Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:04 GMT+7

Pò Hèn - Lửa thiêng còn cháy mãi

Biên phòng - Cận Tết Ất Mùi, chúng tôi đến biên ải Đông Bắc của Tổ quốc, mong được thắp nén nhang thơm trên đỉnh Pò Hèn, nơi ghi đậm cuộc chiến đấu kiên cường năm 1979 ở Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) 209 - Đồn BP Pò Hèn. Tháng 2 năm nay, dường như chần chừ mãi rồi một mùa xuân mới cũng tới, ở nơi khí thiêng đã trở nên bất tử từ 35 năm qua.

uibn_15b-1.JPG
Cán bộ Đồn BP Pò Hèn dâng hương hằng ngày trên Đài liệt sĩ.

Thiếu tá Lương Ngọc Thung sửa soạn lại những bông cúc trắng trên Đài liệt sĩ rồi lặng lẽ châm nhang. Khói ngược gió lùa vào khóe mắt khiến người lính trung tuổi nheo nheo mắt, ho rất khẽ. Thiếu tá Thung được cử về đội trông coi cụm tượng Đài liệt sĩ Pò Hèn và tổ công tác của anh ở lại căn nhà nhỏ trên đồi cao bên trong di tích để thường xuyên được thắp nhang, quét dọn, tu sửa cảnh quan và tiếp đón những khách đường xa tìm tới điểm cao đặc biệt này.

Anh nói, cụm di tích thường xuyên có khách từ mọi miền Tổ quốc đến viếng thăm. Cứ 17-2 hằng năm, Đồn BP Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ ngã xuống trong trận chiến rạng ngày 17-2-1979. Đó là dịp các cựu chiến binh từ khắp nơi đổ về thắp nhang tưởng nhớ anh linh đồng đội. Ngọn lửa tháng 2 năm ấy còn cháy mãi trong tim bao người.

Tháng 3-2014, di tích "Đồn BP 209 Pò Hèn" chính thức được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Quảng Ninh, gồm: Cụm tượng đài được xây dựng trên nền của Đồn CANDVT 209 năm xưa và toàn bộ cảnh quan nơi đây. Đứng từ điểm cao này có thể phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Dường như ngọn đồi bát úp này giống một vồng ngực chở che cho cụm dân cư đông đúc phía dưới.

Khi những người lính quân phục tề chỉnh, nghiêm ngắn làm lễ dâng hương vào mỗi sáng, chỉ có sự lặng yên của rừng biên cương, mới thấu hiểu sự ấm áp của lòng đất mẹ hòa cùng mùi nhang thơm kính lễ của những bóng áo xanh dâng lên. Cụm tượng đài hình dáng như vòng tay ôm của đồng đội. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh giao cho Đồn BP Pò Hèn quản lý khu di tích. Bởi chẳng gì bằng sự chăm sóc của bàn tay những người lính với hương hồn đồng đội của mình. Pò Hèn quả là một bài ca hùng tráng, một chấm đỏ trong trang sử biên thùy.

Đúng trưa ngày 17-2-1979, địch dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công Đồn CANDVT 209 và chiếm được vị trí của đồn trên đồi Quế, thuộc vùng biên giới Pò Hèn, Thán Phún. 45 chiến sĩ CANDVT của Đồn 209 đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh cùng với nhóm công nhân Lâm trường Hải Sơn và nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Lịch sử của Đồn BP Pò Hèn ghi lại: "Liệt sĩ Hồng Chiêm mang hàng lên Pò Hèn, gặp trận đánh dưới làn đạn dày đặc của quân thù, nhanh chóng di chuyển vào đồn băng bó vết thương cho thương binh và dùng súng trường của mình bắn trả quân xâm lược. Súng hết đạn, chị đã dùng súng AK của các chiến sĩ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Năm 1979, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hồng Chiêm và ghi tên chị vào trang sử truyền thống của Đoàn thanh niên".

Sau này, khi tìm về chiến trường xưa, thắp nhang trên mộ các anh hùng, các cựu chiến binh Đông Bắc mới kể rằng, Hồng Chiêm là một cô gái Móng Cái mạnh mẽ, có khí chất của người trấn Hải Đông, lại đẹp người đẹp nết và là người yêu một chiến sĩ của Đồn CANDVT Pò Hèn là Bùi Anh Lượng. Khi đồn bị giặc bao vây trong lửa đạn, cô nhất định không lui về tuyến sau mà ở lại chiến đấu cùng anh em. Vào những giây phút cam go nhất, bóng dáng của cô gái gan dạ, mạnh mẽ đã trở thành điểm tựa tinh thần của các chiến sĩ. Cả chị Chiêm và anh Lượng đều hy sinh ở trận ấy. Cô gái mới 25 tuổi và linh hồn họ mãi ở bên nhau trong bài ca Pò Hèn.

1xih_15a-1.JPG
Tượng đài liệt sĩ trên điểm cao Pò Hèn.
Đồn BP Pò Hèn hiện nay nằm gần ngay điểm cao vị trí Đồn CANDVT 209 trước kia nhưng lui xuống dưới gần gũi với các cụm dân cư bà con người Dao, người Tày bản địa. Đồn quản lý địa bàn xã biên giới Hải Sơn với 3 thôn giáp biên nằm dọc theo đường biên giới trên sông.

Đây chính là nơi ôm trọn rẻo sông Ka Long chảy xuống mảnh đất cửa khẩu phù hoa bậc nhất của cả nước: Móng Cái. Bao năm nay, Hải Sơn vẫn là cái rốn nghèo của vùng cự phú, dù bao dự án xóa đói giảm nghèo của tỉnh Quảng Ninh đã đổ vào đây, nhằm cân bằng lại sự thể quá chênh lệch này. Chỉ cách vài chục ki-lô-mét đường chim bay so với Móng Cái, nhưng Pò Hèn vừa khuất nẻo lại vừa hoang vu. Đêm ở Pò Hèn tối đặc trong sương mù, cách biệt và lạ lẫm so với vẻ sáng choang và hào nhoáng của thành phố cửa khẩu cách đó không xa.

Nhìn đi, nhìn lại, BĐBP thời nào cũng có nhiều việc để làm, không chỉ giữ an ninh trật tự, bảo vệ biên giới mà còn đồng hành với địa phương để xây dựng nông thôn mới. Việc tổ chức ký kết nghĩa cụm bản dân cư giữa hai thôn Pò Hèn của Móng Cái và Thán Sản, Na Lương, Phòng Thành đối diện bên kia biên giới thành công trong tháng 8-2014 thể hiện sự khéo léo, nhuần nhị của công tác ngoại giao biên phòng, ngoại giao nhân dân của Đồn BP Pò Hèn và của nhân dân xã Hải Sơn.

Chúng tôi cùng Thiếu tá Lô Đức Cường, Chính trị viên phó Đồn BP Pò Hèn, ngồi trò truyện ngay trong khoảnh sân nắng ấm nhà ông Đặng Văn Kim, ông chủ của con bò cái vừa được Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" trao tận tay. Ông Kim nói, con bò của gia đình ông được nhận nuôi chưa đầy 2 tháng, nhưng nó trở thành người bạn thân thiết của cô cháu gái nhỏ của ông. Cứ đi học về là bé gái để ý chăm bẵm con bò. Vóc dáng nhỏ bé thế mà cô bé đủ sức dắt con bò ăn loanh quanh bên chân đồi, khi nào mỏi lại cắm cái cọc để neo bò lại.

Chính vì vậy, ông Kim đã xỏ mũi bò, buộc sợi dây thừng để cháu gái dễ chăn dắt bò mà không làm trầy xước trán của nó. Con bò là niềm khích lệ gia đình nhỏ này nỗ lực thoát nghèo, làm cho BĐBP thêm gần gũi với dân và người dân thì thêm tin tưởng vào chính sách của Nhà nước với cư dân biên giới.

Thiếu tá Lô Đức Cường mời ông Đặng Văn Kim ghé đồn BP ăn Tết dịp xuân này. Đơn vị là một trong những điển hình về xây dựng chính quy, đảm bảo hậu cần, tăng gia sản xuất giỏi, vì vậy, năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Pò Hèn sẽ ăn Tết sung túc, xum vầy cùng với bà con biên giới.

Năm nào đồn cũng tổ chức gói bánh chưng, ăn Tết chung với các hộ dân tiêu biểu trong phong trào tự quản, bảo vệ đường biên, mốc giới. "Chúng tôi sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực để có những cái Tết bình yên, no ấm như thế" - Thiếu tá Cường cười rạng ngời trong cái nắng vàng như rót mật của vùng biên cương.
Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO