Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 08:26 GMT+7

Phát triển du lịch gắn với trải nghiệm khám phá văn hóa Khmer

Biên phòng - Những năm gần đây, du lịch văn hóa Khmer các tỉnh, thành phố (TP) có đông đồng bào Khmer sinh sống đã có nhiều bước phát triển đáng kể, được xem là một nét mới, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn mang tính đặc thù của đồng bào dân tộc, thu hút du khách trải nghiệm khám phá.

Chị Thạch Sa Ry giới thiệu những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Khmer để du khách lựa chọn. Ảnh: Phương Nghi

Thưởng thức các loại hình âm nhạc truyền thống

Đối với bà con dân tộc Khmer, môi trường và không gian các chùa là nơi góp phần gìn giữ và duy trì những phong tục, tập quán, đời sống tinh thần qua nhiều thế hệ. Những sinh hoạt văn hóa được đồng bào Khmer bảo tồn thể hiện sức sống mãnh liệt qua các loại hình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống. Vì lẽ đó, chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã thành lập Đội văn nghệ nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa đến thưởng ngoạn cảnh chùa.

Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán bày tỏ: “Từ khi có Đội văn nghệ, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng nhiều hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì nghệ thuật Khmer vẫn còn nguyên sức sống mãnh liệt...”.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chùa Xiêm Cán có nghệ thuật kiến trúc đẹp, mang bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ. Đến đây, du khách rất thích thú khi được thưởng thức những điệu múa Khmer mượt mà, uyển chuyển của các thiếu nữ xinh đẹp của Đội văn nghệ biểu diễn và thật ngỡ ngàng trước vũ điệu Apsara, múa gáo, múa Răm vông mang đậm màu sắc dân tộc Khmer”.

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, nên hoạt động của Đội văn nghệ cần có sự quan tâm và hỗ trợ nhiều từ phía ngành chức năng để có thể phát huy hết khả năng. Riêng về Đội văn nghệ, trong hoạt động biểu diễn cần chú trọng đến hình thức và nội dung sao cho phù hợp với từng đối tượng du khách và phải lên kế hoạch, lịch trình cụ thể. Để từ đó, chùa Xiêm Cán không chỉ được mọi người biết đến là một danh thắng, mà còn là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer”.

Hiện nay, nhiều chùa Khmer có đông đồng bào Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan. Thượng tọa Kim Mạnh, Trụ trì chùa Kompong Đung (xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cho biết: Chùa Kompong Đung được ngành du lịch quan tâm, chọn làm điểm tham quan du lịch của tỉnh, từ đó, đồng bào ở các nơi khác tìm đến chùa nhiều hơn. Bà con có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nhờ đó, phong tục tập quán của đồng bào Khmer cũng được bảo tồn và phát huy.

“Với chủ trương phát triển du lịch gắn với phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, chùa được tỉnh hỗ trợ kinh phí trùng tu chánh điện. Năm 2020, tỉnh đã tặng cho chùa một bộ nhạc ngũ âm và thiết bị âm thanh, ánh sáng... để trưng bày và phục vụ du khách nhân các dịp lễ truyền thống của dân tộc, hoặc theo yêu cầu của du khách” - Thượng tọa Kim Mạnh chia sẻ.

Tiềm năng du lịch trải nghiệm

Tại Sóc Trăng, nhiều ngôi chùa Khmer có hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá. Đây được xem là một nét mới, bước đầu tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Chị Thạch Sa Ry, phụ trách điểm cho thuê trang phục truyền thống dân tộc Khmer ở chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (khóm 2, phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, điểm phục vụ du lịch này được mở hơn 2 năm, với tâm ý giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc đến du khách gần xa.

“Thời gian gần đây, vào những ngày cuối tuần hay lễ hội, nhiều đoàn du khách đến tham quan chùa, chiêm bái Phật và thuê trang phục truyền thống chụp ảnh, trải nghiệm, khám phá, check-in. Một số khách trang điểm sẵn ở nhà, đến đây chỉ thuê trang phục (lựa chọn theo sở thích) rồi tự kiếm bố cục phong cảnh để chụp ảnh. Nhiều du khách đến tiệm chọn mẫu trang phục, sau đó thuê trang điểm” - chị Sa Ry nói.

Sau mỗi tấm ảnh đẹp, gương mặt rạng ngời của du khách là nhờ bàn tay cần mẫn, tỉ mỉ từ người thợ trang điểm kết hợp hài hòa với những trang phục truyền thống của dân tộc Khmer. Chị Nguyễn Kim Thủy, du khách đến từ TP Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi cảm thấy hào hứng vì nhờ có điểm cho thuê trang phục Khmer của chị Sa Ry, tôi mới được khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của đồng bào Khmer để lưu giữ một chuyến trải nghiệm ở Sóc Trăng trọn vẹn”.

Theo bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ: “Nhiều tỉnh, TP ở đồng bằng sông Cửu Long có chùa Khmer nhưng không có nhiều chùa được khai thác để phục vụ phát triển du lịch. Vì vậy, các tỉnh, TP nên hỗ trợ, định hướng giúp nhà chùa xây dựng các loại hình dịch vụ, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của đồng bào Khmer để thu hút du khách. Trong thời gian tới, chúng tôi sẵn sàng đưa du khách về các chùa nếu được đầu tư hoàn thiện hơn”.

Để khai thác hiệu quả lợi thế này, nhiều chùa Khmer mong muốn chung tay góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và giúp đồng bào có thêm thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách đến chùa tham quan.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO