Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 01:55 GMT+7

Quyết tâm, quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Biên phòng - Xác định công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ chính trị cấp bách, lực lượng BĐBP đã chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường tuần tra, kiểm soát tàu thuyền, thực thi pháp luật trên biển, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế.

Trên 97% tàu cá của Việt Nam đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Bích Nguyên

Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ đầu năm 2024, BĐBP triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp để tăng cường thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác IUU, trong đó tập trung quán triệt đầy đủ chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên về nhiệm vụ chống khai thác IUU trong tình hình mới. Lực lượng BĐBP đã chủ động tuần tra, quản lý, kiểm soát tàu cá trên địa bàn, tàu cá xuất, nhập bến; tập trung tại các cửa sông, cửa lạch – nơi có nhiều tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác, không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS). Các đơn vị Biên phòng tuyến biển chủ động bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan quản lý thủy sản tại cảng cá trong việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng.

Trong năm 2023, thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4", Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng 3 kế hoạch, ban hành 13 công văn, 45 điện chỉ đạo công tác chống khai thác IUU. Các đơn vị BĐBP đã tổ chức 30.644 lượt tổ/120.047 lượt cán bộ, chiến sĩ/2.872 lượt phương tiện tuần tra, kiểm soát trên biển, sông, vịnh, bãi ngang (tăng 7.372 lượt tổ/39.449 lượt cán bộ, chiến sĩ/544 lượt phương tiện so với cùng kỳ năm 2022); làm thủ tục xuất, nhập bến, kiểm tra, kiểm soát 815.384 lượt tàu cá/4.636.759 lượt ngư dân (tăng 242.547 lượt tàu cá/1.382.533 lượt ngư dân so với năm 2022).

Thông qua kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát Biên phòng và tuần tra trên biển, các đơn vị đã tuyên truyền cho gần 157.000 lượt tàu cá/hơn 930.000 lượt thuyền viên, cấp phát 14.000 tờ rơi, hơn 3.900 lá cờ Tổ quốc, 735 ảnh Bác Hồ. Đồng thời, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền được 916 buổi/ hơn 109.000 lượt người nghe; cấp phát gần 2.000 cuốn tài liệu, 1.300 áo phao, 980 thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh; yêu cầu 100% thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ký cam kết không khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, BĐBP đã tăng cường thực thi pháp luật trên biển. Năm 2023, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan xác minh, xử lý và tham mưu cho UBND các tỉnh xử lý các vụ việc liên quan đến tàu cá ngư dân ta bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, vi phạm các quy định về IUU. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 10 vụ/99 tàu cá có hành vi tự ý tháo gỡ thiết bị VMS.

Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội khá tinh vi, cụ thể: Tàu cá, ngư dân khi xuất bến qua các trạm kiểm soát Biên phòng có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật, thiết bị VMS. Tuy nhiên, khi ra biển, các đối tượng tháo thiết bị VMS và gửi cho tàu khai thác bên vùng biển Việt Nam (số tàu này liên kết theo nhóm, chủ yếu tàu của cùng một chủ). Trước khi tàu về bờ, thuyền trưởng khôi phục lại hiện trạng ban đầu, lắp đặt lại thiết bị VMS, xóa dữ liệu được lưu trữ trên định vị... để vào làm thủ tục nhập bến tại trạm kiểm soát Biên phòng.

Mục đích của hành vi trên là nhằm trốn tránh sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện vị trí tàu thông qua hệ thống thiết bị VMS. Trong năm 2023, các đơn vị BĐBP đã xử lý 5 vụ/65 đối tượng với số tiền xử phạt là hơn 4,7 tỷ đồng. Hiện, còn 5 vụ, các đơn vị đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản, năm 2023, các đơn vị BĐBP đã chủ trì phát hiện, xử lý 693 vụ/807 phương tiện/911 đối tượng/hơn 8 tỷ đồng (tăng 239 vụ/257 phương tiện/280 đối tượng, giảm hơn 5,4 tỷ đồng tiền xử phạt so với cùng kỳ năm 2022); tịch thu 109kg thuốc nổ, 888 kíp nổ, 54m dây cháy chậm, 51 bộ kích điện, tước bằng thuyền trưởng 6 trường hợp không bảo đảm thủ tục giấy tờ, có hành vi vô hiệu hóa thiết bị VMS; vận chuyển, sử dụng kích điện khai thác hải sản trái phép.

BĐBP cũng tham mưu cho UBND các tỉnh ven biển xử lý 18 vụ/133 tàu cá/103 đối tượng/hơn 24 tỷ đồng (tăng 9 vụ/120 tàu/94 đối tượng/hơn 16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022), tịch thu 7 tàu cá, tước bằng thuyền trưởng 39 trường hợp về hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tháo và không duy trì hoạt động của thiết bị VMS.

Thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh chống khai thác IUU, BĐBP đã xác lập 8 chuyên án. Trong đó, có 1 chuyên án đấu tranh với đường dây, đối tượng tổ chức môi giới đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; 7 chuyên án đấu tranh với tội phạm tàng trữ, mua bán, vận chuyển vật liệu nổ và xuất, nhập cảnh trái phép liên quan đến hoạt động của tàu cá khai thác hải sản trên biển.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO