Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 02:32 GMT+7

Phát triển "kinh tế xanh" từ sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Nhằm khai thác các hoạt động độc đáo của đồng bào các dân tộc trong sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang đã có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ kinh phí giúp đồng bào phát triển các loại hình dịch vụ. Nhờ đó, trong những năm qua, ngành du lịch của tỉnh Hà Giang nói chung và du lịch nông nghiệp trải nghiệm trên địa bàn nói riêng đã được khách du lịch trong và ngoài nước đón nhận.

Phương thức canh tác cày trên nương đá của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được khai thác có hiệu quả trong hoạt động du lịch trải nghiệm. Ảnh: Phạm Văn Phú

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu, Giáy..., mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa đặc trưng và tập quán canh độc đáo trong hoạt động nông nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã khai thác các hoạt động độc đáo trong nông nghiệp của đồng bào các dân tộc phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, khi mở rộng phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao trình độ dân trí và thu nhập cho người nông dân; thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tỉnh Hà Giang đã khai thác và phát huy những phương thức độc đáo trong nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số, có thể kể đến như: Leo thang dây để thu hái chè Shan tuyết cổ thụ; cày trên nương đá của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá; trồng ngô trong các hốc đá, khe đá để nấu rượu ngô men lá; sử dụng hạt của cây hoa tam giác mạch để chế ra loại rượu đặc sản chỉ có ở vùng cao nguyên đá; nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên; chế biến bằng thủ công và thưởng thức chè Shan tuyết của đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, Pà Thẻn, Lô Lô tại 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần; nuôi cá chép trong ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao thu nhập và phục vụ phát triển du lịch tại huyện Hoàng Su Phì; tập quán chăn thả và nuôi dưỡng bò của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn... Đây là những đặc điểm độc đáo trong nông nghiệp chỉ có ở các huyện vùng cao và đã được các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang khai thác để phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm.

Qua các hoạt động độc đáo trong nông nghiệp của đồng bào các dân thiểu số ở Hà Giang đã tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Cam sành (được trồng ở 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên), mận máu ở huyện Hoàng Su Phì, mật ong bạc hà ở huyện Yên Minh và Mèo Vạc, các sản phẩm chè Shan tuyết và Shan tuyết cổ thụ tại các huyện vùng cao, nuôi bò ở 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nuôi cá chép ruộng ở huyện Hoàng Su Phì...

Từ những đặc điểm tự nhiên, phương thức canh tác độc đáo trong nông nghiệp để tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cùng với sự đa dạng về văn hóa ẩm thực... đã giúp Hà Giang có điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm trong nông nghiệp. Trong những năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang đã được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động độc đáo trong nông nghiệp.

Khách du lịch trải nghiệm bắt cá chép trong ruộng bậc thang tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phạm Văn Phú

Tuy nhiên, phần lớn du khách đến đây chỉ mới dừng lại ở mức độ lưu trú, tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh mà chưa có nhiều trải nghiệm với các hoạt động trong đời sống của đồng bào các dân tộc tại các địa phương của tỉnh Hà Giang để cùng thực hiện các phương thức canh tác như cày trên nương đá, canh tác trải nghiệm trên các thửa ruộng bậc thang; thu hái, chế biến và thưởng thức chè Shan hữu cơ; trồng ngô trên các khe đá, hốc đá; thưởng thức thịt bò khô tại 4 huyện cao nguyên đá; trồng lanh dệt vải và cùng thụ hưởng các sản phẩm nông nghiệp độc đáo của địa phương... Vì vậy, Hà Giang vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng sẵn có từ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển du lịch.

Để tạo nguồn sinh kế, giúp người dân vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo từ những hoạt động độc đáo trong nông nghiệp, đồng thời hướng đến loại hình “du lịch xanh”, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số..., Hà Giang đã xác định mục tiêu phát triển du lịch gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, ngành du lịch của tỉnh đã khai thác các hoạt động độc đáo trong nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm thì cần sự phối hợp của các ngành có liên quan, trong đó có việc xây dựng lịch gieo trồng các loại cây lương thực chủ yếu, phương thức canh tác để tạo nên sản phẩm nông nghiệp an toàn cho tiêu dùng và phục vụ khách du lịch...

Phạm Văn Phú

Bình luận

ZALO