Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 10:28 GMT+7

Quyền hạn của cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong BĐBP quy định tại Nghị định số 151/2005/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật

Biên phòng - Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) trong BĐBP gồm có Cục Trinh sát; Phòng Trinh sát thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP cấp tỉnh; Đồn Biên phòng và Ban Trinh sát thuộc Hải đoàn Biên phòng. Về quyền hạn của cán bộ chuyên trách bảo vệ ANQG trong BĐBP tại Nghị định số 151/2005/NĐ-CP ngày 14/12/2005 quy định cụ thể như sau:

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yok M'Bre (BĐBP Đắk Lắk) tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

1. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Trinh sát có quyền: (i) Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan hoạt động xâm phạm ANQG; (ii) Kiểm tra, phong tỏa tài khoản, nguồn tài chính; (iii) Bóc, mở, kiểm tra thư, điện, bưu phẩm, bưu kiện, gói, kiện hàng hóa; (iv) Kiểm tra phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, máy tính, mạng máy tính, chỗ ở, nơi làm việc; (v) Trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác; (vi) Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động gây nguy hại cho ANQG; (vii) Bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại.

2. Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP cấp tỉnh có quyền: Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan hoạt động xâm phạm ANQG.

3. Cán bộ chuyên trách bảo vệ ANQG: Khi được ủy quyền bằng văn bản của những người có thẩm quyền nêu trên thì có quyền đến cơ quan, tổ chức hoặc nơi ở, nơi làm việc của người có liên quan để yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật; kiểm tra, sao chụp hồ sơ về tài khoản, nguồn tài chính. Trong trường hợp cấp bách, được xuất trình giấy Chứng minh an ninh yêu cầu cơ quan bưu chính, viễn thông, hải quan và tổ chức, cá nhân khác tạm ngừng lưu thông thư, điện, bưu phẩm, bưu kiện, gói, kiện hàng hóa; tạm ngừng sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, máy tính, mạng máy tính, chỗ ở, nơi làm việc để ngăn chặn hậu quả gây nguy hại cho ANQG; thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm khác hoặc thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành để bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền; trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác; phối hợp bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại.

Nghị định số 151/2005/NĐ-CP không quy định quyền hạn của Đồn trưởng đồn Biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng và không giao cho Chỉ huy trưởng BĐBP cấp tỉnh các quyền khác ngoài quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Biên phòng Việt Nam lại quy định quyền hạn của những người này được: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật; khám xét, thu giữ, tạm giữ vật chứng, tài liệu; áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; thu thập dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông; hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động có nguy cơ xâm phạm đến chủ quyền, ANQG ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Như vậy, quyền hạn của cán bộ chuyên trách bảo vệ ANQG trong BĐBP quy định tại Nghị định số 151/2005/NĐ-CP chưa đồng bộ với các văn bản luật khác, do đó, cần sớm được nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh, Cục Trinh sát BĐBP

Bình luận

ZALO