặc biệt vui mừng và xúc động được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và Người huấn thị: “Đoàn kết, cảnh giác/Liêm, chính, kiệm, cần/Hoàn thành nhiệm vụ/Khắc phục khó khăn/Dũng cảm trước địch/Vì nước quên thân/Trung thành với Đảng/Tận tụy với dân”.

Sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng cũng như những lời huấn thị, căn dặn của Người là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao, là định hướng tư tưởng và phương châm hành động cho toàn lực lượng trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; Đảng ủy Quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự đùm bọc của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, biển, đảo, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã không ngừng kế thừa và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân (QĐND) để xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của BĐBP; luôn nhận thức rõ trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với Nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP liên tục có sự phát triển về tổ chức,biên chế và nhiệm vụ, gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước, được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ. Trong đó có 4 nghị quyết đánh dấu sự ra đời và thay đổi tổ chức của BĐBP, gồm: Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) “Về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương” (sau đổi là lực lượng CANDVT) đánh dấu sự ra đời lực lượng CANDVT (nay là BĐBP); Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) “Về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng CANDVT sang Bộ Quốc phòng”; Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Chuyển giao lực lượng BĐBP cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”; đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”.

Nghị quyết xác định: "Nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới rất toàn diện và phức tạp bao gồm: Bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống xâm nhập trái phép và chống buôn lậu qua biên giới, bảo vệ tài nguyên của đất nước; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng. Đó là nhiệm vụ rất to lớn, nặng nề và lâu dài nhằm góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Nhân dân ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN". Nghị quyết cũng khẳng định: "Để BĐBP đảm đương tốt vai trò nòng cốt huy động và phối hợp với các lực lượng vũ trang khác, các ngành, các đoàn thể và Nhân dân địa phương trong nhiệm vụ bảo vệ và quản lý vùng biên giới quốc gia, Bộ Chính trị quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ về Bộ Quốc phòng". Ngay sau đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 8/9/1995 "Về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới".

Khi mới thành lập, tuy trang bị còn rất thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt... nhưng mọi cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, vận động Nhân dân định canh, định cư, dựng làng, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến Nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội.

Giai đoạn 1965-1975 là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ - ngụy giải phóng dân tộc, các đơn vị CANDVT tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1975, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất nhưng bọn phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”. Trước tình hình đó, toàn lực lượng đã tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm, vận động Nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, cùng các đơn vị của QĐND, Công an nhân dân và Nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân FULRO, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam; trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1975-1978), biên giới phía Bắc (1979) và chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển, đảo, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

Trung tướng Lê Đức Thái cùng các đại biểu tham quan tại Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh - đơn vị điểm về xây dựng chính quy, vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Ảnh: Xuân Hùng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ và thuận lợi; tuy nhiên, các thế lực thù địch thường xuyên ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP. Nhiệm vụ công tác biên phòng thời kỳ này rất toàn diện và nặng nề, bao gồm: Bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống của Nhân dân, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở biên giới; tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các ngành, các lực lượng và vận động quần chúng Nhân dân xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Trước tình hình đó, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, đẩy mạnh xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, coi đây là nội dung cơ bản chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu của BĐBP, đảm bảo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CANDVT trước đây, BĐBP ngày nay luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó. Toàn lực lượng BĐBP đã hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ nhất - 1979, lần thứ hai - 2009) và được tặng thưởng một Huân chương Sao Vàng, ba Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập hạng Nhì, hai Huân chương Quân công hạng Nhất và một Huân chương Quân công hạng Ba, ba Huân chương Lao động; nhiều đơn vị, cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, diễn biến nhanh, khó lường; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố, các yếu tố an ninh phi truyền thống sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự của các nước. Vấn đề chủ quyền biên giới, lãnh thổ, nhất là trên Biển Đông sẽ diễn biến phức tạp hơn. Tình hình chính trị - xã hội của đất nước cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục phát triển, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Trên một số tuyến, địa bàn biên giới, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa Quân đội”. Hoạt động của các loại tội phạm có tổ chức, xuyên biên giới ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn, nhất là tội phạm về ma túy, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của quân và dân ta sẽ còn lâu dài, khó khăn; thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đời sống của một bộ phận Nhân dân và lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn…

Yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới ngày càng toàn diện, nặng nề và phức tạp. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tập trung xây dựng BĐBP theo một số nội dung định hướng cơ bản sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, Biên phòng và nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhất là Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia; Nghiên cứu nắm chắc tình hình, làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh cũng như về công tác biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP. Xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về biên phòng, biên giới quốc gia; rà soát văn bản quy phạm nội bộ theo thẩm quyền để đồng bộ, thống nhất với Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết.

Thường xuyên quán triệt sâu sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động nắm, đánh giá, dự báo tình hình từ sớm, từ xa; triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xử trí, giải quyết thắng lợi các tình huống xảy ra trên biên giới, biển, đảo; đảm bảo không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh theo hướng hiện đại tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong công tác chỉ huy, điều hành, kiểm soát xuất nhập cảnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, bảo đảm cho BĐBP thực hiện tốt ba chức năng quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới, cửa khẩu; trong thời bình là quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng; khi có chiến tranh hoặc xung đột biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến phòng thủ được phân công trong thế trận phòng thủ chung trên địa bàn. Hệ thống tổ chức BĐBP phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, thông suốt, nhanh chóng và có hiệu lực trong công tác biên phòng và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành có liên quan và Nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành việc kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế của BĐBP phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống tổ chức của BĐBP; xây dựng BĐBP theo hướng tinh, gọn, mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đảm bảo nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Biên phòng và xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Ba là, xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của BĐBP, để BĐBP thực sự là lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trong đó, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; ý chí quyết tâm, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; có trình độ văn hóa và kiến thức về mọi mặt ngày càng cao; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng BĐBP, của QĐND Việt Nam.

Chủ động và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "phi chính trị hóa Quân đội" của các thế lực thù địch, phản động. Tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, những biểu hiện cơ hội, trục lợi, thực dụng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có sức miễn dịch tốt để phòng chống sự xâm nhập, lây lan của những hiện tượng tiêu cực trong nội bộ, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng trong Quân đội.

Xây dựng các tổ chức đảng trong BĐBP thực sự trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, là hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết, phát huy hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng trong toàn Đảng bộ. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong toàn lực lượng, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 1/7/2020 của Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, hải đảo; tăng cường quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức lực lượng; duy trì nghiêm nền nếp chế độ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”; tiếp tục triển khai quyết liệt Chỉ thị 173-CT/ĐU ngày 3/7/2021 của Thường vụ Đảng ủy BĐBP và Kế hoạch số 3088/KH-BĐBP ngày 6/8/2021 của Bộ Tư lệnh BĐBP về Tăng cường giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, bảo vệ nội bộ; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật và bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng huấn luyện và giáo dục-đào tạo. Huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng BĐBP có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, chuyên sâu, am hiểu pháp luật, tinh thông nghiệp vụ; năng lực tư duy sáng tạo, quyết đoán, khả năng thích ứng nhanh, xử trí hiệu quả các tình huống, làm chủ trang bị kỹ thuật mới. Toàn lực lượng có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao; hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến bảo vệ biên giới, vùng biển, tác chiến khu vực phòng thủ, bảo vệ đồn, trạm; diễn tập xử lý các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, giải quyết các "điểm nóng" và tham gia nhiệm vụ đấu tranh chính trị, xử lý tình huống quốc phòng, qua đó nâng cao trình độ tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu, nhất là ở các đồn, trạm, hải đoàn, hải đội Biên phòng. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết về nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, điều lệnh, kỷ luật và đảm bảo an toàn. Đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện sát với tình hình, đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị của BĐBP. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Năm là, xây dựng BĐBP vững mạnh về hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống đồn, trạm Biên phòng, cửa khẩu, công trình bảo vệ biên giới, công trình chiến đấu liên hoàn, khép kín, kiên cố, vững chắc, bảo đảm đủ khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phòng thủ trong mọi tình huống.

Ưu tiên đầu tư đồng bộ trang bị, phương tiện nghiệp vụ quản lý, bảo vệ biên giới, nhất là các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho công tác chỉ huy, quản lý, kiểm soát cửa khẩu, trinh sát kỹ thuật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, thông tin, phương tiện tuần tra, kiểm soát như tàu, xuồng tuần tra cao tốc… để nâng cao chất lượng bám nắm tình hình, hoạt động ở biên giới, trên biển đạt hiệu quả cao, đồng thời hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tiếp tục nghiên cứu, mua sắm các loại vũ khí, trang bị phù hợp với điều kiện hoạt động chiến đấu của BĐBP, bảo đảm gọn, nhẹ, cơ động và hiệu quả. Huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị bảo đảm tác chiến, phối hợp tác chiến thắng lợi khi có tình huống.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, BĐBP phải được xây dựng vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Bình luận

ZALO