Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 14/09/2024 03:00 GMT+7

"Đòn bẩy" thay đổi tư duy thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với chương trình các giai đoạn trước và đặt ra các mục tiêu, tiêu chí rất cụ thể. Đó là hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao thu nhập, vượt qua mức sống tối thiểu và hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt trong xã hội. Chương trình sẽ góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân, là "đòn bẩy" giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi tư duy, nhận thức để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình bản du lịch cộng đồng của bà con bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thủy Lê

Đa dạng hóa các mô hình sinh kế

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những năm qua, các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành biên giới, miền núi đã và đang tích cực triển khai các dự án thành phần trong chương trình mà trọng tâm là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đó sẽ là "đòn bẩy" giúp người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để giúp bà con DTTS có cơ hội thoát nghèo, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều dự án đã triển khai hiệu quả từ những năm trước được cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nhân rộng ra nhiều nơi, nhiều hộ trong vùng.

Điển hình như: mô hình du lịch cộng đồng của bà con bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; mô hình chăn nuôi lợn rừng và dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; mô hình sinh kế thông minh gắn với biến đổi khí hậu trong chăn nuôi gà theo hướng sử dụng đệm lót sinh học ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh...

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã tác động tích cực đến địa phương được thụ hưởng. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân đã từng bước nâng dần mức sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên cả nước.

Những cách làm hay

Đơn cử như ở tỉnh Hà Giang, một tỉnh miền núi ở cực Bắc của Tổ quốc, đời sống của hầu hết bà con DTTS còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, số hộ nghèo có trên 42%. Nhằm giúp cho bà con DTTS trên địa bàn tỉnh từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp chính quyền của tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp, trong đó, tập trung hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp nhằm phát triển kinh tế gắn với du lịch. Một trong những điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững phải kể đến là huyện biên giới Đồng Văn.

Những năm gần đây, nhờ du lịch phát triển nên đời sống của bà con ở 19 xã của huyện Đồng Văn ngày một nâng lên, trong đó, năm 2021, xã Lũng Cú đã cán đích nông thôn mới. Cùng với chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Trung ương, huyện Đồng Văn đã hỗ trợ 251 gia đình chính sách, hộ nghèo xây dựng nhà ở với số tiền trên 15 tỷ đồng, chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đã được triển khai tới nhiều thôn, bản.

Rõ nét nhất đó là 12 sản phẩm của địa phương đã được gắn tem cấp chứng chỉ OCOP, chương trình liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản đã giúp cho người dân phát triển kinh tế bền vững, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Sản phẩm dầu thơm các loại đạt chất lượng OCOP 3 sao của doanh nghiệp khởi nghiệp là đồng bào DTTS. Ảnh: Thủy Lê

Còn tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lại có cách làm hay trong công tác giảm nghèo. Nhờ tận dụng những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và chăm chỉ lao động, học hỏi kinh nghiệm của các hộ dân, đến nay, các mô hình đã phát huy được hiệu quả bước đầu, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Với phương châm “Người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”, huyện đã nhân rộng các mô hình sinh kế, tạo mối liên kết sản xuất giữa người dân với các hợp tác xã (HTX).

Với sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, các HTX trên địa bàn huyện Đắk Glong đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp, được xem như “chìa khóa” giúp thoát nghèo bền vững với các mô hình như: mô hình HTX trồng cà phê sạch, HTX trồng dâu nuôi tằm, HTX trồng cây dược liệu, nuôi dê, bò, thỏ... với các giải pháp thế mạnh như “2 kèm 1”, “5 kèm 1”; các tổ vay vốn phát triển kinh tế; thành lập các tổ, nhóm đồng sở thích, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế ở các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hay Đoàn Thanh niên...

Những việc cần làm

Nhằm góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo bền vững thì cấp ủy, chính quyền các địa phương cần phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng lõi nghèo, vùng khó khăn. Có cơ sở hạ tầng thuận lợi, người dân sẽ có điều kiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống. Đồng thời, huy động nguồn lực để giúp cho người dân ổn định sinh kế vươn lên thoát nghèo thông qua việc có thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động nhân dân phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững. Mặt khác, cần hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao thu nhập, vượt qua mức sống tối thiểu và hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt trong xã hội; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; triển khai mô hình giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Tân An

Bình luận

ZALO