Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:24 GMT+7

Phát huy vai trò người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ chính trị

Biên phòng - Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế luôn coi trọng, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín (NCUT) trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Đồng bào các dân tộc cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế tuần tra biên giới. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Tại Hội nghị giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa đại biểu dân tộc thiểu số (DTTS), NCUT trong đồng bào DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới năm 2024 do Ủy ban Dân tộc và tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức (tháng 8/2024), Trung tá Hồ Văn Việt, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: BĐBP Thừa Thiên Huế được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới đất liền dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào có chiều dài hơn 80,63km, gồm 12 xã biên giới thuộc huyện A Lưới. Trên khu vực biên giới, đồng bào DTTS chiếm hơn 91% dân số, đa số là các dân tộc: Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới được cải thiện, nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Song khu vực biên giới có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, địa hình, đất đai thổ nhưỡng không thuận tiện cho sản xuất, trình độ dân trí, mức sống của đồng bào còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình của các địa phương trong tỉnh, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội vẫn còn tồn tại... Những yếu tố trên đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quán triệt quan điểm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách, do vậy, bên cạnh sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các lực lượng vũ trang trên địa bàn, nhất là với Công an, Quân sự, BĐBP Thừa Thiên Huế luôn chú trọng phát huy sức mạnh của quần chúng trong thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” và “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới”.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quan điểm “Dân là gốc” của Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy BĐBP, Tỉnh ủy về công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, BĐBP Thừa Thiên Huế luôn dựa vào dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, mà trước hết là phát huy vai trò của già làng, NCUT trong đồng bào các dân tộc để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn.

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, NCUT ở khu vực biên giới trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế giúp đỡ đồng bào huyện A Lưới tuốt lúa trong mùa vụ. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Hiện nay, 12 xã thuộc huyện biên giới A Lưới có 52 già làng, trưởng thôn, NCUT tiêu biểu. Họ có cùng ngôn ngữ, văn hóa, am hiểu phong tục tập quán của địa phương và được nhân dân tín nhiệm, vì vậy, đã thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần cho đồng bào. Bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, họ gương mẫu thực hiện, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm tình hình, phát hiện, cung cấp thông tin và tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác hòa giải cơ sở, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng; tích cực phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong thôn, bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tộc người, bài trừ các tập tục lạc hậu; vận động đồng bào tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới quốc gia...

"Già làng, trưởng bản, NCUT ở khu vực biên giới là cầu nối giữa BĐBP và cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, là cánh tay nối dài của BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" - Trung tá Hồ Văn Việt khẳng định.

BĐBP Thừa Thiên Huế đã thông qua già làng, trưởng bản, NCUT để nắm chắc tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác hòa giải tại cơ sở; phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời phát hiện những thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, để kịp thời tham mưu điều chỉnh, khắc phục, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, những vấn đề nổi lên, không để xảy ra khiếu kiện, tập trung đông người tạo thành “điểm nóng”. Những đóng góp của già làng, trưởng bản, NCUT đã góp phần giúp đồng bào tỉnh Thừa Thiên Huế hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng DTTS dọc tuyến biên giới; nâng cao cảnh giác trước những âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ý nghĩa, tầm quan trọng và cùng chung tay hành động để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển giữa Việt Nam - Lào.

Phương Liên

Bình luận

ZALO