Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 12:20 GMT+7

Quản lý bền vững tài nguyên nước

Biên phòng - Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo, 1/3 số quốc gia trên thế giới đang thiếu nước và đến năm 2025, con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Ảnh: minh họa

Việt Nam hiện có 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ m3. Nhưng với sản lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 40%, thì Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước khi chỉ đạt 4.421m3/người/năm, thấp hơn mức trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tài nguyên nước (TNN) nước ta tuy phong phú, song phụ thuộc lớn vào nguồn cấp ngoài biên giới. Bởi, hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.

Đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, ngăn chặn phá rừng chưa hiệu quả, cộng với tác động của biến đổi khí hậu đến TNN đang ngày càng rõ rệt hơn.

Thời tiết, thiên tai cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng khiến nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến bảo vệ, giữ gìn TNN.

Dự báo, dân số Việt Nam sẽ ở mức 120 triệu người trong vòng 2-3 thập kỷ tới. Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho sản xuất và dân sinh. Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả TNN quốc gia, thiếu nước sẽ là vấn đề nghiêm trọng đe dọa quá trình phát triển bền vững và gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, chúng ta đang sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả. Tính về hiệu suất, giá trị khai thác, sử dụng nước của Việt Nam vào khoảng 2,37 USD/m3, chỉ bằng 12% so với mặt bằng thế giới (19 USD/m3).

Nguyên do từ việc quản lý nguồn nước đang chồng chéo. Đơn cử, một con sông chịu sự quản lý của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông Vận tải... Đây cũng là lý do khiến các thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc khai thác, sử dụng nước chưa thống nhất.

Chính vì chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, việc chỉ đạo chồng chéo, thậm chí còn trái ngược nhau dẫn đến TNN trong tình trạng “cha chung không ai khóc”. Các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường, nguồn nước, gây khó cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia khai thác nguồn nước. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước khi chỉ có 15% lượng nước thải ra môi trường được xử lý.

Theo các chuyên gia, vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ TNN, bảo đảm an ninh nguồn nước là nhanh chóng sửa đổi hệ thống pháp luật về TNN, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý, khai thác, sử dụng nước một cách bền vững.

Trong đó, Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch TNN quốc gia, hoàn thiện hệ thống giám sát TNN, hoạt động khai thác, sử dụng nước; phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nguồn nước, bảo vệ TNN và kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước.

Để khai thác tối đa nguồn lực TNN, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực này; ứng dụng công nghệ số trong quản trị, điều hành nguồn nước, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về giá nước, thuế, phí cấp quyền khai thác TNN...

Điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng nguồn nước. Không chỉ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, mà mỗi người còn là một giám sát viên bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và hướng tới cuộc sống xanh.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO