Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:16 GMT+7

Phát huy truyền thống, xây dựng Cục Chính trị BĐBP theo hướng “chuyên nghiệp, mẫu mực, đi đầu” trong giai đoạn mới

Biên phòng - Sau khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) được thành lập ngày 3-3-1959, ngày 23-4-1959, Bộ Công an đã ra Nghị định số 153/NĐ về việc “Thành lập 4 Cục gồm: Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Trinh sát, Cục Hậu cần thuộc Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương”, từ đây chính thức đánh dấu sự ra đời của Cục Chính trị CANDVT (nay là Cục Chính trị BĐBP). Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Chính trị đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ chủ trì tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong toàn lực lượng. Có thể khẳng định CTĐ, CTCT luôn là linh hồn, mạch sống, là nhân tố quyết định bản chất cách mạng của BĐBP và làm cho BĐBP ngày càng lớn mạnh.

7tls_6
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn cùng đoàn công tác Cục Chính trị BĐBP tặng quà cứu trợ nhân dân vùng lũ xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa sau cơn bão số 4, tháng 9 năm 2018.

Ngay trong giai đoạn đầu mới thành lập (1959 - 1965) lực lượng CANDVT vừa tổ chức xây dựng, vừa triển khai chiến đấu bảo vệ biên giới và nội địa miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Cục Chính trị đã làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn các mặt CTĐ, CTCT trong xây dựng và củng cố lực lượng, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến. Tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương (nay là Bộ Tư lệnh BĐBP) phát động phong trào thi đua: “Tiến nhanh vượt mức kế hoạch” (năm 1959), “5 tốt” (năm 1960), “Tiên tiến” (năm 1961) trong toàn lực lượng. Kịp thời giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thử thách, nhanh chóng triển khai lực lượng xây đồn, lập trạm, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và Thủ đô Hà Nội; tuyên truyền vận động nhân dân lập bản, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời.

Trên khắp miền biên cương, bờ biển và giới tuyến, nơi đâu cũng sôi nổi, hừng hực khí thế thi đua, như: CANDVT Vĩnh Linh với phong trào “Coi đồn là nhà”; Tiểu khu 15 CANDVT Tây Bắc với phong trào “Coi biên giới là quê hương thứ hai”; CANDVT Nghệ An với phong trào “Giỏi một xóm, biết nhiều nhà”... Các Đội Vận động quần chúng (VĐQC) đã không quản gian khó, lăn lộn trên biên giới, hải đảo, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Nhiều CBCS đã nêu cao phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới củng cố cơ sở chính trị, lao động, sản xuất, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới. Trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ biên giới, tiêu biểu như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thọ...

Bước sang giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc (1965 - 1975), quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ của BĐBP, toàn lực lượng đã tiến hành tốt CTĐ, CTCT, động viên CBCS tích cực tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự, các mục tiêu quan trọng ở nội địa và chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam. Nhiều CBCS đã lăn lộn trong bom đạn cứu dân, cứu tài sản Nhà nước; tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới và các mục tiêu nội địa; bảo vệ an toàn tuyến hành lang vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ sau năm 1975, Cục Chính trị tập trung chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCT trong các đơn vị trên toàn tuyến biên giới, biển, đảo cả nước, trong đó đối với các đơn vị phía Nam tập trung đấu tranh trấn áp các tổ chức phản cách mạng gây bạo loạn, ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng phản động, gián điệp, tình báo, biệt kích; truy bắt ngụy quân, ngụy quyền trốn trình diện.

Trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTĐ, CTCT trong bảo vệ biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tích cực tham mưu kiện toàn các tổ chức Đảng; bố trí lại các đồn, trạm; chỉ đạo, hướng dẫn công tác VĐQC giải quyết xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới; CTĐ, CTCT trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, đấu tranh chống buôn lậu; ngăn chặn người vượt biên, vượt biển trái phép. 

Phát huy tính năng động, sáng tạo, Cục Chính trị đã chủ động, tích cực tham mưu triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực như: Đã chủ trì tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP xây dựng, triển khai 19 mô hình, phong trào, sáng kiến tiêu biểu để giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới. Các đơn vị đã bố trí 332 “cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn”, nhiều đồng chí được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền; phân công 1.447 đảng viên ở đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới và phụ trách giúp đỡ hàng nghìn hộ gia đình ở khu vực biên giới. Đội ngũ cán bộ này đã góp phần bồi dưỡng, giới thiệu hàng nghìn thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số vào Đảng, xóa gần 600 thôn, bản “trắng” đảng viên.

Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP đã mở trên 300 lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho gần 10.000 học viên; đỡ đầu gần 3.000 học sinh Việt Nam, trong đó, giúp gần 200 học sinh nghèo nước bạn Lào, Campuchia trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ngoài ra, trực tiếp tham gia bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh, dân tộc La Hủ ở Lai Châu và tộc người Đan Lai ở Nghệ An, triển khai thực hiện các chương trình: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; tổ chức chương trình giao lưu “Âm vang biên giới”; “Biên cương thắm tình hữu nghị”; xây dựng phim “Ký sự Biên phòng”; “Ký sự biển đảo”, “Những trang sử biên thùy” có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu rộng... 

Bước vào thời kỳ mới, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995  của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, Cục Chính trị đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp đề nghị Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, quyết định có tính chiến lược như: Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 28-3-1997 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo”; Quyết định số 16/QĐ-HĐBT, ngày 22-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) “Về tổ chức Ngày biên phòng”; Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề xây dựng và bảo vệ biên giới: Luật Biên giới quốc gia; Pháp lệnh BĐBP; đặc biệt, ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia...

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP

Bình luận

ZALO