Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 28/06/2024 02:05 GMT+7

Quản lý chặt mã số vùng trồng

Biên phòng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sau khi các nước nhập khẩu liên tục thông báo vi phạm của các lô hàng không đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, nhất là gian lận mã số vùng trồng.

Hầu hết các hợp tác xã và người dân chưa hiểu đầy đủ về tầm quan trọng của mã số vùng trồng để đáp ứng điều kiện xuất khẩu hiện nay. Ảnh minh họa

Các loại nông sản bị cảnh báo nhiều như: Chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn... xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu vào thị trường EU, Hàn Quốc có dư lượng hóa chất vượt quá quy định, không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh nông sản. Tình trạng vi phạm này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, thị trường thế giới ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía nước bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài.

Đến nay, cả nước có gần 7.000 mã số vùng trồng và gần 2.000 cơ sở đóng gói đã được các nước nhập khẩu, trong đó có những thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật Bản... chấp nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng mới chỉ đạt 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.

Các chuyên gia cảnh báo, việc buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đang tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp lợi dụng làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu mã số vùng trồng - những nông dân đã giao toàn quyền cho doanh nghiệp. Ví dụ, một mã số vùng trồng sầu riêng ở Tây Nguyên sau khi đã hết mùa vụ thì doanh nghiệp vẫn lấy sản phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long gắn vào mã ở Tây Nguyên và tương tự ngược lại.

Thực tế, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các cơ sở đóng gói tại các địa phương còn nhiều hạn chế do các vùng trồng đã được cấp mã số chưa thực hiện đầy đủ việc cập nhật nhật ký điện tử trên hệ thống phần mềm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố. Công tác giám sát việc liên kết thu mua nông sản trong vùng trồng chưa được chính quyền cấp xã quan tâm.

Mặt khác, hầu hết các hợp tác xã và người dân chưa hiểu đầy đủ về tầm quan trọng của mã số vùng trồng để đáp ứng điều kiện xuất khẩu hiện nay, cũng như thiếu thông tin về quy trình và thủ tục để đạt được mã số vùng trồng, dẫn đến diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nông dân nhiều nơi vẫn chưa chú trọng các quy trình sản xuất an toàn để phòng chống sinh vật gây hại, dẫn đến nguy cơ bị rút mã số vùng trồng.

Thừa nhận chưa có văn bản quy định xử phạt hành chính đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói không tuân thủ các quy định về xuất khẩu, thậm chí gian lận trong việc sử dụng mã số, Bộ NN&PTNT đang đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định để áp dụng các biện pháp mạnh trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm. Để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã.

Thiết nghĩ, chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao nhận thức về xây dựng mã vùng trồng cho tất cả các sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, tăng cường chất lượng sản phẩm các vùng trồng, để nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO