Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 04:08 GMT+7

“Quỹ tín dụng” đặc biệt của chàng sĩ quan Biên phòng

Biên phòng - Trách nhiệm với công việc, gắn bó với nhân dân là lý do để Thượng úy Nguyễn Bảo Trung (Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Ia Đal, BĐBP Kon Tum) sẵn sàng bỏ tiền riêng của mình để giúp những hộ dân trên địa bàn có ý chí vươn lên thoát nghèo nhưng thiếu tư liệu sản xuất. Việc làm ấy như gieo hạt giống, trao niềm tin cho những con người đã chọn vùng biên này để xây dựng quê hương thứ hai.

Thượng úy Nguyễn Bảo Trung (ngoài cùng, bên phải) luôn tích cực trong các hoạt động giúp dân. Ảnh: Trúc Hà

Có chàng trai từ phố lên rừng

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên, từ nhỏ, Nguyễn Bảo Trung đã chứng kiến cuộc sống lam lũ, nghèo khó của đồng bào dân tộc thiểu số. Lựa chọn vào Học viện Biên phòng cũng là một cách để chàng trai trẻ này có cơ hội gần và giúp đỡ đồng bào nhiều hơn. Năm 2021, Nguyễn Bảo Trung tốt nghiệp Học viện Biên phòng. Sau 1 năm làm trợ lý tại Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum, chàng sĩ quan trẻ được điều động lên biên giới nhận công tác. Với không ít bạn trẻ, việc từ phố lên rừng là chuyện không dễ dàng thì với Nguyễn Bảo Trung, đây là mong ước bởi cũng như những người lính Biên phòng khác, anh muốn được chạm tay vào cột mốc biên cương, sải bước trên cung đường tuần tra và có thêm những người anh em ruột thịt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyễn Bảo Trung vô cùng háo hức vì kiến thức từ những bài học suốt những năm ngồi trên ghế giảng sẽ được đưa vào thực tế.

Ấn tượng ban đầu về Thượng úy Nguyễn Bảo Trung là người trầm tính, ít nói và khi biết những việc mà chàng sĩ quan trẻ này đã và đang làm, chúng tôi lại càng thêm quý mến. Công tác biên giới đã 2 năm, tiền lương chắc chắn sẽ rủng rỉnh với thanh niên độc thân, thế nhưng Thượng úy Nguyễn Bảo Trung lại chưa bỏ dư ra được đồng nào. Không phải vì anh chạy đua mua điện thoại đắt tiền, xe máy đẹp mà vì một lý do không ngờ tới. Tiền lương được Thượng úy Nguyễn Bảo Trung dùng để mở “Quỹ tín dụng” cho người dân mượn làm ăn. Và những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình quân dân gắn bó của người lính Biên phòng với đồng bào các dân tộc - những người anh em ruột thịt được người lính trẻ viết nên một cách rất giản dị.

Xã Ia Đal (huyện Sa Thầy) là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum. Mùa khô nơi đây kéo dài nên Ia Đal được mệnh danh là “vùng đất khô khát”. Nơi đây có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống với phần lớn là công nhân của các nông trường công ty cao su đi theo diện kinh tế mới. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư xây dựng nên tình hình kinh tế, xã hội ở xã Ia Đal, Ia Dom (Đồn Biên phòng Ia Đal quản lý 4 thôn của xã Ia Đal và 3 thôn của xã Ia Dom) có những bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do những điều kiện về vị trí địa lý và những yếu tố khách quan nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế, xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều. Người không có đất canh tác, chỉ tận dụng các bờ lô cao su để trồng trọt, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

“Quỹ tín dụng” đặc biệt

Là Đội trưởng Đội Trinh sát, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung thường xuyên có mặt ở địa bàn. Chứng kiến cuộc sống vất vả của bà con, chàng sĩ quan trẻ luôn trăn trở và mong muốn có thể làm điều gì đó. Thế nhưng, đất đai cằn cỗi, thiếu nước về mùa khô nên chỉ lợi thế về chăn nuôi, đặc biệt là heo rừng lai có giá trị kinh tế cao. Hơn 10 năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đương, bà Trịnh Thị Thoái đưa hai con trai từ Nghệ An vào Ia Đal lập nghiệp. Nhà có lao động, thế nhưng tư liệu sản xuất ít nên cuộc sống của gia đình ông Đương gặp rất nhiều khó khăn. Vì chưa được cấp đất nên ông Đương phải dựng nhà ở bìa rừng, gần sát đường biên giới. Ở đây xa khu dân cư, không có sóng điện thoại, không điện lưới nên hai con dâu phải đưa các cháu về quê ở Đắk Lắk để có cuộc sống tốt hơn.

Nhờ sự giúp đỡ của Thượng úy Nguyễn Bảo Trung, anh Bùi Văn Anh đã có đàn heo lai rừng để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Trúc Hà

Mơ ước của gia đình ông Đương là cuộc sống khấm khá hơn, có đất cất nhà kiên cố để có thể đón con dâu, cháu nội vào đoàn tụ. Tháng 6/2023, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung cho gia đình ông Đương mượn 30 triệu đồng mua heo giống và làm chuồng trại. Ông Đương cùng hai con trai sang bên xã Ia Dom, Ia Tơi mua được 19 con heo giống về thả trong khu chăn thả đã được quây sẵn trước đó ở khe suối.

Năm 2021, anh Bùi Văn Anh từ huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) vào thôn 3, xã Ia Đal để làm công nhân cạo mủ cao su. Mặc dù mới vào Ia Đal, song anh Bùi Văn Anh luôn tích cực với công việc chung nên được nhận nhiều giấy khen trong công tác bảo vệ rừng, tham gia phát quang đường biên, cột mốc. Anh Bùi Văn Anh là công dân điển hình, tích cực cùng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thấy anh Bùi Văn Anh năng động, có mong muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất biên cương này, nhưng cuộc sống khá khó khăn vì thu nhập từ việc cạo mủ nếu tằn tiện cũng chỉ đủ ăn, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung đã chủ động cho anh Bùi Văn Anh mượn tiền với thỏa thuận “Khi nào bán được lợn sẽ trả lại tiền vốn”. Nhận lương, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung và anh Bùi Văn Anh sang xã Ia Tơi để mua heo giống loại lai rừng. Cứ thế, đến nay, đàn lợn của anh Bùi Văn Anh đã có 17 con và phát triển tốt, có thể xuất chuồng vào dịp cuối năm.

Chia sẻ về việc làm của mình, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung cho biết: “Bản thân tôi muốn hỗ trợ những người dân có ý chí vươn lên thoát nghèo nhưng gặp khó khăn về tư liệu sản xuất. Việc làm này xuất phát từ tâm và đó cũng là cách để tăng cường thêm mối đoàn kết, gắn bó với nhân dân trên địa bàn”. Có lẽ, vì suy nghĩ như vậy mà khi đàn heo của gia đình ông Đương, bà Thoái bị dịch chết gần hết, việc thu hồi vốn gần như là không có, nhưng Thượng úy Nguyễn Bảo Trung vẫn sẵn sàng cho anh Bùi Văn Anh mượn tiền mua heo giống. Với chàng sĩ quan trẻ, việc giúp đỡ người chăm chỉ là điều rất nên làm. Thêm nữa, cả hai cùng có suy nghĩ, từ đàn heo này có thể giúp gia đình thoát nghèo và có thể giúp đỡ những người xung quanh bằng những cặp heo giống. Như vậy, “Quỹ tín dụng” của chàng sĩ quan trẻ sẽ được mở rộng, nhiều người sẽ được hưởng lợi.

Đại úy Phạm Tiền Đạt, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Đal cho biết: “Mặc dù trẻ tuổi, công tác chưa lâu, nhưng Thượng úy Nguyễn Bảo Trung luôn thể hiện mình là người có trách nhiệm với công việc. Phương pháp làm việc khoa học nhưng hài hòa, mềm dẻo, được nhân dân yêu quý. Vừa qua, Đồn Biên phòng Ia Đal tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Kết quả, đơn vị đã tiếp nhận được 32 khẩu súng kíp, súng bắn cồn. Chính những cán bộ gần dân, hiểu dân như Thượng úy Nguyễn Bảo Trung đã góp phần vào kết quả của đơn vị”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO