Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 12:30 GMT+7

Phát triển thị trường vốn an toàn

Biên phòng - Sau khi các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc thao túng giá, làm giá chứng khoán, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính cảnh báo, rất nhiều DN có tài sản bảo đảm thấp, làm ăn kém nhưng vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn lớn.

Ảnh: minh họa

Hiện tượng đáng lo ngại trên diễn ra trong bối cảnh quy mô của thị trường vốn trong giai đoạn 2016-2021 tăng trưởng bình quân 28,5%/năm và hiện đạt 134,5% GDP năm 2021. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.

Chỉ tính riêng năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường khoảng 1,12 triệu tỉ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong số này, thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143.500 tỉ đồng; khối lượng phát hành trái phiếu DN đạt trên 636.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý là DN trong nước, nhất là mảng bất động sản thời gian qua đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn ngân hàng nhằm hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu. Thị trường trái phiếu DN đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy khi hàng loạt DN có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ, tài sản bảo đảm thấp nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn, với số lượng lên đến gần 51%. Cùng với đó là tình trạng trái phiếu DN bị sử dụng sai mục đích, mức lãi suất cao khiến DN đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như là vỡ nợ.

Thực tế, 62% nhà đầu tư sơ cấp vẫn là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán, và được phân phối lại trên thị trường thứ cấp cho các nhà đầu tư cá nhân. Thế nên, ¾ trái phiếu lưu hành trên thị trường là của DN không niêm yết, với chỉ số tài chính không được công bố rộng rãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, vi phạm trên thị trường chứng khoán có chiều hướng gia tăng. Điển hình là một số DN công bố, cung cấp thông tin sai lệch, thất thiệt và lập nhiều nhóm kín tư vấn lôi kéo nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu nhằm thao túng giá chứng khoán để trục lợi, đặt ra những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Nhiều chuyên gia kinh tế bức xúc, không thể chấp nhận chuyện DN cứ lỗ hoài, có chút tài sản mà phát hành lượng trái phiếu lớn. Do vậy, Nhà nước cần kiểm soát bằng cách định giá rõ ràng tài sản thế chấp của DN và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với DN phát hành và trái phiếu phát hành. Điều này để giúp thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu DN nói riêng phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả.

Nhìn từ vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu hay vụ việc thao túng chứng khoán của chủ tịch Công ty FLC và Công ty chứng khoán Trí Việt có thể thấy rõ công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo và trong thời gian dài, việc giám sát, kiểm tra không được đẩy mạnh.

Nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp lành mạnh hóa thị trường, cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến phát triển thị trường vốn và niềm tin nhà đầu tư.

Thiết nghĩ, Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi hành lang pháp lý để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu DN. Trước mắt, cần phân loại tổng số trái phiếu DN đã phát hành để có giải pháp tình thế và cụ thể phù hợp giúp nhanh chóng ổn định thị trường vốn.

Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành liên quan đến việc minh bạch thông tin DN; quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, công ty chứng khoán, nhà đầu tư; tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO