Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 10:36 GMT+7

Phát triển tiềm năng du lịch Lai Châu

Biên phòng - Với lợi thế khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, tỉnh biên giới Lai Châu có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Trong những năm gần đây, địa phương này đã thúc đẩy kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết với thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận để phát triển du lịch, coi đây như một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Bản Sin Suối Hồ đã trở thành điểm du lịch cộng đồng được ưa thích ở Lai Châu. Ảnh: Thúy Hằng

Địa danh đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới trong những địa danh du lịch được ưa thích ở Lai Châu là bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Từ một vùng đất nghèo, nóng bỏng bởi tệ nạn nghiện hút thuốc phiện, giờ đây, Sin Suối Hồ đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Sự “lột xác” này do chính người dân nơi đây tự mình tạo nên.

Sin Suối Hồ có ưu thế rất lớn để làm du lịch cộng đồng. Nơi đây nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, thời tiết mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên đẹp, ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Tận dụng những lợi thế đó, người Mông ở Sin Suối Hồ đã đẩy mạnh làm du lịch cộng đồng. Họ tô đẹp thêm cảnh quan vốn có bằng cách trồng hoa, cây cảnh, cải tạo lại nhà. Người dân Sin Suối Hồ xây dựng các homestay, bungalow, tạo cho du khách nhiều lựa chọn để nghỉ ngơi, thăm quan, ngắm cảnh đẹp của bản làng vùng cao.

Một không gian sống xanh, sống sạch, tươi đẹp, thân thiện với thiên nhiên dần được tạo dựng trong bản Sin Suối Hồ. Đến nay, Sin Suối Hồ có thể phục vụ gần 300 khách lưu trú, khoảng 500 khách ăn uống mỗi ngày. Với những cố gắng của người dân nơi đây, Sin Suối Hồ đã được vinh danh “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Điều này giúp cho dân bản có thêm động lực phát triển du lịch ngày càng tốt hơn. Có thể nói, Sin Suối Hồ là minh chứng điển hình nhất cho sự thành công của loại hình du lịch cộng đồng tại Lai Châu.

Cùng với Sin Suối Hồ, một bản làng khác cũng đã biết cách khai thác tiềm năng, vẻ đẹp riêng có của mình để phát triển du lịch. Điển hình là các cụm bản làng ở thành phố Lai Châu như: Bản Sì Thâu Chải với thác Tác Tình - nơi có dịch vụ bay dù lượn; bản Thẳm phục vụ du khách tìm hiểu văn hóa truyền thống, ẩm thực dân tộc Lự; bản Lao Chải 1 phục vụ du khách thích ngắm hoa hay bản San Thàng với phiên chợ đặc sắc. Những bản làng kể trên đang là minh chứng cho tiềm năng phát triển du lịch thành công của một tỉnh biên giới xa xôi phía Bắc Tổ quốc. Nếu biết cách phát huy thì du lịch sẽ là động lực, là ngành kinh tế mũi nhọn của Lai Châu.

Do đặc thù địa hình núi cao, một số vùng ở Lai Châu như huyện Sìn Hồ, Dào San, Phong Thổ và thành phố Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, mưa thuận gió hòa. Lai Châu còn sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách. Đó là đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ) - cung đèo dài nhất Việt Nam, khu du lịch Cầu kính rồng mây có cầu kính cao nhất Đông Nam Á, khu rừng sinh thái Hoàng Liên, khu sinh thái Tà Tổng, khu du lịch sinh thái thác Tác Tình. Là những đỉnh núi cao trên 3.000m so với mực nước biển mà các phượt thủ đều muốn chinh phục như đỉnh Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử với rừng đỗ quyên tuyệt đẹp. Lai Châu còn có hệ thống hang động vẫn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ như động Tiên Sơn ở Tam Đường, động Pusamcap ở thành phố Lai Châu. Miền đất biên viễn này còn có 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng.

Lai Châu còn có một lợi thế khác là nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, có quốc lộ 4D, quốc lộ 32, 12 và đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Mạng lưới giao thông giúp Lai Châu liên kết với Hà Nội - Điện Biên - Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc), tạo ra một mạch kết nối giao thương hàng hóa và du lịch trên cả tuyến Tây Bắc. Tất cả những yếu tố trên là điều kiện rất tốt để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng độc đáo.

Thực tế, so với giai đoạn trước, du lịch Lai Châu giờ đây đã có những bước bứt phá nổi bật, đang dần dần khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch Tây Bắc. Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày một tăng. Giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch đến Lai Châu đạt 1,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt 14%/năm.

Sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Lai Châu là một lợi thế để địa phương này phát triển du lịch. Ảnh: Bích Nguyên

Sau một năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch Lai Châu đã khởi sắc trở lại với sự ghi nhận khách đến địa phương này tăng đột biến. Trong 3 tháng đầu năm 2021, Lai Châu đã đón trên 156 nghìn lượt khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một tín hiệu vui, cũng là động lực rất lớn cho địa phương này.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu có chủ trương ưu tiên phát triển các dự án đầu tư du lịch tại địa phương có thế mạnh đặc thù, thông qua đó thu hút đầu tư, xây dựng các khu du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng vùng cao Sìn Hồ, Phong Thổ; quần thể hang động Pusamcap; thác Tác Tình gắn với chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, khu Sin Suối Hồ gắn với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử; du lịch thể thao mạo hiểm rừng nguyên sinh đèo Hoàng Liên Sơn.

Với rất nhiều giải pháp, tỉnh Lai Châu đã và đang tập trung nguồn lực, kêu gọi đầu tư bằng các chính sách ưu đãi để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển các loại hình du lịch, kết nối du lịch nội vùng và liên vùng. Địa phương này đang hiện thực hóa mục tiêu đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua của vùng Tây Bắc.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO