Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 27/06/2024 12:23 GMT+7

Phương hướng bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc

Biên phòng - Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 4 nội dung phương hướng bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ảnh: minh họa

Một trong những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc quy hoạch phát triển vùng là phải bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do đó, trong quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành theo Quyết định số 369/QĐ-TTg đều xác định rõ yêu cầu, nội dung phát triển vùng gắn với bảo đảm vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương, môi trường hòa bình và ổn định để phát triển vùng và đất nước. Đối với phương hướng bảo đảm quốc phòng, an ninh, Quyết định số 369/QĐ-TTg nêu rõ:

Một là, tập trung xây dựng thế trận và các tiềm lực trong khu vực phòng thủ vững chắc, lấy xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần làm cơ sở, tiềm lực kinh tế giữ vai trò nền tảng và tiềm lực quân sự, an ninh giữ vai trò cốt lõi. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Hoàn thành việc bố trí tổng thể, điều chỉnh hệ thống công trình phòng thủ trên địa bàn, trong đó tập trung trên tuyến biên giới. Xây dựng các chốt dân quân thường trực trên tuyến biên giới và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị.

Hai là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình"; phòng ngừa, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phát hiện, tấn công, trấn áp các loại tội phạm.

Ba là, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ trên cơ sở cập nhật, tích hợp đầy đủ các khu quân sự và địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng trên phạm vi cả nước được xác định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9297/VPCP-CN ngày 6/11/2020 và văn bản số 430/TB-VPCP ngày 23/10/2023 về rà soát, cập nhật, tích hợp các khu quân sự và địa hình ưu tiên quốc phòng vào hệ thống quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 2256/QĐ-BQP ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Bản đồ các khu quân sự và địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Bốn là, đầu tư xây dựng các đường tuần tra biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới, kè bảo vệ bờ sông, suối biên giới; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối từ các xã biên giới vào các đồn biên phòng, đường từ đồn, trạm biên phòng ra các mốc quốc giới và đường tuần tra biên giới. Đẩy mạnh đầu tư và triển khai việc sắp xếp, bố trí dân cư trên tuyến biên giới.

Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)

Bình luận

ZALO