Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 01:20 GMT+7

Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chính phủ thẳng thắn thừa nhận Chương trình này triển khai rất chậm và không đạt yêu cầu đặt ra.

BĐBP Hà Tĩnh giúp bà con thôn 3, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh chỉnh trang lại nhà ở. Ảnh: Thế Mạnh

Tính đến ngày 31/5/2023, Chương trình chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển của năm 2022 và 17,01% vốn đầu tư phát triển của năm 2023, trong khi chỉ còn 2,5 năm nữa để hoàn thành giai đoạn 1 của Chương trình (2021-2025).

Cần phải khẳng định, các nguồn lực, chính sách của CTMTQG đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có những chuyển biến tích cực.

Tiêu biểu như, đến hết năm 2023, 19 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng như: 99,2% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trung bình 91,7%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 90,1%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt trung bình 92,3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trung bình 98,6%; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt trung bình 54,7%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92%...

Tuy nhiên, nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng để đảm bảo tiến độ thực hiện các CTMTQG. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới còn gặp nhiều khó khăn.

Qua giám sát, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra điểm “nghẽn” lớn nhất trong triển khai, thực hiện là quá nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn trong một CTMTQG dẫn đến chồng chéo, thậm chí xung đột trong quá trình chi đạo, điều hành.

Đơn cử, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành Trung ương.

Bất cập trên khiến cho các địa phương chỉ giải ngân được 44,6% vốn Trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn I (gần 115.000 tỷ đồng), nhưng giải ngân được 98,9% đối với vốn đối ứng của địa phương. Điều này cho thấy, nếu là thẩm quyền địa phương giải quyết rất nhanh nhưng phần việc thuộc thẩm quyền Trung ương quy định lại rất nhiều vướng mắc.

Đáng lo ngại là một số địa phương chưa quan tâm đến triển khai thực hiện CTMTQG. Thậm chí, các tỉnh Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Bến Tre chưa ban hành hướng dẫn phân quyền chủ động cho cơ sở thực hiện các chương trình. Mặt khác, các dự án triển khai ở nhiều nơi rất manh mún, dàn trải, trong khi vốn giải ngân chậm nên không hiệu quả.

CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Thiết nghĩ, trên tinh thần nhìn thẳng vào những vướng mắc, lắng nghe ý kiến của cơ sở, các bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo điều hành, thông tư hướng dẫn... để các địa phương cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo các CTMTQG thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả.

Trong đó, việc sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định còn bất cập trong triển khai thực hiện CTMTQG sẽ giúp các địa phương chủ động phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình; phân quyền cho cở sở thực hiện và xây dựng chính sách thu hút đầu tư, tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO