Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:13 GMT+7

BĐBP thành phố Hồ Chí Minh:

Quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Trong những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn biến vô cùng phức tạp. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “kép”: vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, cửa khẩu cảng, vừa phối hợp với lực lượng chức năng phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào thành phố qua biên giới biển và cửa khẩu cảng biển.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại các bến đò. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng

Cảng biển thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 3655/QĐ-BGTVT ngày 27-12-2017 của Bộ Giao thông Vận tải là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I với gần 60 cảng lớn, nhỏ thuộc 4 khu bến chính nằm trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè và Soài Rạp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh, đây là địa bàn có nguy cơ rất cao xảy ra dịch bệnh bởi số lượng tàu thuyền, thủy thủ tàu nước ngoài đến thành phố qua cửa khẩu cảng biển là rất lớn. Khi một tàu đã đi qua các hải cảng quốc tế vào neo đậu tại bến cảng hoặc phao thì những thuyền viên trên tàu chính là đối tượng nguy cơ nhiễm Covid-19 trong quá trình đi qua các hải cảng quốc tế. Từ khi dịch bùng phát, tất cả những người này không được lên bờ, trừ những trường hợp được cho phép như cần điều trị bệnh, kết thúc hợp đồng làm việc.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số người làm việc tại cảng bắt buộc phải lên tàu làm việc như hoa tiêu, nhân viên điều độ, công nhân bốc dỡ hàng, giám định, sửa máy... Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, tất cả những trường hợp này đều phải được BĐBP cho phép mới được xuống tàu làm việc. Quá trình xuống tàu, những người này phải mang trang bị phòng hộ, chỉ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu trong những trường hợp thật cần thiết và giữ khoảng cách theo quy định. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng, không đầy đủ các bước theo quy trình thì nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra.

Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố đã phải căng mình trên tất cả các mặt trận; vừa đảm bảo 100% quân số trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, vừa phòng, chống dịch Covid-19 và tăng cường lực lượng cho BĐBP Tây Ninh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, kết hợp phòng, chống dịch Covid-19. Xác định rõ tính chất phức tạp của địa bàn, bên cạnh việc tổ chức lực lượng làm tốt công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh trong điều kiện phòng, chống dịch, bảo vệ tuyệt đối an toàn địa bàn, mục tiêu thì Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp chặt chẽ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 BĐBP thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả ở cửa khẩu cảng biển, BĐBP thành phố đã quản lý chặt chẽ phương tiện, thuyền viên, các đối tượng lên, xuống tàu nước ngoài và tàu Việt Nam từ nước ngoài về theo Nghị định số 77/2020/NÐ-CP của Chính phủ và Quyết định 803/QĐ-BTL của Bộ Tư lệnh BĐBP. Cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tàu thuyền thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch khi thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành triển khai đầy đủ, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch”.

Trên tuyến cửa khẩu cảng biển, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 24 tổ, chốt phòng, chống dịch; tăng cường lực lượng, trang bị, phương tiện cho các tổ, chốt. Qua đó, đã kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các khu vực, mục tiêu; ngăn chặn kịp thời các trường hợp lên xuống tàu trái phép, các hành vi cố tình tiếp xúc với tàu nước ngoài để buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Đồng thời, bố trí 4 ca nô cao tốc, 1 tàu ST cùng các cán bộ, chiến sĩ (đã được tập huấn, huấn luyện) sẵn sàng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển thuyền viên nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 trên các tàu về các điểm cách ly, điều trị theo quy chế phối hợp. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn chấp hành nghiêm các biện pháp, quy định phòng, chống dịch, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bộ đội.

Theo Thượng tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh, việc quản lý số cán bộ, công nhân lên tàu làm hàng và các phương tiện cập mạn khi tàu cập cảng thành phố luôn được quan tâm quản lý và theo dõi chặt chẽ, vì đây chính là những người trực tiếp tiếp xúc với các thủy thủ ở nước ngoài về, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao; nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác sẽ để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, trước khi giải quyết cho cán bộ, công nhân lên xuống tàu, lực lượng BĐBP đều tiến hành kiểm tra giấy tờ tùy thân, đối chiếu với danh sách đăng ký và kiểm danh, kiểm diện thực tế, đo thân nhiệt, kiểm tra các điều kiện phòng, chống dịch. Đối với công nhân đăng ký theo tổ, đều giao cho tổ trưởng hoặc trực ban tổ có trách nhiệm quản lý công nhân trên tàu. Phương tiện cập mạn thì đăng ký với trạm Kiểm soát Biên phòng và chịu sự kiểm tra, giám sát của lực lượng BĐBP.

Đối với địa bàn biên giới biển của thành phố, các đơn vị Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới, tổ chức cho các khu phố, ấp, tổ tự quản và các hộ gia đình ký cam kết.

Các đồn, hải đội đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức như thông tin trên hệ thống thuyền thanh, cấp phát tờ rơi, tờ gấp; đo thân nhiệt, khai báo y tế tại các bến đò, bến phà; quản lý chặt chẽ địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp trở về từ vùng dịch để phối hợp với địa phương có biện pháp quản lý.

Kết quả, có 193 Tổ an ninh nhân dân, 10 Tổ tự quản an ninh trật tự, 16 Tổ tàu thuyền an toàn, 540 hộ dân ký cam kết thực hiện. Đồng thời, đơn vị đã tổ chức phát 6.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, BĐBP thành phố còn tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia với địa phương bảo vệ các nơi cách ly tập trung trên địa bàn đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Nói về nhiệm vụ thời gian tới, Đại tá Trần Thanh Đức, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, BĐBP thành phố sẽ chủ động nắm và dự báo đúng, kịp thời diễn biến tình hình; chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và Thành ủy, UBND thành phố, tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ các biện pháp công tác Biên phòng; ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ phòng, chống dịch ở cửa khẩu cảng biển và trong đơn vị. Với trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn; chủ động, kịp thời tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp công tác, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, cửa khẩu cảng, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập của thành phố”.

Nguyễn Đức Thắng

Bình luận

ZALO