Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 01:57 GMT+7

Phát triển nghề cá bền vững

Biên phòng - Theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại; số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc. Cả nước sẽ có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587ha.

Ảnh: minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quy hoạch trên đặt ra yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển; phân bổ lại không gian bảo tồn, bảo vệ, khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng nguồn lợi, bảo vệ môi trường. Thuận lợi cho các địa phương ven biển là sau 7 năm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đang từng bước tiến tới phát triển một ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, số lượng tàu cá đến đầu năm 2024 giảm 6.292 chiếc so với năm 2022 và cường lực khai thác đã giảm xuống 3,861 triệu tấn để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi hải sản. Đến nay, cơ sở hạ tầng thông tin nghề cá từng bước được hoàn thiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá như: cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); 100% tàu cá hoạt động trên biển đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, để hoàn thành các mục tiêu trong quy hoạch, nhiệm vụ quan trọng, lâu dài là chuyển đổi ngành đánh cá từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm. Muốn vậy, phải triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp bao gồm: rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách đầu tư và khuyến khích, thu hút đầu tư hạ tầng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, khoa học - công nghệ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế.

Khi nguồn tài nguyên tự nhiên ngày càng khan hiếm và yêu cầu khai thác thủy sản khắt khe hơn, thì yếu tố quyết định cho phát triển bền vững chính là bước chuyển từ khai thác là chủ yếu sang chủ động nuôi trồng là căn bản.

Thực tế, 5 năm gần đây, những địa phương có thế mạnh trong nuôi biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang... đã đẩy mạnh hoạt động nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ. Chính vì vậy, sản lượng nuôi biển của nước ta đã có bước tiến lớn cả về diện tích lẫn sản lượng.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 1,3 triệu héc ta nuôi nội địa và 9,5 triệu m3 lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5% (bao gồm: 4,3 triệu m3 lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm và 57.000ha nuôi nhuyễn thể). Tổng sản lượng nuôi biển đạt gần 790.000 tấn. Năm 2024, ngành thủy sản đề ra mục tiêu nuôi ổn định 1,3 triệu héc ta, trong đó, nuôi nước ngọt 380.000ha, nuôi mặn, lợ 920.000ha.

Việt Nam là quốc gia ven biển có bờ biển dài hơn 3.200km và một ngư trường rộng lớn, giàu nguồn lợi thủy sản. Môi trường biển cùng hệ thống sông ngòi tạo ra hệ sinh thái đa dạng với những vùng nước mặn, ngọt, lợ thích hợp cho nhiều loài thủy sản có giá trị thương mại cao, là nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Nhưng để khai thác tối đa lợi thế trên, ngư dân, người nuôi trồng, chế biến và doanh nghiệp thủy sản Việt buộc phải hành động thích ứng với sân chơi và luật chơi hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn.

Ngành thủy sản đang đứng trước cơ hội để tạo ra bước chuyển căn bản, nâng tầm từ đánh bắt sang đánh bắt có trách nhiệm và chủ động nuôi trồng, tạo ra giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường. Yêu cầu đó cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành, chứ không chỉ có ngành thủy sản.

Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cần được tổ chức thực thi nghiêm túc, giám sát hiệu quả, thực sự tạo ra bước chuyển mới và không gian phát triển mới cho ngành thủy sản quốc gia.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO