Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 10:56 GMT+7

Pờ Y - “Chàng khổng lồ” và “cô sơn nữ”

Biên phòng - Nằm ở trung tâm ngã ba Đông Dương, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người khi đến với miền cực Bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bên trong vị thế của một vùng biên rất giàu tiềm năng về giao thương, hợp tác và hội nhập quốc tế do nằm trên cửa ngõ của vùng “Tam giác phát triển” vẫn có một Pờ Y “ẩn mình” giữa “vương quốc” của những loài thảo mộc, chậm rãi trong sự hối hả năng động, nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc cồn cào gợn sóng. Pờ Y là vậy, vừa thong dong, vừa vội vàng bên “trái tim” Đông Dương cần mẫn, dẻo dai giữa đất trời biên giới…

Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y động viên các nghệ nhân Đội cồng chiêng dân tộc Ka Dong xã Pờ Y. Ảnh: TKN

Rừng xanh, nắng vàng và “sơn nữ” cần mẫn bên sườn núi

Tôi biết Pờ Y đã lâu, nhưng xin được lấy mốc thời gian bắt đầu từ cuối năm 2004 - thời điểm Thủ tướng Chính phủ 3 nước quyết định thiết lập “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Campuchia và khu vực cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y, nằm trên địa bàn xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum được xem là vị trí trung tâm. Tiếp đến, tháng 2/2007, khu kinh tế CKQT Bờ Y ra đời, quy mô hơn 70.000ha, “ôm gọn” 6 xã và 1 thị trấn của huyện Ngọc Hồi. Với tầm vóc như thế lại được kết nối với 2 cửa khẩu Phu Cưa (Lào) và Kontuyneak (Campuchia), khu kinh tế CKQT Bờ Y hứa hẹn sẽ trở thành đô thị biên giới phát triển trong tương lai không xa.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo đó cũng đã được đầu tư xây dựng tương đối bài bản, tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, khu kinh tế CKQT Bờ Y đến nay vẫn chỉ nằm ở dạng tiềm năng và phải điều chỉnh rút gọn quy mô diện tích xuống còn 16.000ha. Do chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, “chàng khổng lồ” Pờ Y vẫn là “cô sơn nữ” bên sườn núi, cần mẫn trên con đường phát triển.

Trở lại với hình ảnh quen thuộc của mình, Pờ Y tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp”, tăng dần các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Cùng với đó là những đổi mới trong tư duy kinh tế và đời sống xã hội của các chủ nhân nơi đất làng, với cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang đến thêm nhiều cơ hội để “trái tim” Đông Dương vững bước đi lên.

Năm 2016, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Pờ Y tiếp tục bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao và đến thời điểm hiện tại, đã có 2 thôn (Ngọc Hải và Bắc Phong) đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn dưới 3,5%. Đời sống văn hóa, xã hội trên địa bàn xã Pờ Y có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở được duy trì và phát triển, với 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Các nhu cầu về văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đáp ứng một cách đầy đủ.

Dấu ấn người lính

Có thể khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững nơi vùng ngã ba Đông Dương luôn nhận được sự quan tâm chăm lo, chia sẻ của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân, trong đó không thể không nói đến vai trò của Quân đội nói chung, BĐBP Kon Tum nói riêng. Giữa rừng xanh, nắng vàng biên giới, những người lính đã bám trụ suốt bao tháng ngày, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng hòa chung tiếng cười với bà con nhân dân. Họ đã miệt mài đồng hành với Pờ Y suốt chặng đường từ không đến có, từ “vùng trắng” mênh mông đến vùng nông thôn phát triển.

Các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất rừng biên giới Pờ Y được nhận học bổng “Nâng bước em tới trường” trong chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất. Ảnh:TKN

Công tác dân vận của Quân đội được triển khai đa dạng phong phú, luôn tỏa sáng trên mọi điểm nóng, nhất là trận tuyến xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai dịch bệnh. Dấu ấn người lính khắc sâu trên mọi đường quê ngõ xóm, vừa giúp dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống văn hóa, vừa tham gia xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở địa phương, trợ giúp người yếu thế trong cộng đồng, chăm lo cho sự nghiệp y tế, giáo dục... Nói một cách hình tượng, giữa ngã ba biên giới, “cô sơn nữ” Pờ Y càng trở nên duyên dáng, mặn mà hơn trong vòng tay người chiến sĩ.

Như “khúc quân hành” trải dài theo năm tháng, dấu ấn người lính nơi đất rừng biên giới Pờ Y càng trở nên đậm nét hơn sau sự kiện Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất vừa diễn ra trên vùng ngã ba Đông Dương. Tại đây, bên cạnh các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, khẳng định sức mạnh tình đoàn kết trong “mái nhà chung” Đông Dương, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn tặng nhiều món quà ý nghĩa cho chính quyền, nhân dân trên khu vực biên giới 3 nước.

Riêng xã Pờ Y, cùng với việc xây dựng công trình Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đặt tại thôn Tà Ka (giá trị 20 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng đã tặng hàng trăm suất học bổng, nguồn sinh kế (bò giống) cho người nghèo, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn người dân, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị giáo dục cho trường học... Đây có thể xem là món quà đầu năm đầy ý nghĩa mà người lính dành tặng đất rừng biên giới Pờ Y và cũng là bức thông điệp khẳng định vai trò, sức mạnh của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO