Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:15 GMT+7

Phát huy vai trò nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 và xuất nhập cảnh (XNC) trái phép” ở khu vực biên giới do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các Tỉnh, Thành ủy biên giới phát động đã góp phần huy động được sức mạnh to lớn của đồng bào các dân tộc nơi biên giới trong công tác PCD và chống XNC trái phép. Qua đó, ngăn chặn hiệu quả hoạt động XNC trái phép, cũng như nguồn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn biên giới.

Cán bộ BĐBP An Giang vận động đồng bào dân tộc Chăm thực hiện tốt công tác PCD và tham gia tố giác hoạt động XNC trái phép qua biên giới. Ảnh: Khánh An

Khi nhân dân là “tai”, là “mắt”

Ngày 8-6, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tổ chức xét xử sơ thẩm 4 bị can: Nguyễn Văn Út (34 tuổi) và Phạm Tấn Lợi (33 tuổi), đều trú tại huyện Nhà Bè, thành phố (TP) Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kim Huy (54 tuổi, trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) và Nguyễn Như Nhỏ (61 tuổi, trú tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) về tội "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép".

Theo cáo trạng, từ ngày 30-3 đến ngày 15-4-2021, Út, Nhỏ và Lợi đã 3 lần đưa 47 người Trung Quốc từ Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đến nghỉ tại nhà trọ Anh Đào (TP Long Xuyên) do Huy làm chủ, rồi đưa xuống khu vực biên giới các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và TP Hà Tiên (Kiên Giang) để xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Út 9 năm tù, Nhỏ và Huy cùng 7 năm tù, Lợi 5 năm tù. Điều đặc biệt là từ nguồn tin tố giác do quần chúng nhân dân cung cấp, vụ án đã được triệt phá thành công.

Trước đó, ngày 3-6, BĐBP Tây Ninh trao thưởng 8 triệu đồng cho chị T.X (sinh năm 1982, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, là tài xế taxi) vì đã có hành động dũng cảm tố giác tội phạm XNC trái phép qua biên giới. Cụ thể, đêm 11-5, trong lúc đang chạy xe tại khu vực huyện biên giới Châu Thành, nghi ngờ một người khách liên quan đến việc đưa đón người XNC trái phép, chị T.X đã nhanh trí báo cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân. Từ tin báo này, khoảng 0 giờ 30 phút, ngày 12-5, đơn vị đã bắt giữ 2 người phụ nữ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang ngồi trên xe taxi do chị T.X lái. Sau thời gian điều tra, truy xét, ngày 28-5, Công an huyện Châu Thành đã bắt giữ tiếp 2 đối tượng cầm đầu tổ chức đưa đón người XNC trái phép qua biên giới.

Địa hình biên giới một số tỉnh phía Nam chủ yếu là đồng bằng, có sông và nhiều kênh, rạch, đường mòn. Các đối tượng thường lợi dụng để XNC trái phép và vận chuyển hàng lậu. Chính vì thế, Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang nhận định: “Biên giới An Giang dài gần 100km, địa hình phức tạp, muốn hoàn thành nhiệm vụ phải biết dựa vào dân, nhờ dân. Bởi vì dân là “tai”, là “mắt”, có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trên biên giới”.

Tại Bình Phước, thông qua hệ thống loa phát thanh, các buổi họp dân, cùng với việc “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, bằng các cách làm hay, sáng tạo, trên quan điểm “mưa dầm thấm lâu”, các đồn Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp người dân trên địa bàn, đặc biệt là bà con dân tộc S’tiêng, Khmer nâng cao nhận thức về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, các đơn vị BĐBP khuyến cáo những gia đình có người thân sinh sống tại Campuchia không qua lại biên giới, phải tuân thủ các biện pháp PCD. Khi phát hiện người XNC trái phép, thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc đồn Biên phòng. Đồng thời, thực hiện “3 không”: Không XNC trái phép; không bao che, tiếp tay cho XNC trái phép; không tổ chức đưa đón, môi giới XNC trái phép...

Từ đó, nhân dân ở khu vực biên giới đã tích cực tham gia PCD và tố giác các hoạt động liên quan đến XNC trái phép. “Thời gian qua, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Bình Phước đã phát hiện, bắt giữ 82 vụ với 206 đối tượng XNC trái phép, trong đó, có nhiều vụ là từ nguồn tin tố giác của quần chúng nhân dân” - Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Chính ủy BĐBP Bình Phước chia sẻ.

Phòng, chống dịch là trách nhiệm chung của tất cả mọi người

Hơn 1 năm nay, BĐBP các tỉnh tuyến biên giới giáp với Campuchia đã huy động tối đa lực lượng, phối hợp với Công an, Quân sự, Hải quan... duy trì thường xuyên hàng trăm tổ, chốt làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn người XNC trái phép và PCD trên biên giới. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ, cùng chung tay PCD và ngăn chặn XNC trái phép qua biên giới, các lực lượng chức năng rất cần sự hỗ trợ, chung sức, đồng lòng của quần chúng nhân dân.

Chính vì vậy, phong trào “Toàn dân tham gia PCD Covid-19 và XNC trái phép” ở khu vực biên giới đã được phát động rộng khắp ở các tỉnh, thành biên giới. Tại An Giang, cuối tháng 5-2021, các đồn Biên phòng phối hợp với địa phương tổ chức cho 18/18 xã, phường, thị trấn (có 73/73 khóm, ấp) khu vực biên giới ký kết thực hiện phong trào. Đến nay, BĐBP An Giang đã vận động được gần 35.000 hộ dân ký cam kết tham gia thực hiện phong trào; lắp đặt được 39 hộp thư tố giác tội phạm và 22 đường dây nóng tố giác tội phạm tại khu vực biên giới của tỉnh.

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo PCD Covid-19 huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi còn vận động nhân dân các xã nội địa tích cực hưởng ứng phong trào này, vì PCD là trách nhiệm chung của tất cả mọi người”. Tính đến ngày 9-6, trong tỉnh An Giang có 16 trường hợp nhiễm Covid-19 (15 trường hợp nhập cảnh trái phép, 1 trường hợp tái dương tính). Điều đó cho thấy hiệu quả của việc kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, tất cả các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới, không để sót lọt người XNC trái phép, trốn cách ly.

Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy BĐBP Tây Ninh cho biết, trên tuyến biên giới dài 240km của tỉnh Tây Ninh, các đối tượng thường lợi dụng để buôn lậu và XNC trái phép, nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp phía Campuchia. Để bảo vệ biên giới và tham gia PCD, đơn vị hiện đang duy trì 161 tổ, chốt trên biên giới. Từ đầu năm 2021 đến nay, BĐBP Tây Ninh đã bắt giữ 141 vụ/778 đối tượng XNC trái phép.

Theo ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nếu một người bị nhiễm Covid-19 nhập cảnh trái phép qua biên giới, hậu quả của nó là rất lớn. Vì địa bàn rộng, ý thức của một số người dân chưa cao, nên việc truy xét gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc Đảng ủy BĐBP phối hợp với các Tỉnh, Thành ủy biên giới tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia PCD Covid-19 và XNC trái phép” ở khu vực biên giới là rất cần thiết, hợp lòng dân. Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã phê duyệt đề án lắp đặt camera quan sát đường biên giới, tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng.

Rõ ràng, phong trào “Toàn dân tham gia PCD Covid-19 và XNC trái phép” ở khu vực biên giới đã mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh của toàn dân, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, từ đó, cùng BĐBP thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "kép", vừa PCD hiệu quả, vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Đến nay, BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia PCD Covid-19 và XNC trái phép” ở 938/1.084 xã, phường, thị trấn với 6.127 thôn, bản biên giới; có 591.329 hộ gia đình, 2.272 chủ tàu, thuyền đã ký cam kết thực hiện các nội dung PCD và tham gia đấu tranh, tố giác hoạt động XNC trái phép ở khu vực biên giới. Phát huy nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện phong trào, các đơn vị BĐBP đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 18.708 buổi/63.985 lượt người nghe; trực tiếp tuyên truyền, vận động được 264.027 hộ/435.027 lượt người; tuyên truyền qua loa phát thanh của địa phương và đồn Biên phòng 7.667 giờ; qua loa kéo của đơn vị được 6.539 giờ; tổ chức phát 212.870 tờ rơi tuyên truyền. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố cũng đã tặng bằng khen cho 34 tập thể và 89 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong tham gia tố giác và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới.

PV

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO