Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:17 GMT+7

Quả ngọt từ "cuộc chiến" hiếm muộn

Biên phòng - Nhiều đêm ngắm nhìn hai đứa con gái bé bỏng ưỡn mình, rồi khóc oe oe, anh Chức như thể ở trong mơ. Hạnh phúc đan xen niềm xúc động, biết ơn các thủ trưởng của mình khiến lòng anh cứ nôn nao. Vậy là, anh lại chồm dậy, lấy giấy ra viết những lời tâm sự ruột gan: "Hai đứa con của mình được sinh ra, đó là thành công của khoa học, song sẽ không thể và không bao giờ có được kết quả viên mãn như hôm nay nếu không có được tình thương yêu, sự quan tâm của thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, của chỉ huy BĐBP Phú Yên cùng đồng chí, đồng đội đã tiếp sức cho những nỗ lực của vợ chồng mình".

aj2s_9a-1.JPG
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ niềm vui với gia đình Thượng úy Nguyễn Hồng Chức trong ngày mừng hai con anh chị tròn một tháng tuổi. Ảnh: Phương Oanh
 
Hạnh phúc vỡ òa

Ngôi nhà nhỏ rợp mát bóng cây xanh của vợ chồng Thượng úy Nguyễn Hồng Chức, cán bộ quản lý Đồn BP Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên nằm ở lưng chừng bên sườn núi đèo Cả, kề Trạm KSBPCK cảng Vũng Rô. Buổi sáng cuối tuần, cả khoảnh sân trước nhà anh trở nên tưng bừng, nhộn nhịp hơn khi đông đảo đồng đội, bè bạn đến mừng ngày hai cháu Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Bảo Trúc - con của anh chị vừa đầy tháng. Trong niềm hạnh phúc vô bờ, chị Bùi Thị Hiền - vợ của Thượng úy Nguyễn Hồng Chức nghẹn ngào tâm sự: "Lần đầu tiên bế các con mình trong tay, hai vợ chồng cứ giàn giụa nước mắt. Chúng tôi mong chờ điều này từ rất lâu, đến nỗi đã cảm giác như một điều không tưởng". 

Những ai từng dõi theo hành trình 18 năm tìm kiếm con đầy khó nhọc của hai vợ chồng Thượng úy Nguyễn Hồng Chức thì không thể không rơi nước mắt trong ngày hạnh phúc này. Đại tá Trần Xuân Sơn, nguyên Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Vũng Rô (nay đã về nghỉ hưu), đến từ rất sớm để san sẻ niềm vui với người đồng đội thế hệ đàn em. Người đồn trưởng cũ tâm sự, ngày còn đương nhiệm, mỗi lần ghé thăm gia đình Chức, anh luôn băn khoăn, lo lắng, "nhà thiếu tiếng cười, tiếng khóc của con trẻ cứ thấy trống trải và hạnh phúc không trọn vẹn!".

Rồi những ngày hai vợ chồng Chức khăn gói lặn lội ra Bắc, vào Nam để chữa trị, những khoản tiền chắt chiu mà vợ chồng anh dành dụm đổ hết vào các phương thuốc Nam, thuốc Bắc. Cứ nghe ai chỉ ở đâu có thuốc hay, chỗ nào có thầy giỏi là anh em trong đơn vị lại mách nước, thúc giục vợ chồng Chức tìm đến. Những đồng tiền vay mượn cuối cùng được vét ra để chạy chữa nhưng mong chờ vẫn tiếp nối mong chờ, rồi tuyệt vọng, buông xuôi...

Cưới nhau 18 năm, gia sản của hai vợ chồng vẫn là căn nhà chưa đầy 9 mét vuông, mái tranh ọp ẹp, đã được dựng lên bên sườn núi đèo Cả này từ 18 năm trước. "Thành quả này cũng là một cái phúc của anh em Biên phòng Phú Yên mình" - Đại tá Sơn xúc động nói.

Có mặt để chia sẻ niềm vui với gia đình Thượng úy Nguyễn Hồng Chức còn có khá đông người dân, bà con tại các làng biển Vũng Rô, Hòa Xuân, Hòa Hiệp, những địa bàn anh đã và đang có mặt trên hành trình thực hiện nhiệm vụ. Lão nông Lý Văn Thông và vợ ở tận thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây ra thăm gia đình Chức cứ quấn quít không rời hai công chúa nhỏ. Ông Thông kể, năm ngoái, trước ngày vào TP Hồ Chí Minh chữa trị, vợ chồng Chức đưa nhau xuống gặp ông và thưa chuyện sẽ đi thụ tinh nhân tạo.

Nghe chuyện, ông hoàn toàn bất ngờ bởi "trước đó đã biết tụi nó từ bỏ ý định kiếm con". Khi vợ chồng Chức giải thích chuyện Bộ Tư lệnh BĐBP có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ hiếm muộn chữa trị, ông đã ứa nước mắt. "Ai có ngờ, cái nỗi niềm ẩn sâu trong từng gia đình chiến sĩ cấp dưới lại được các thủ trưởng cấp trên lo lắng đến ngọn ngành như vậy"- đưa tay quẹt nước mắt, ông Thông cảm kích nhắc chuyện cũ.

Ông Thông cho biết, nhà ông ở cách Đồn BPCK cảng Vũng Rô 5 cây số. Cán bộ, chiến sĩ trong đồn thường vào làng thăm bà con, ghé nhà ông chơi, riết rồi ông thương anh em như con. "Hồi bọn trẻ chưa có vợ, có lần xuống chơi, chúng nói, ba mẹ chúng con ở ngoài Bắc, sống với bà con ở đây đã gần gũi thân thương nên coi nơi này là quê hương. Trong làng có chú thím là người cao tuổi, cho tụi con được làm con nuôi để có nơi chốn đi về cho ấm áp, có người lớn để chỉ dạy, nhắc nhở khi tụi con làm điều gì chưa phải. Vậy là, tôi trở thành cha nuôi của bọn trẻ" - ông Thông nhớ lại.

Chính vợ chồng ông đã đứng ra mua sắm lễ vật, làm mâm cỗ cho đám cưới của vợ chồng Chức và cả hai đồng đội của Chức là Lê Văn Khởi và Nguyễn Thành Đồng. 18 năm rồi, nhìn mấy đứa cháu, con của Đồng, Khởi cao nhổng, lớn nhanh từng ngày, ông mừng bao nhiêu thì sốt ruột cho vợ chồng Chức bấy nhiêu.

Ông Thông bảo, sau ngày Chức đưa vợ đi thụ tinh nhân tạo, vợ chồng ông từng đêm nằm nghĩ thương con, lòng dạ lo âu. "Tui sợ lỡ không đạt kết quả, vợ chồng nó lại sốc. Cứ vài hôm tui lại gọi điện hỏi thăm, biết nó đã đậu thai, vợ chồng tui đêm ngày cầu nguyện bình an, may mắn cho con. Gần một năm trời đằng đẵng, đến hôm nó điện báo đã đưa vợ con trở về ngoài này bình yên, tui mới nhẹ lòng" - ông Thông chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP Phú Yên cũng không giấu được niềm hân hoan khi chứng kiến thành quả hạnh phúc của người cán bộ thuộc quyền. Trong dào dạt những cảm xúc, người Chính ủy phấn khởi bộc bạch, "xem như đã có "quả ngọt" để BĐBP Phú Yên báo cáo với Bộ Tư lệnh đã thắng lợi trận đầu trong "cuộc chiến" với hiếm muộn. Đây cũng là cú huých quan trọng để những anh em còn trong quá trình chữa trị có thêm động lực, niềm tin, quyết tâm cho đến ngày có được hạnh phúc tròn vẹn". 

Cuộc tiếp sức quyết định

Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Hồng Chức luôn nhắc về cú huých mang tính quyết định để đem lại cho vợ chồng anh "quả ngọt" hôm nay. Chức kể, sau quá nhiều năm gian nan, khó nhọc để chữa trị, hai vợ chồng anh đã kiệt sức, cả về tinh thần lẫn tiền bạc. "Lần ra Nam Định nằm điều trị thuốc Nam gần tháng, số tiền lên đến hơn chục triệu. Vì quá hy vọng nên khi đón nhận thất bại, vợ tôi đã suy sụp, có lúc gần như trầm cảm. Hoảng sợ, tôi đã tuyên bố không nghĩ đến chuyện kiếm con nữa" - Chức nhớ lại.

Rồi tháng 4-2014, theo lệnh triệu tập gặp mặt cán bộ, chiến sĩ hiếm muộn của Bộ Tư lệnh, anh đã ra Hà Nội. Anh kể: "Tôi không thể quên bàn tay xiết chặt, cái vỗ vai đầy nghĩa tình và đồng cảm của thủ trưởng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP - "Cố gắng đi em!". Rồi từng câu, từng lời hết sức quyết đoán từ mệnh lệnh của Tư lệnh Võ Trọng Việt - "Các đồng chí phải quyết tâm chữa trị. Đây là nhiệm vụ mà các đồng chí phải nỗ lực hoàn thành. Gia đình có vững chắc thì các đồng chí mới yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị". Trên chuyến tàu từ Hà Nội trở về Phú Yên, Thượng úy Nguyễn Hồng Chức đã thầm hứa, bật khóc. "Chưa bao giờ tôi yêu quý lực lượng, trân trọng những thủ trưởng của mình đến vậy" - Chức bộc bạch trong niềm xúc động.

Thượng úy Nguyễn Hồng Chức cho hay, từ cuộc gặp mặt với Bộ Tư lệnh trở về, anh suy ngẫm lại toàn bộ quá trình chữa trị mới thấy lâu nay, những cái khó đã bó hẹp suy nghĩ, khiến anh chỉ quan tâm chạy chữa theo các phương thuốc lang vườn mà chưa một lần nghĩ chuyện sẽ thụ tinh trong ống nghiệm. Chức nhẩm tính, "chưa nói đến tiền thuốc men một lần chữa trị cả trăm triệu, riêng chi phí cho chuyện vợ chồng đi tàu xe, khăn gói vào TP Hồ Chí Minh ăn, ở mỗi tháng tiết kiệm nhất cũng hết chục triệu đồng. Điều quan trọng là thời gian làm việc, không thể sắp xếp cho những chuyến đi liên tục, dài ngày".

Song giờ đây, cùng với chủ trương bố trí, sắp xếp nhiệm vụ phù hợp hay cho nghỉ phép nhằm giúp cho cán bộ, chiến sĩ có thời gian đi chữa trị, Bộ Tư lệnh còn quan tâm về điều kiện nơi ăn ở, nghỉ ngơi, hỗ trợ tiền tàu xe. Anh đã đem tất cả những câu chuyện của nghĩa tình đồng đội, những lời động viên, khích lệ của các thủ trưởng, của đồng đội về chia sẻ với vợ. Hai vợ chồng anh lại nắm tay nhau, cùng hạ quyết tâm.

Giữa bề bộn nỗi lo, trăn trở cho việc hoàn thành "nhiệm vụ mới" mà Thủ trưởng Bộ Tư lệnh trực tiếp giao, vợ chồng Chức đã nhận được sự quan tâm thường xuyên của Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chỉ huy Đồn BP Hòa Hiệp Nam và sự đồng cảm, sẻ chia của đồng đội. "Những đợt thăm khám liên tục, mỗi tháng, tôi phải xa đơn vị cả chục ngày. Rồi đến ngày vợ chuyển phôi, những lúc nghén nặng cần có sự cận kề của chồng và ngày chuyển dạ...

Hơn 300 ngày vợ nằm ở TP Hồ Chí Minh là từng ấy thời gian tôi chạy ra, chạy vào thấp thỏm. Chỉ huy đồn đã bố trí, sắp xếp và huy động anh em thay tôi đảm trách nhiệm vụ. Những lời thăm hỏi, khích lệ, chia sẻ đầy tình thương của các thủ trưởng, của đồng chí, đồng đội trong những lúc khó khăn đã kịp thời tiếp cho vợ chồng tôi thêm sức mạnh để vững bước và có được hạnh phúc viên mãn hôm nay" - Thượng úy Nguyễn Hồng Chức trải lòng.
Phương Oanh

Bình luận

ZALO