Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:24 GMT+7

"Bóng hồng" nặng lòng với biên cương

Biên phòng - Nhiệt huyết, hết mình là tâm thế mà Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Đắk Lắk luôn mang trong mình khi đến với đồng bào ở khu vực biên giới. Chị tích cực tham mưu cho cấp trên, tham gia triển khai nhiều phong trào, hoạt động, chương trình hướng về người nghèo nơi đây như xây nhà, trao sinh kế, xây công trình dân sinh... Những hoạt động thiết thực, hiệu quả đó đã góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc cho người dân nơi biên cương Tổ quốc.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga (ngoài cùng, bên trái) vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk vì có thành tích tốt trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” và tham gia xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ với những mảnh đời khốn khó

Biên giới tỉnh Đắk Lắk có khí hậu, thời tiết khắc nghiệp, cơ sở hạ tầng còn chưa đầy đủ, dân cư sinh sống rải rác, trình độ dân trí còn hạn chế... đã tác động không nhỏ tới đời sống nhân dân nơi đây, tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Bà H’Nhem Ê Ban, ở buôn Ea rông B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một mình bà H’Nhem Ê Ban nuôi 3 người con, 1 người em trai tàn tật, không có sức lao động và 3 đứa cháu côi cút nhỏ dại. Cùng sinh sống ở buôn Ea Rông có bà H’Lăng Niê Kđam là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, cũng có hoàn cảnh vô cùng vất vả.

Trong những lần đi công tác về khu vực biên giới, được chứng kiến cảnh những đứa trẻ chen chúc trong căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo, những hoàn cảnh đáng thương của bà con, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga không khỏi trăn trở và đau đáu suy nghĩ, phải làm sao để bà con bớt khổ. Với trách nhiệm được giao và nghĩa tình của người lính Biên phòng, cũng như sự đồng cảm, chia sẻ của phụ nữ với nhau, hơn ai hết, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga biết rằng, điều cần làm và tốt đối với bà con là cho bà con sinh kế, có sinh kế trong tay là họ có thể vươn lên thoát nghèo. Qua tìm hiểu, chị thấy rằng, bà con có thể phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống nhưng thiếu vốn mua con giống và chưa có nhiều kiến thức trong cách chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi.

Hướng đi đã có, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga cùng với đồng đội của mình đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện trao sinh kế cho các gia đình hộ nghèo ở khu vực biên giới. Trong quý I năm 2024, BĐBP Đắk Lắk và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng chính quyền 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn cùng các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức trao bò sinh sản cho 4 hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới, với tổng giá trị 72 triệu đồng. Trong đó, có gia đình bà H’Nhem Ê Ban và H’Lăng Niê Kđam. Có được sinh kế phù hợp và sự đồng hành của những người lính Biên phòng, gia đình bà H’Nhem Ê Ban và H’Lăng Niê Kđam đã dần ổn định cuộc sống, hơn hết thảy là họ có được tia hi vọng để vượt lên hoàn cảnh khốn khó và được khích lệ bởi sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng.

“Quả ngọt” đã dần hiện ra nơi biên cương của Tổ quốc, trong ngôi nhà đơn sơ thiếu thốn, trong nụ cười của những đứa trẻ lem luốc và trong dòng tin nhắn chia sẻ niềm vui của những người lính quân hàm xanh mà chị Nga cho chúng tôi xem. Đó là chú bê con từ bò giống trao tặng đã được ra đời trong niềm vui chung của quân và dân. Kinh tế hộ gia đình, tương lai của những đứa trẻ nơi biên giới có thể được khởi sắc và thay đổi từ đây.

Đồng hành cùng người nghèo nơi biên giới

Không chỉ trao sinh kế cho người nghèo, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga cùng đồng đội vận động các mạnh thường quân ủng hộ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk chung tay triển khai xây 9 ngôi nhà Đại đoàn kết; vận động Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Tấn Tây Nguyên và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk xây dựng 1 nhà Đồng đội. Dự kiến, những ngôi nhà nghĩa tình này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2024. Trước đó, chị Nga cùng với đơn vị cũng vận động bà Nguyễn Thị Hà, đại diện Báo Thanh tra Chính phủ; cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú Tây Nguyên; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank chi nhanh Bắc Đắk Lắk; Công ty Dịch vụ thương mại và cổ phần Thành Đại Phú và các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng và bàn giao 3 căn nhà “Mái ấm biên cương” cho người nghèo ở khu vực biên giới có nơi ở ổn định.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ kiến thức gia đình cho phụ nữ ở khu vực biên giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù bận bịu với công việc chuyên môn và gia đình, nhưng chị vẫn luôn dành nhiều tâm huyết để đồng hành cùng nhân dân ở khu vực biên giới. Tiêu biểu là việc hưởng ứng và thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga đã cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhân văn, thiết thực phù hợp với điều kiện đơn vị và hoàn cảnh của người dân. Phải kể đến là Chương trình “Ngày hội bánh chưng xanh”, “Gian hàng kết nối yêu thương”, “Trao sinh kế”...

Cùng với đó, Đề án “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” cũng được Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga và đồng đội phối hợp thực hiện tốt. Chị đã kêu gọi, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ heo và thỏ giống cho 4 gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Ya Lốp, Ia Rvê, Krông Ana. Cùng với đó, 250 con gà giống cũng đã đến tay của hơn 20 hộ dân trên địa bàn xã Ia Rvê.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều đứa trẻ bỗng chốc không còn cha, mẹ bên mình. Với trách nhiệm cộng đồng, nhằm chia sẻ điều đó và hi vọng mang lại một chút hơi ấm gia đình cho các em nhỏ, chị Nga đã tích cực thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Bằng nhiều nỗ lực, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga đã vận động các doanh nghiệp, cá nhân chung tay hỗ trợ các cháu.

Cụ thể, doanh nghiệp Cà phê Nguyễn Thị Phượng ở thành phố Buôn Mê Thuột nhận đỡ đầu 2 chị em Lê Thị Xuân Thảo và Lê Đức Hiếu, xã Ear Na, huyện Buôn Đôn với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng. Gia đình ông Nguyễn Tiến Vũ và Hội thiện nguyện 58 Nguyễn Đình Chiểu ở thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 70 triệu đồng giúp đỡ cháu Y Đăng Ê Ban, với quà và tiền mặt gần 9 triệu đồng, cùng số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; trao tặng mô hình “Heo giống sinh sản” cho bà Bàn Mùi Loại, người dân tộc Dao ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Cô Diệu Lan ở thành phố Buôn Mê Thuột hỗ trợ 5 cháu với mức 200.000 đồng/cháu/tháng.

Với những nỗ lực đó, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của các cấp. Tiêu biểu như năm 2023, chị được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP về những thành tích đã đạt được.

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO