Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 07:45 GMT+7

Phát triển thương mại biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế

Biên phòng - Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

Người dân Lào chở nông sản sang chợ huyện A Lưới tiêu thụ. Ảnh: Bích Nguyên

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tuyên truyền các nội dung Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về thương mại biên giới.

Tuyên truyền sâu rộng thế mạnh về kinh tế - xã hội, bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch của khu vực biên giới, đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh của huyện A Lưới nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung thông qua các hoạt động giao lưu, thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, trên pano tại khu vực biên giới. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi giữa nhân dân hai bên biên giới.

Tổ chức tập huấn, hội nghị cho cán bộ, công chức quản lý hoạt động thương mại biên giới và các thương nhân, cư dân biên giới trên địa bàn tỉnh về các nội dung của hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào và văn bản hướng dẫn liên quan.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng. Thúc đẩy đưa sản phẩm hàng hóa tiếp cận và thâm nhập thị trường thông qua cửa khẩu, lối mở biên giới Việt Nam - Lào.

Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao UBND huyện A Lưới chủ trì xây dựng điểm sinh sinh hoạt cộng đồng các dân tộc vùng cao A Lưới (chợ vùng cao A Lưới). Sở Công thương chủ trì xây dựng phát triển điểm bán hàng Việt tại các huyện biên giới, đồng thời phối hợp với các tỉnh Salavan, Sê Kong của Lào tổ chức các hội chợ, chợ phiên, hội nghị kết nối tiêu thụ hàng hóa tại khu vực biên giới.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số loại hình hạ tầng thương mại biên giới có vai trò quan trọng trong phát triển giao thương tại khu vực biên giới.

Khuyến khích các địa phương biên giới thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới từ nguồn kinh phí của các cá nhân, tổ chức phù hợp với quy định hiện hành.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính tại cửa khẩu biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh người, phương tiện giao thông qua các cửa khẩu biên giới.

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các cửa khẩu, lối mở biên giới. Nghiên cứu, ký kết các thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại với với tỉnh có chung biên giới.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO