Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 05:45 GMT+7

Phơi nắng mưu sinh trên cát

Biên phòng - Những ngày này, khi nước vừa rút, người dân sống ở vùng biển Quỳnh (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lại ra biển bới cát để tìm ngao tự nhiên trôi dạt vào bãi cát ven biển theo thủy triều. Công việc vất vả, phơi nắng, dầm mưa nhưng mang lại nguồn thu nhập cao nên thu hút ngày càng nhiều người tham gia nghề này những lúc nông nhàn.

Nắng chói chang, nhưng những người phụ nữ ở xã Quỳnh Nghĩa vẫn cặm cụi cào ngao trên bãi biển. Ảnh: Bích Nguyên

Bới cát tìm ngao

8 giờ sáng, trời nắng chói chang, chị Nguyễn Thị Hà trong trang phục kín mít từ đầu đến chân và nhiều nông dân khác ở xã biển Quỳnh Nghĩa vẫn miệt mài cào ngao trên bãi biển. Nghề chính của chị Hà là làm ruộng nhưng vào mùa cào ngao, chị tranh thủ ra biển mưu sinh vì thu nhập mỗi buổi sáng chị thu được từ loại sản vật trời cho này có khi lên tới 200.000 - 300.000 đồng. Tuy là nghề phụ, nhưng đến nay, chị Hà đã gắn bó với nghề cào ngao từ nhiều năm nay. Bãi biển Quỳnh Nghĩa vì thế cũng trở lên quá đỗi quen thuộc với người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, lam lũ này.

Dụng cụ của những người làm nghề cào ngao khá đơn giản, chỉ là cây cào dài khoảng 2m được làm bằng thân tre, một đầu tách làm đôi thành hình tam giác rồi gắn một miếng sắt dày khoảng 3mm, rộng 10cm gọi là lưỡi nạo. Người ta dùng đai vải hoặc gỗ buộc vào hông người. Khi cào, người ta đeo đai vào hông rồi đi giật lùi, kéo nạo về phía sau. Tôi quan sát thấy chị Hà cào sâu dưới cát khoảng 5-10cm, bước lùi từng bước chầm chậm để tìm ngao. Mỗi khi nghe tiếng “cạch” dưới lớp cát, chị Hà liền dừng chân, cúi xuống, dùng tay bới cát bắt ngao. Tuy vậy, không ít lần tiếng “cạch” chị Hà bắt nhầm vỏ sò hoặc đá. Để thuận tiện, chị Hà và những người cùng nghề thường treo luôn túi lưới ở cây cào để đựng ngao vừa bắt được.

Chị Hà năm nay hơn 50 tuổi, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của biển cả, ngừng tay trò chuyện với tôi ngay trên bãi cát thuộc bờ biển xã Quỳnh Nghĩa. Tôi nhấc thử dụng cụ cào ngao của chị và thấy khá nặng. Tôi đeo đai vào người, thử trải nghiệm cào ngao nhưng không thể đi được bước nào và có cảm nhận việc cào ngao là khá nặng nhọc, không phải ai cũng làm được.

“Nghề này phụ thuộc hoàn toàn vào con nước. Chúng tôi làm việc không kể giờ giấc, cứ khi nào nước ròng (lúc triều hạ), các bãi cát hiện ra thì đi làm. Nghề chính của chúng tôi vẫn là làm nông nghiệp, cào ngao chỉ là nghề phụ thôi nhưng mang lại thu nhập hàng ngày nên chúng tôi tranh thủ để kiếm thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình” - chị Hà chia sẻ.

Thu nhập hàng trăm ngàn mỗi ngày

Theo lời chị Hà, không chỉ người dân xã chị mà người dân ở các xã ven biển huyện Quỳnh Lưu cũng rủ nhau ra biển mỗi ngày để cào ngao. Mọi người làm việc cho đến khi nắng to, nước lên, không cào được nữa thì quay về. Người làm nghề này chủ yếu là phụ nữ nhưng hiện giờ cũng có nhiều đàn ông tham gia. Ngao ở đây đều là ngao tự nhiên nên rất ngọt và béo, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Vì thế, những người làm nghề cào ngao không lo ế bao giờ.

Chị Hà và chị Huệ bán số ngao vừa cào được cho khách rồi lại xuống bãi tiếp tục làm việc. Ảnh: Bích Nguyên

Chị Hà chia sẻ, cào ngao là công việc rất nặng nhọc, tốn sức. Dù vậy, mỗi ngày ra biển, chị Hà đều cố gắng cào đến khi nước lên, không thể làm được nữa mới nghỉ. Số lượng ngao cào được mỗi ngày phụ thuộc vào sự may rủi. “Hôm nay tôi ra biển từ lúc 6 giờ. Đến giờ là 2 tiếng rồi nhưng mới chỉ cào được chừng này thôi” - nói rồi chị Hà chỉ cho tôi xem túi ngao mình vừa cào được. “Chỗ này được khoảng mấy kg hả chị?" - tôi hỏi. Chị cười đáp: “Lấy đâu ra mà nhiều vậy, chừng này chỉ được hơn 1 kg thôi”.

Kể chuyện nghề, chị Hà bảo: “Cào ngao không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, cũng không thể nói ai cào giỏi thì được nhiều ngao mà chủ yếu phụ thuộc vào sự may mắn. Bình thường mỗi sáng tôi cào được khoảng 3-4kg. Ngày nhiều nhất tôi trúng được hơn 10kg”. Có lẽ nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, chị Hà vội nói như giải thích: “Thỉnh thoảng mới cào được nhiều như thế. Nếu như ngày nào cũng cào được nhiều như vậy thì tôi đã giàu to”. Nói rồi chị cười lớn. Tôi cảm nhận được sự hài lòng và hạnh phúc trên gương mặt hằn những vết chân chim của người phụ nữ này.

Khi thấy mặt trời bắt đầu nóng rát, tôi hỏi chị làm đến mấy giờ thì nghỉ. Chị Hà liền đáp: “Chúng tôi cào hết bãi biển này mới thôi. Nói đùa vậy chứ, hôm nay nước ròng, tôi tranh thủ cào, có khi làm tới quá trưa, lúc nào nước lên mới về”.

Cặm cụi cào ngao với chị Hà là chị Trần Thị Huệ và 2 người phụ nữ khác ở cùng xã. Người phụ nữ này có vẻ may mắn hơn chị Hà khi túi đựng ngao đã gần đầy. Chị Huệ cho hay: “Cào ngao là phải đi theo con nước. Khi thủy triều rút, sóng biển đánh ngao dạt vào bờ là chúng tôi ra biển. Có hôm, chúng tôi tất bật làm việc từ 4 giờ sáng, tới trưa là về, nhưng cũng có hôm chúng tôi cào cả buổi chiều”.

Dừng lại giây lát, chị Huệ nói tiếp: “Nghề này phơi nắng, dầm mưa, không cần kỹ thuật hay kinh nghiệm nhiều mà cần nhất là sức khỏe. Để chống chọi lại cái nắng, chúng tôi phải mặc quần áo dài tay, đội nón, đeo khẩu trang. Có nhiều hôm tôi cũng bị say nắng, rất mệt nhưng vẫn phải cố vì miếng cơm, tấm áo cho gia đình”.

Những người dân như chị Huệ, chị Hà đều coi ngao là lộc trời cho nên không ai tranh giành bãi mà lặng lẽ cào từng luống cát trên bãi biển vừa lộ ra sau khi triều xuống. Hết bãi này, họ lại cùng nhau tiến tới bãi biển khác. “Chiến lợi phẩm” họ thường đem bán cho các nhà hàng, quán ăn ven biển hoặc khách du lịch.

Trong lúc nhóm chị Huệ đang cặm cụi cào ngao, một số khách du lịch đã tới hỏi mua ngao. Chị Huệ cho hay: “Ngao cào ngay trên bãi biển nên rất tươi và ngọt. Nhiều khách du lịch tới đây tắm biển hỏi mua ngao của chúng tôi về ăn hoặc làm quà. Ở đây, chúng tôi đã thống nhất một mức giá chung rồi nên không có chuyện mặc cả kỳ kèo cũng như tranh giành khách”.

Chị Huệ, đại diện cho cả nhóm, cầm từng túi ngao rửa xuống biển cho sạch cát rồi lên bờ cân bán cho khách. Túi ngao của chị Huệ nặng gần 3kg, của những người khác được hơn 2kg. Với giá bán 60.000 đồng/kg, chị Huệ kiếm được gần 200.000 đồng sau 3 giờ làm việc.

Giao ngao cho khách xong, chị Huệ lại đi xuống bãi biển cặm cụi cào ngao. Công việc mưu sinh này dẫu vất vả vẫn đem lại niềm vui cho những người phụ nữ siêng năng, cần cù ở vùng biển hoang sơ này.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO