Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 12:45 GMT+7

Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung ở vùng cao Phong Thổ

Biên phòng - Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, có 17 xã, thị trấn, trong đó, có 118 thôn, bản đặc biệt khó khăn, toàn huyện có trên 17.260 hộ, hơn 83.800 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44%, hộ cận nghèo chiếm hơn 17%. Xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung theo vùng là hướng đi bền vững, huyện Phong Thổ đã triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, canh tác từ hình thức nhỏ lẻ sang hình thức hàng hóa gắn với phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân.

Khu vực trồng lúa nương tập trung ở bản Lang, xã Dào San, huyện Phong Thổ. Ảnh: Ái Vân

Ngay sau khi Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND, ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 07) có hiệu lực, gia đình ông Lò Văn Nông, ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ đã đăng ký 30 thùng nuôi ong lấy mật. Được hỗ trợ kinh phí cũng như được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đến nay, ông Nông đã được thu nguồn mật ổn định từ 120 đến 150 lít/năm, giá bán từ 150 đến 200 nghìn đồng/lít. Từ 30 đàn ong ban đầu, ông Nông đã tiến hành tách được thêm 11 đàn. Theo ông Nông, về lâu dài, nếu được huyện quan tâm tìm được đầu ra cho sản phẩm thì chắc chắn cuộc sống của người nuôi ong sẽ ngày càng ổn định hơn.

Còn với Hợp tác xã (HTX) Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ, sau khi được hỗ trợ hơn 260 triệu đồng từ nguồn chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh để xây dựng chuồng trại và hầm bioga, đến nay, HTX Xuân Oanh thường xuyên duy trì đàn ngựa khoảng 30 con, trung bình hằng năm, HTX thu về hàng trăm triệu đồng. Việc được hỗ trợ chuồng trại và hầm bioga giúp HTX Xuân Oanh đảm bảo việc chăm sóc đàn ngựa và không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực nuôi.

Từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07, thị trấn Phong Thổ đã hình thành các trang trại chăn nuôi lợn, ngựa, bò tập trung, vùng nuôi ong, cá nước lạnh... Người dân đã dần thay đổi tập quán canh tác, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Để thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Phong Thổ duy trì diện tích nông nghiệp hiện có, phát triển theo hướng quy mô lớn và hình thành các mô hình HTX liên kết theo chuỗi giá trị, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu chè, mắc ca, lúa, hoa địa lan, phát triển chăn nuôi, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, liên kết sản xuất vào bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện Phong Thổ còn trú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt phổ biến rộng rãi cho người dân về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh.

Nuôi ong lấy mật đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho các hộ dân ở Phong Thổ. Ảnh: Ái Vân

Ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết, để thực hiện tốt các nội dung của nghị quyết đề ra, huyện tập trung vào một số giải pháp như: Rà soát các chỉ tiêu để tập trung nguồn lực thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết từ huyện đến cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả đề án về hạ tầng thiết yếu các vùng hàng hóa tập trung; đổi mới các hình thức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh đổi mới các HTX nông lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án chính sách ở lĩnh vực nông nghiệp.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Phong Thổ đã giải ngân trên 11 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân. Từ chính sách hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi đã giúp các hộ chăn nuôi từ bỏ thói quen thả rông gia súc, chuyển sang phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập.

Với các chính sách ưu tiên đầu tư, các dự án của tỉnh, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, phát triển hạ tầng các khu thiết yếu sản xuất nông nghiệp, huyện Phong Thổ đã phát triển và mở rộng diện tích một số cây trồng chủ lực có lợi thế, mang lại giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Cây mắc ca hơn 400ha; chè gần 700ha; bảo tồn hơn 8.000ha cây chè cổ thụ; duy trì gần 1.400ha cây cao su, khai thác xấp xỉ 1.500 tấn mủ; vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô 230ha gồm các loại lúa đặc sản như tẻ dâu, nếp tan, địa lan; cây ăn quả như: chanh leo, xoài; phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại gồm: 4 cơ sở chăn nuôi đại gia súc, 1 cơ sở chăn nuôi lợn, phát triển mới 1.190 đàn ong, nâng tổng đàn ong của huyện lên 1.340 đàn, mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh gần 3.600m2.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp chế biến. Đã có 5 cơ sở đầu tư vào địa bàn như mắc ca, nông sản tươi và thức ăn chăn nuôi, tập trung đổi mới hình thức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển mạnh 6 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp HTX, hình thành 34 nhóm, hộ phát triển kinh tế, tổ chức hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 1.600 đối tượng tham gia thực hiện gieo trồng và chăn nuôi. Ngoài ra, huyện mở 70 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hơn 2.100 học viên tham gia, xây dựng 3 nhãn hiệu hàng hóa, hình thành nên 20 sản phẩm OCOP, trong đó có 19 sản phẩm nông nghiệp và 1 sản phẩm về du lịch cộng đồng; tiếp tục xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp thông qua các hội chợ, lễ hội, đưa 100% các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Do vậy, bước đầu đã tạo việc làm, sinh kế cho người dân và thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

Ông Nguyễn Đức Hội, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ cho biết: Thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, đảng bộ, chính quyền thị trấn Phong Thổ đã bắt tay vào triển khai đồng bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân để bà con hiểu được ý nghĩa, mục đích của nghị quyết và cùng bắt tay thực hiện. Nghị quyết 07 đã đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa để đưa Nghị quyết 07 tiếp tục lan tỏa để người dân có động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nghị quyết đề ra.

Ái Vân

Bình luận

ZALO