Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 12:44 GMT+7

Quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Biên phòng - Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, liên tiếp trong khoảng thời gian gần đây, tội phạm mua bán người (MBN) có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn hoạt động ngày một tinh vi, có sự cấu kết của các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành những điểm “nóng” trên địa bàn khu vực biên giới.

Cán bộ BĐBP Hà Giang tuyên truyền phòng, chống MBN cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn khu vực biên giới. Ảnh: Xuân Minh

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong tháng cao điểm phòng, chống MBN, đã có nhiều vụ án, chuyên án về MBN được BĐBP bóc gỡ, nhiều nạn nhân đã được giải cứu.

Nhiều dấu hiệu phức tạp

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống MBN, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết, trong tháng cao điểm phòng, chống MBN nổi lên các hoạt động: MBN từ Việt Nam sang Campuchia, Lào nhằm cưỡng bức lao động trong các casino, cơ sở kinh doanh trực tuyến; mua bán trẻ em gái và phụ nữ nhằm cưỡng bức tình dục trong các cơ sở massage, dịch vụ giải trí trá hình trong nước; lợi dụng hoạt động “cò ngư phủ” để lừa đảo người lao động đưa xuống các tàu khai thác hải sản cưỡng bức lao động trong điều kiện khắc nghiệt.

Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng mạng xã hội, với hình thức lừa gạt, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” để tuyển mộ người lao động, tổ chức xuất cảnh (hợp pháp và bất hợp pháp) ra nước ngoài, sau đó, ép kết hôn trái pháp luật, bán vào các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến tại một số nước trong khu vực hoặc nhằm mục đích bóc lột tình dục trong các cơ sở dịch vụ giải trí trá hình, cưỡng bức lao động trên các tàu đánh cá trên biển. Nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi từ 16 đến 28, cư trú tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có nhu cầu việc làm cao nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt và trở thành nạn nhân của hoạt động MBN.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực phòng, chống MBN của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống MBN - 30/7” trong Quân đội; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống MBN, xuất, nhập cảnh trái phép và lừa đảo đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài; đặc biệt, định hướng các đơn vị tuyên truyền có hiệu quả với phương thức, thủ đoạn hoạt động môi giới, lừa đảo đưa đi lao động trái phép tại các nước, nhằm tạo thế trận phòng ngừa khép kín từ nội địa đến khu vực biên giới.

Chỉ tính riêng trong tháng cao điểm phòng, chống MBN, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền tập trung tại cộng đồng và tuyên truyền ngay tại khu vực xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu được 2.419 buổi với 70.739 lượt người tham gia; qua hệ thống truyền thanh của địa phương và mô hình “Tiếng loa Biên phòng” được 1.024 giờ; cấp phát 4.082 tờ rơi.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, đã từng bước nâng cao ý thức, nhận thức và hành động đối với cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo trong công tác phòng, chống MBN; đặc biệt, qua tuyên truyền tại cửa khẩu, đã ngăn chặn kịp thời 86 người không xuất cảnh ra nước ngoài lao động trái phép để không rơi vào tình trạng bị mua bán.

Những con số “biết nói”

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Các đối tượng MBN trong Chuyên án LA623p bị BĐBP Long An bắt giữ. Ảnh: Minh Luận

Chỉ tính riêng trong tháng cao điểm phòng, chống MBN, các đơn vị BĐBP đã tiếp nhận, giải quyết 4 đơn tố giác, tin báo về tội phạm MBN theo đúng quy định pháp luật; xác lập, đấu tranh thành công 4 chuyên án (A1222p, LA623p, ĐL723p, LC723), triệt xóa, bóc gỡ các đường dây MBN. Qua đó, phát hiện, xử lý 15 vụ/20 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ và chuyển tuyến 58 nạn nhân, người nghi là nạn nhân (tăng 13 đối tượng, tăng 31 nạn nhân so với tháng cao điểm năm 2022); khởi tố 4 vụ án MBN và MBN dưới 16 tuổi liên quan đến 20 đối tượng, đang điều tra, xác minh 10 vụ/11 đối tượng liên quan đến hoạt động MBN.

Trong đó, điển hình là Chuyên án LA623p, BĐBP Long An kịp thời giải cứu 1 nạn nhân, bắt quả tang 3 đối tượng; chủ trì, phối hợp với Công an các tỉnh Long An, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh mở rộng chuyên án, bắt khẩn cấp 4 đối tượng; làm rõ hành vi, bàn giao cho Công an bắt tiếp 3 đối tượng.

Có thể khẳng định rằng, qua những con số nói trên, hoạt động của tội phạm MBN trên khu vực biên giới ngày càng có diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày một tinh vi, tăng về số lượng lẫn quy mô hoạt động. Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị BĐBP tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; trong đó, tập trung đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn ở khu vực biên giới; đẩy mạnh thu thập thông tin trên không gian mạng và thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ cơ bản để tạo nguồn xác lập chuyên án trinh sát đấu tranh; chú trọng đấu tranh các đường dây MBN đưa ra nước ngoài cưỡng bức lao động và MBN nhằm cưỡng bức lao động trên biển.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an các cấp trao đổi thông tin, tình hình về tội phạm MBN, nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; thực hiện hiệu quả quy chế, kế hoạch phối hợp phòng chống MBN với các cơ quan, đơn vị liên quan; tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống MBN; tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán.

Bên cạnh đó, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới, hải đảo nhằm hạn chế thấp nhất nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm MBN.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO