Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 08:15 GMT+7

Rác thải nhựa từ sản xuất nông nghiệp tạo áp lực lớn cho môi trường

Biên phòng - Hàng trăm ngàn tấn rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp được thải ra mỗi năm đang gây áp lực rất lớn cho môi trường. Nếu không sớm giải quyết tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được xả thải bừa bãi, con người sẽ là người gánh nhiều hậu quả về mặt sức khỏe.

Hàng ngàn thùng xốp dùng trong nuôi trồng thủy sản được Hải đội 2, BĐBP Quảng Ninh thu gom trên biển Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bình Phương

Phát thải lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho biết, bình quân mỗi ha trồng lúa hiện nay, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật/vụ. Đối với rau màu, cây công nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn, gấp 2-3 lần trồng lúa. Với diện tích khoảng 150.000ha/năm trồng lúa và gần 75.000ha/năm trồng rau màu, ước tính, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại Thái Bình lên tới con số hàng trăm tấn.

Còn ở tỉnh Quảng Bình, lượng phát thải nhựa từ hoạt động khai thác và nuôi thủy sản chiếm số lượng lớn. Hiện, địa phương này có hơn 3.500 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó, có gần 1.200 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi; diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ ven biển hơn 1.300ha. Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất thủy sản của tỉnh chủ yếu đến từ hoạt động khai thác thủy sản; ngư lưới cụ hư hỏng, thất thoát, trôi nổi trên biển; sản xuất nuôi trồng thủy sản ven biển.

Là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi biển của miền Bắc, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 32.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, các hộ nuôi chủ yếu sử dụng phao xốp để làm lồng bè. Loại vật liệu này có độ bền thấp, sau 2-3 năm sử dụng, những quả phao xốp tan rã, nổi trôi trên mặt nước, gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển. Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hàng năm, các đơn vị thu gom khoảng 2.000 tấn rác từ vịnh Hạ Long, trong đó, có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ nuôi trồng thủy sản.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân và phát triển đất nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra những áp lực cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa...

Lưới cá là một trong những loại rác thải khó phân hủy được thải ra từ hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Bích Nguyên

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 cho thấy, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động trồng trọt (ni lông, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) xấp xỉ 661.000 tấn/năm (gồm 550.000 tấn ni lông, 77.400 tấn vỏ bao bì phân bón và gần 34.000 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật). Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm khoảng gần 68.000.000 tấn; 77.000 tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh khoảng 880.000 tấn bùn thải, 273.000 tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Thúc đẩy thu gom và tái chế

Để thực hiện thành công kế hoạch quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp và thủy sản, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khuyến nghị rằng, nên đẩy nhanh các giải pháp hiệu quả hướng tới kế hoạch quốc gia; xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy những mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng. Tập huấn cho người dân và các bên liên quan trong nông nghiệp về tác động đến môi trường của nhựa cũng như các giải pháp thay thế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, ngành nông nghiệp đã bước đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa. Các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã tiến hành điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường, gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa.

Túi ni lông phát thải từ sinh hoạt “tấn công” nhà dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng Bộ dữ liệu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đề xuất các giải pháp quản lý, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa; xây dựng các mô hình thí điểm quản lý thu gom, phân loại chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chất thải nhựa tới các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và người dân về giảm thiểu, thu gom, sử dụng chất thải nhựa...

Thực tế, tại các địa phương, nhiều giải pháp thu gom, xử lý rác thải nhựa đang được thực hiện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đơn cử, tỉnh Thái Bình đã thực hiện và nhân rộng mô hình “Cánh đồng sạch - thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở hầu hết các xã, thị trấn với tổng số hơn 4.500 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng và đưa vào hoạt động trên các cánh đồng nhằm phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thí điểm mô hình quản lý chất thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích hơn 10ha trồng lúa, khoai lang, ớt... tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng.

Tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện chuyển đổi vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản theo kỹ thuật địa phương, giúp thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường. Cùng với hoạt động thu gom rác thải nhựa trên biển, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện sản xuất, cung ứng và chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Đồng thời, xử lý, di dời các trường hợp vi phạm nuôi trồng thủy sản trái phép, sắp xếp ổn định các vùng nuôi biển tập trung theo quy hoạch, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO