Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 01:51 GMT+7

Quân đội góp phần giữ vững niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước

Biên phòng - Bằng việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… Quân đội đang góp phần giữ vững niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với Đảng, Nhà nước, động viên tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Chị Phùng Thị Hải Yến - Nhân viên Tham mưu Hành chính Đồn Biên phòng Ba Tầng, ngoài công việc chuyên môn, giờ thêm bận rộn với việc chăm sóc Bảo hằng ngày. Ảnh: Phương Liên

Hơn 3 năm nay, cháu Hồ Văn Bảo, dân tộc Vân Kiều luôn coi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị như người thân trong gia đình.

Lớn lên trong gia đình chỉ có mẹ đơn thân, lại luôn đau ốm bệnh tật, hoàn cảnh rất khó khăn nên từ khi 8 tuổi, Bảo được CBCS Đồn Biên phòng Ba Tầng đón về nuôi dưỡng. Chị Phùng Thị Hải Yến - Nhân viên Tham mưu Hành chính của đồn, ngoài công việc chuyên môn, giờ thêm bận rộn với việc chăm sóc Bảo hằng ngày.

Chị Yến tâm sự, như bất kỳ thành viên nào trong đơn vị, ở nơi biên cương xa xôi, mỗi CBCS BĐBP luôn nhắc nhở bản thân phải coi “đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Bằng trái tim nhân hậu của người phụ nữ, chị Yến rất thương cảm hoàn cảnh và luôn coi Bảo như con đẻ. Ngày ngày, không quản sớm, khuya, chị như người mẹ thứ hai tự tay lo từng bữa ăn, giấc ngủ, giặt giũ quần áo cho cậu bé. Do còn nhỏ nên hằng ngày, việc đi học của Bảo do các chú bộ đội trong đồn thay nhau đảm nhiệm đưa đón. Tối đến, các chiến sĩ lại cắt cử nhau kèm Bảo học bài.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của chị Yến và CBCS trong đồn, Bảo giờ đã có da, có thịt, khỏe mạnh hơn rất nhiều. Em cũng không còn rụt rè, e ngại tiếp xúc với mọi người trong đồn như trước nữa. Tuổi thơ của cậu bé nghèo đã thay đổi hoàn toàn khi được sống giữa tình yêu thương của CBCS Đồn Biên phòng Ba Tầng.

Ông Hồ A Móc ở thôn Úp Ly 2, xã Thuận có cháu nội là Hồ Cu Păng được Đồn Thuận nhận làm con nuôi. Khác Hồ Văn Bảo, Hồ Cu Păng vẫn sống tại nhà với ông nội. Mỗi tháng, Păng được đơn vị hỗ trợ 500.000 đồng.

Ông Hồ A Móc lúc nào cũng rớm nước mắt vì xúc động khi CBCS Đồn Biên phòng Thuận tới nhà trao cho đứa cháu nội quần áo lúc thời tiết chuyển mùa; sách, bút khi cháu vào năm học mới.

Hồ Văn Bảo, Hồ Cu Păng là 2 trong số 19 cháu nhỏ hiện đang được các đồn Biên phòng của tỉnh Quảng Trị nhận nuôi theo Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Đây là chương trình do Cục Chính trị BĐBP hướng dẫn toàn lực lượng triển khai thực hiện.

Ông Hồ A Móc ở thôn Úp Ly 2, xã Thuận có cháu nội Hồ Cu Păng được Đồn Biên phòng Thuận nhận làm con nuôi. Ảnh: Phương Liên

Tại Quảng Trị, BĐBP tỉnh đã tiến hành rà soát, phối hợp với địa phương, nhà trường lựa chọn những cháu học sinh mồ côi neo đơn, diện chính sách, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hiếu học để nhận làm con nuôi, trong đó có 14 cháu nuôi tại các đơn vị và 5 cháu nuôi tại gia đình. Mỗi cháu được CBCS trích lương, phụ cấp hỗ trợ 500.000đồng/tháng để mua sách, bút và ăn uống, giúp gia đình có thêm điều kiện động viên con, cháu không bỏ học, yêu trường, yêu lớp, phấn đấu học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, thành người có ích cho xã hội. Tiêu biểu trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” là Đồn Biên phòng A Vao đang nhận nuôi 8 cháu.

Nếu ở đồn, các cháu được bố trí phòng riêng với đầy đủ chăn, đệm; được bộ đội hướng dẫn, kèm cặp học tập, được mua quần áo, sách bút đầy đủ; ăn uống sinh hoạt theo giờ giấc của bộ đội, một số cháu còn được bộ đội đưa đón đến trường. Hiện nay, ngoài nhận nuôi con nuôi, các đồn còn nhận đỡ đầu 34 cháu, với số tiền hỗ trợ 200.000 đồng/cháu/tháng.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, từ năm 2016 đến nay đã nhận đỡ đầu 79 cháu, trong đó có 10 cháu học sinh người Lào, tổng số tiền hỗ trợ trên 2,4 tỷ đồng. Nhờ sự đỡ đầu của BĐBP Quảng Trị, đã có 8 cháu tốt nghiệp trung học phổ thông, 3 cháu đang là sinh viên các trường đại học.

Để nhân rộng Chương trình, trong giai đoạn 2016 - 2021, các đơn vị đã tập trung tuyên truyền, vận động 379 tổ chức, cá nhân ủng hộ thông qua nhiều hình thức như trao tặng 967 xe đạp, tặng hơn 20.000 suất quà gồm: quần, áo, sách vở và đồ dùng học tập cho các cháu trên địa bàn; giúp đỡ xây dựng 15 phòng học, 15 giếng khoan, 12 sân chơi và các cơ sở vật chất khác cho trẻ em với tổng trị giá trên 16 tỷ đồng.

Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng chia sẻ, tất cả CBCS đều tự nguyện tham gia Chương trình nhận con nuôi hoặc nhận đỡ đầu, xuất phát từ sự thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với đồng bào nơi biên giới cũng như với các cháu học sinh. Những việc làm của CBCS BĐBP Quảng Trị là sự cụ thể hoá Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Đầu năm 2022, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2025. Một trong những nội dung phối hợp là BĐBP Việt Nam tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xoá đói giảm nghèo; triển khai hỗ trợ các em trong độ tuổi đi học (từ lớp 1 đến lớp 12) là DTTS đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn; là con của người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới trong đồng bào các DTTS và các em là người DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù sinh sống ở khu vực biên giới được các đơn vị Quân đội nhận nuôi và hỗ trợ, giúp đỡ.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023) ghi nhận kết quả qua hai năm 2021 - 2022, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã tham gia tích cực thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Quân đội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp nhân dân hơn 400.000 ngày công lao động; tu sửa, nâng cấp hơn 900 km đường giao thông nông thôn; thu hoạch hơn 3.000 ha hoa màu; ủng hộ 2.487 con bò giống, vốn sản xuất hơn 400 tỷ đồng; xây dựng 1.350 nhà đồng đội, nhà cho người nghèo là đồng bào DTTS trị giá hơn 110 tỷ đồng. Tiếp nhận, tạo việc làm cho trên 2.000 đồng bào DTTS; tiếp nhận 212/935 người đến định cư lập nghiệp; thu hút trên 100 trí thức trẻ tình nguyên; liên kết 35 làng người Kinh với làng đồng bào DTTS, 617 hộ người Kinh với hộ đồng bào DTTS...

CBCS Đồn Biên phòng Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: Phương Liên

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn, kiên trì tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nhận rõ đúng sai, nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá Đảng, Nhà nước ta; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS vững mạnh; thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần giữ vững niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước, động viên đồng bào tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Không chỉ là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao, trong nhận thức của mỗi CBCS, mỗi một việc làm thiết thực, cụ thể nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống dân sinh, dân trí vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở khu vực biên giới chính là tình cảm, trách nhiệm của những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó cũng là tri ân sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào các DTTS với Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng trong những năm tháng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng.

Phương Liên

Bình luận

ZALO